Một thời chiến tranh, một thời hòa bình

Cách nay vừa đúng 1 năm, Báo Cựu chiến binh (CCB) TPHCM và Báo Quân khu 7 cùng hợp tác để tổ chức cuộc thi viết “Ký ức chiến tranh và cuộc sống hòa bình” với mục tiêu tập hợp những sáng tác của các CCB về một thời chiến tranh và vai trò của CCB trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Sáng 12-3, lễ trao giải diễn ra tại trụ sở Hội CCB TP với 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 14 giải tư.
Một thời chiến tranh, một thời hòa bình

Cách nay vừa đúng 1 năm, Báo Cựu chiến binh (CCB) TPHCM và Báo Quân khu 7 cùng hợp tác để tổ chức cuộc thi viết “Ký ức chiến tranh và cuộc sống hòa bình” với mục tiêu tập hợp những sáng tác của các CCB về một thời chiến tranh và vai trò của CCB trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Sáng 12-3, lễ trao giải diễn ra tại trụ sở Hội CCB TP với 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 14 giải tư.

  • Những chi tiết đắt giá của một thời chiến tranh

Là thành viên thường trực ban giám khảo cuộc thi, nhà văn, CCB Đỗ Viết Nghiệm nhớ lại giai đoạn đầu của cuộc thi. Khi đó, tác phẩm gửi về rất nhiều nhưng bài viết hay, ấn tượng lại không bao nhiêu. Đa phần vẫn là sự thể hiện mờ nhạt của ký ức đơn thuần, chưa làm nổi bật được các chi tiết đắt, lạ mà người lính đã trực tiếp trải qua, phần nhiều chỉ là sự lặp lại của những tác phẩm trước đây. Chính vì thế, được nửa chặng đường, ban tổ chức đã phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với tính chất cuộc thi hơn, các tác phẩm thoáng hơn trong hình thức thể hiện như có thể dạng ký, phóng sự, truyện ngắn…

Trung tướng Trần Thanh Huyền trao giải nhất cho tác giả Trần Hùng (trái) với tác phẩm Hòa E6.

Trung tướng Trần Thanh Huyền trao giải nhất cho tác giả Trần Hùng (trái) với tác phẩm Hòa E6.

Như ở tác phẩm Hòa E6 (đoạt giải nhất) của tác giả Trần Hùng, hình ảnh một người sĩ quan quân đội ở khu vực Tây Nguyên hiện nay được tái hiện đầy chân thật, từ cái tính dám nói, dám làm đến sự gần gũi, đồng cam cộng khổ với người lính để hiểu lính, rút ra được bài học nhằm xây dựng những đơn vị chiến đấu vững mạnh, tinh nhuệ, chính quy, hiện đại. Còn ở tác phẩm Chuyện Thanh Gầm và chiếc máy ghi âm (giải nhì), tác giả Thạch Cương đã khéo léo xây dựng một nhân vật đầy cá tính, đánh giặc giỏi nhưng lại rất e dè khi nói về các chiến công của mình. Một nhà có ba anh hùng (giải nhì) của tác giả Hồng Vân lại xây dựng được chất bi hùng của chiến tranh khi miêu tả về những mất mát, đau thương bên niềm vui chiến thắng.

Là những nhân chứng lịch sử, cuộc thi cũng đã góp phần kéo ra từ những ký ức của các CCB những chi tiết độc đáo của một thời như trong tác phẩm Nữ pháo binh Xi Núc (giải ba) của nhà văn Trần Công Tấn đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của tác giả với nước Lào, với các chiến sĩ Lào. Còn ở tác phẩm Chuyện kết nghĩa vườn trầu Hóc Môn (giải tư) của tác giả Ngô Tấn Quân lại đưa bạn đọc đến vùng đất Nam bộ hào sảng, đến cái vẻ lãng tử, xả thân của con người nơi đây khi bước vào cuộc chiến sinh tử vì hòa bình, thống nhất đất nước.

Đặc biệt, có nhiều tác phẩm mang tính chất lịch sử rất riêng như tác phẩm Câu chuyện của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn (giải tư) của Đại tá tình báo, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu tức Tư Cang, chỉ huy mạng lưới tình báo H63 mà tướng Phạm Xuân Ẩn là điệp viên chính. Tác phẩm đã đưa đến người đọc cái nhìn độc đáo về một nhân vật lịch sử, cái nhìn dưới góc độ người đồng đội, người chỉ huy trực tiếp.

  • Chút e dè của trang viết thời bình

Viết về CCB trong thời hòa bình là phần quan trọng của cuộc thi. Nhiều tác phẩm đã thể hiện khá đặc sắc góc độ này của những người lính năm nào như ở tác phẩm Đi trên đường trù phương lược (giải tư) của tác giả Vinh Nghĩa, bạn đọc như hòa vào niềm vui của những người lính một thời bảo vệ biên cương khi con đường tuần tra biên giới mà họ từng ao ước bao năm đang được hoàn tất.

Rồi còn nhiều tác phẩm về người CCB hôm nay như Trở lại Cồn Cỏ của Hải Tân, Người thổi hồn vào nón làng chuông của Minh Nguyệt, Người xây nhà thờ Bác Hồ ở Trà My của Phan Thị Quế Hà.

Trung tướng Trần Thanh Huyền, Phó Chủ tịch Hội CCB TP, nhận xét, về góc độ tái hiện những ký ức hào hùng, nêu cao những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay, các tác phẩm đã làm tốt, có hiệu quả cao. Thế nhưng, ở phần cuộc sống hôm nay, vẫn còn nhiều vấn đề nóng, mang tính thời sự chưa được các tác giả chú ý kỹ hơn như vấn đề biển đảo, vấn đề góp ý xây dựng, chỉnh sửa Hiến pháp… Hy vọng rằng trong các đợt vận động sáng tác văn học sau này về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, các tác giả sẽ có nhiều hơn những tác phẩm mang tính thời sự, nhấn mạnh đến cuộc sống thời bình trong tình hình vẫn phải tiếp tục nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc. 

Các tác phẩm đoạt giải

Giải nhất thuộc về tác giả Trần Hùng với tác phẩm Hòa E6. Giải nhì thuộc về 2 tác phẩm Một nhà có ba anh hùng của Hồng Vân và Chuyện Thanh Gầm và chiếc máy ghi âm của Thạch Cương. Các tác phẩm Má Tám Vĩnh Điều của Nguyễn Văn Thạnh, Nữ pháo binh Xi Núc của Trần Công Tấn và Chuyện đồng chí Tư già của tác giả Xuân Lộc cùng đoạt giải ba.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục