Ẩm thực xấu xí

“Miếng ăn là miếng nhục”. Câu thành ngữ ấy bây giờ ít khi người ta còn dùng đến, dù rằng nó chưa thật cổ. Tuy không dùng để nói ra nhưng ắt hẳn trong tâm trí người Việt thì câu thành ngữ ấy vẫn luôn tồn tại như một cách để tự nhắc nhở mình. “Ăn” vẫn là “nhục”. Nhưng “nhục” thì vẫn phải “ăn”. Có chăng chỉ là chọn cách ăn và chỗ ăn bớt nhục mà thôi.
Ẩm thực xấu xí

“Miếng ăn là miếng nhục”. Câu thành ngữ ấy bây giờ ít khi người ta còn dùng đến, dù rằng nó chưa thật cổ. Tuy không dùng để nói ra nhưng ắt hẳn trong tâm trí người Việt thì câu thành ngữ ấy vẫn luôn tồn tại như một cách để tự nhắc nhở mình. “Ăn” vẫn là “nhục”. Nhưng “nhục” thì vẫn phải “ăn”. Có chăng chỉ là chọn cách ăn và chỗ ăn bớt nhục mà thôi.

Những năm chiến tranh bao cấp đói kém, cái ăn của người Hà Nội hình như đã xuống đến tận đáy của phong cách ẩm thực kinh kỳ thanh lịch. Người ta không khó để nhìn thấy cảnh tranh giành nhau đến mức quyết liệt ở những cửa hàng bán lương thực, thực phẩm. Dậy từ mờ sáng mang rổ rá ra xếp hàng xí chỗ. Chen hàng, bán chỗ, cãi cọ và cuối cùng là a-la-xô vỡ hàng. Cô nhân viên mậu dịch áo trắng cáu kỉnh ném cái nhìn hợm hĩnh ra đám người lộn xộn gào thét chửi bậy bên ngoài. Thực phẩm luôn không đủ cho những người xếp hàng. Cảnh tượng đau lòng ấy không thể nói là không phải vì miếng ăn.

Minh họa: P.S

Minh họa: P.S

Miếng uống thì sao? Hàng bia hơi Cổ Tân có sáng kiến chống đám phe phẩy sống nhờ việc mua tích-kê bia hơi mang ra bán lại cho người uống với giá cao hơn kiếm lời. Cách thức thật kinh hoàng. Dù có là những văn nghệ sĩ cao tuổi đáng kính biết bao nhiêu thì cũng phải vịn tay vào mấy miếng tích-kê bằng sắt xâu trên sợi dây thép dài dằng dặc sau khi đã trả tiền. Đẩy tích-kê của mình theo sợi dây cho đến khi cầm được cốc bia mới buông tay ra. Vậy mà vẫn có người đủ can đảm vứt bỏ sĩ diện để vòng đi vòng lại xếp hàng mấy lần.

Lúc ấy vài lần Hà Nội cấm cà phê, hàng quán mở bí mật. Khách khứa chui lủi như buôn bạc giả. Lại có ông chủ hàng cà phê ở gần ngã năm Bà Triệu bán hàng cáu gắt đuổi khách như đuổi tà. Anh nào không biết luật lệ ở đấy mà đòi uống thêm ly cà phê nữa lập tức bị đuổi ngay ra khỏi quán, đi chỗ khác lấy chỗ cho khách ngồi! Nhìn đôi mắt sắc lẻm hống hách áp đảo của ông chủ, rất ít người có gan đứng lại tranh biện.

Hà Nội đã từng có những năm tháng mang phong cách ẩm thực xấu xí đến thế. May mà nó không kéo dài. Nhưng cũng thật không may khi nó chưa hoàn toàn chấm dứt ở vài cửa hàng trên phố. Hàng ăn cũng có và hàng không có gì ăn cũng chẳng thiếu. Bún mắng, cháo chửi ở vài hàng vỉa hè nhỏ lẻ chẳng đáng gì bởi vì hình như cũng có nguyên nhân của nó. Những khách hàng lạ thường có yêu cầu quá khả năng phục vụ của nhà hàng vào những lúc họ đang tay năm tay mười phục vụ khách quen. Tỷ như vào hàng cháo gà cứ nằng nặc quát phục vụ mang ra cho lọ dấm tỏi chẳng hạn. Hoặc đôi khi kéo nhau ba bốn người vào hàng phở ngồi nhưng chỉ gọi một bát! Tuy nhiên, tác phong phục vụ của vài hàng phở nổi tiếng trong khu phố cổ thì cũng đáng phàn nàn. Khách phải xếp hàng tự tay bưng bát phở của mình ra bàn. Phiền nhất đang ăn có thêm ông bạn đến cũng vẫn phải ra xếp hàng tiếp mà không thể gọi thêm. Vài hàng ăn ở những khu phố ẩm thực thì lại có lối tiếp thị rất giang hồ bằng cách cho nhân viên ra chặn xe khách hàng chèo kéo. Người ở Hà Nội đủ lâu sẽ biết cách tránh con đường đi qua những chỗ ấy. Nhưng người lạ thì thật là khó chịu.

Không chỉ hàng ăn, thói quen mua sắm của người Hà Nội luôn tránh mua bán những thứ không phải đồ ăn vào buổi sáng khi còn sớm. Rất khó mặc cả và đôi khi còn bị người bán tỏ thái độ sỗ sàng dưới mức lịch sự cần thiết. Đốt vía. Hủ tục mê tín mở hàng này có từ xa xưa. Không phải bây giờ mới thế. Ta không cần tránh con người cụ thể là chủ cửa hàng. Chỉ cần tránh những giờ giấc có liên quan đến hủ tục mà thôi.

Gần đây, thấy báo chí đưa tin rầm rộ về nhà hàng Golden Sand ở Hàm Tiến - Phan Thiết. Họ không phục vụ khách Việt. Cùng với việc một hàng ăn ở Bắc Kinh cũng có cư xử như vậy. Rất nhiều bạn đọc phẫn nộ. Hà Nội không phải chưa có chuyện ấy. Ngày trước, khi còn những cửa hàng giao tế bán bằng ngoại tệ mà bạn thử lảng vảng vào đấy mà xem. Không những người ta không phục vụ mà còn mời ra khỏi cửa. Nhã nhặn đấy nhưng nội dung thì không có gì khác với người chủ Golden Sand bây giờ. Vài gallery tranh tượng và đồ mỹ nghệ ở Hà Nội bây giờ cũng có cách cư xử ấy. Người sống ở Hà Nội biết rằng đó không phải là chỗ vào chơi hoặc xem xét nếu như không tỏ rõ ý định mua hàng. Có thể chủ cửa hàng không xua đuổi hoặc không phục vụ nhưng ánh mắt của họ dành cho khách là vô cùng thiếu thiện cảm. Chợt nhớ ánh mắt của cô chủ quán bán bánh đậu xanh ở điểm dừng chân cho khách du lịch bên rìa đường quốc lộ số 5 vài năm trước. Những người khách Trung Quốc nghỉ chân tại đấy trước khi lên đường đều rút ra một chiếc phích cầm tay xin nước sôi đổ vào. Cô chủ quán rót chiếu lệ cho khách vài phích rồi cũng xua tay thông báo nhà hết nước sôi. Bằng tiếng Việt nhỏ nhẹ cô ấy nói với những khách người Việt, em sợ nhất mấy ông khách du lịch Trung Quốc. Nói to, ngồi lâu và trước khi đứng dậy bao giờ cũng xin hết toàn bộ số nước sôi của cửa hàng!

Dĩ nhiên, chẳng có lý thuyết kinh doanh nào dạy người ta đối xử với khách hàng như thế. Nhưng văn hóa thương trường lại là chuyện khác. Xã hội văn minh no đủ cạnh tranh lành mạnh đến đâu thì ứng xử lịch sự, tao nhã đến đấy. Giống như chuyện bây giờ đố ai tìm thấy một người xếp hàng ở quán bia hơi. Hay nếu như bên cạnh nhà hàng Golden Sand có thêm vài nhà hàng tương tự bán những món tương tự phục vụ khách hàng người Việt thì hẳn là ông chủ Golden Sand phải có cách ứng xử khác. Sợ rằng lúc ấy các ông chủ lại cho nhân viên ra chặn xe, chèo kéo khách Việt vào cửa hàng mình? Kinh lắm!

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục