Thiếu máy duyệt phim - Dở khóc dở cười

Quy trình hiện nay để một bộ phim được ra rạp, bắt buộc phải được cấp phép của Cục Điện ảnh. Để được cấp phép, phim phải được Hội đồng nghệ thuật của cục duyệt, đồng ý phát hành. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cục chỉ duyệt được bản phim nhựa (35 ly) hoặc DVD, không thể duyệt bản phim định dạng kỹ thuật số digital (DCP- digital cinema package) vì cục không có máy chiếu kỹ thuật số.
Thiếu máy duyệt phim - Dở khóc dở cười

Quy trình hiện nay để một bộ phim được ra rạp, bắt buộc phải được cấp phép của Cục Điện ảnh. Để được cấp phép, phim phải được Hội đồng nghệ thuật của cục duyệt, đồng ý phát hành. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cục chỉ duyệt được bản phim nhựa (35 ly) hoặc DVD, không thể duyệt bản phim định dạng kỹ thuật số digital (DCP- digital cinema package) vì cục không có máy chiếu kỹ thuật số.

Khán giả xem phim 3D tại rạp.

Khán giả xem phim 3D tại rạp.

Nghe thật khó tin, nhưng quả thật, lâu nay các đơn vị nhập phim nước ngoài để chiếu rạp, muốn duyệt phim phải gửi cho cục xem hoặc bản phim nhựa, hoặc chuyển sang đĩa DVD. Trong khi đó, công nghệ làm phim của thế giới hiện nay rất hiếm (vô cùng hiếm) phim bản nhựa 35 ly “cổ lỗ sĩ”. Tại hội thảo về kỹ thuật điện ảnh diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội cuối năm ngoái, nhiều tham luận đã nói rất rõ vấn đề này - thế giới đang dần loại bỏ việc làm bằng phim nhựa 35 ly vì giá thành quá cao và nguyên liệu để làm phim nhựa cũng rất hiếm, chỉ còn rất ít nhà máy sản xuất chất liệu này. Gần như tất cả các phim nước ngoài nhập và phát hành tại Việt Nam thời gian qua đều là dạng phim DCP. (Ngay tại VN, các nhà sản xuất phim hiện nay cũng quay bằng máy kỹ thuật số, sau đó sang Thái Lan chuyển thành bản phim nhựa). Tuy nhiên vì cục chỉ có máy chiếu phim nhựa và đầu DVD; để phim được duyệt, các nhà nhập và phát hành phim đều phải mua thêm bản phim nhựa, hoặc tạo điều kiện tốt nhất cho cục bằng cách chuyển sang bản DVD.

Hiện nay tại VN, hầu hết các rạp chiếu phim, các cụm rạp của tư nhân đều đã thay thế máy chiếu phim nhựa bằng cách chuyển sang trang bị máy chiếu kỹ thuật số (KTS), như: Trung tâm Chiếu phim quốc gia HN thay 100% máy chiếu KTS; hệ thống cụm rạp MegarStar, Galaxy trang bị 100% máy chiếu KTS; BHD đến tháng 5-2013 sẽ hoàn toàn trang bị máy chiếu KTS cho tất cả các cụm rạp.

“Thế giới bây giờ không làm phim nhựa, nên máy chiếu phim nhựa tới đây sẽ không có phim để chiếu; đó là lý do mà chúng tôi phải thay đổi thiết bị chiếu cho rạp của mình” - một quản lý cụm rạp cho biết. Cũng chỉ vì cục không có máy chiếu KTS, nên xảy ra nhiều trường hợp dở khóc dở cười! Phim không duyệt được vì không có bản phim nhựa, mà nhà phát hành lại không muốn chuyển sang định dạng DVD vì lo sợ mất bản quyền (bản DVD rất dễ bị copy). Thử tưởng tượng, một phim “bom tấn” được nhà phát hành trả tiền bản quyền cao để khán giả Việt có thể thưởng thức cùng thời điểm phát hành với thế giới, liệu nhà phát hành ấy có dám “phiêu lưu” giao phim ở định dạng dễ copy nhất hay không (?!). Chưa kể về nguyên tắc, sau khi phim được duyệt, nhà phát hành phải nộp lưu chiểu một bản phim cho cục, nên chuyện lo lắng giữ bản quyền là có thể hiểu và chia sẻ được.

Vấn đề là ngành điện ảnh Việt Nam đang cố gắng vươn lên hòa nhập với xu thế và sự tiến bộ chung của thế giới; từ cách nhìn, tư duy làm phim đến những cuộc “cách mạng” thay đổi kỹ thuật, công nghệ với mong muốn tiếp cận trào lưu chung của điện ảnh thế giới. Chúng ta tự hào đã có thể làm được phim định dạng 3D, tuy nhiên, khi đem phim đi duyệt, nhà sản xuất buộc phải chuyển thành định dạng 2D vì cục cũng không có máy để xem được phim 3D? Việc buộc phải có phim nhựa để cục duyệt, khiến nhà phát hành phải thêm chi phí mua một bản phim nhựa. (Được biết, vài năm trước giá thành một bản phim nhựa là 900USD, nhưng nay đã là 2.200USD).

Câu hỏi là tại sao bao nhiêu năm nay, Cục Điện ảnh không thể trang bị một máy chiếu kỹ thuật số để phục vụ cho công việc duyệt phim? Giá thành một máy chiếu kỹ thuật số hiện nay trong khoảng 50.000USD (chừng 1 tỷ đồng), lẽ nào một cơ quan quản lý điện ảnh của cả nước không thể mua nổi? Liệu có giải pháp nào ổn thỏa, để chuyện duyệt phim không trở nên nhiêu khê, khó khăn chỉ vì cục… không có máy chiếu?! Một số nghệ sĩ hiểu chuyện còn băn khoăn về vụ Cục Điện ảnh vừa qua từng để bị thất thoát ngân sách nhà nước trên 40 tỷ đồng, vậy mà mua máy duyệt phim tốn khoảng 1 tỷ đồng thì lại không thể? 

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục