Gà què ăn quẩn…

Nhìn vào dàn huấn luyện viên, giám khảo các chương trình truyền hình thực tế đang phát sóng trên các đài truyền hình hiện nay, cảm nhận chung là khá ngán ngẩm với quanh đi quẩn lại cũng chỉ từng ấy gương mặt và mật độ xuất hiện lại dày đặc. Vừa rời khỏi ghế giám khảo Bước nhảy hoàn vũ 2013, Trần Ly Ly và Khánh Thy lại chuẩn bị xuất hiện trong chương trình Got to dance 2013 chuẩn bị phát sóng, cũng trên VTV3. Quốc Trung rời ghế giám khảo Vietnam Idol 2012 lập tức nhảy sang ngồi ghế huấn luyện viên Giọng hát Việt 2013, tương tự là Mỹ Linh cũng ở ghế huấn luyện viên Giọng hát Việt 2013 dù vị trí giám khảo của chương trình Gương mặt thân quen mà cô tham gia trước đó vẫn chưa kịp hạ nhiệt.

Đặc biệt, chẳng biết do thiếu người hay để tận dụng một cách tối đa nhằm tiết kiệm chi phí mà các cuộc thi trong cùng một công ty tổ chức thường chọn đi chọn lại trong một số ít gương mặt quen thuộc. Rõ nhất là các chương trình do Cát Tiên Sa tổ chức. Ở chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên đang diễn ra, người sát cánh cùng huấn luyện viên Hiền Thục trong vai trò cố vấn là nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, vốn đã từng ngồi ghế cố vấn cho đội huấn luyện viên Thu Minh trong chương trình Giọng hát Việt 2012.

Tương tự, Thanh Bùi được mời làm cố vấn cho đội của Hồng Nhung tại Giọng hát Việt 2013 trong khi anh đang là huấn luyện viên của chương trình Giọng hát Việt nhí. Điều đáng nói là cả hai chương trình này gần như cùng đồng loạt phát sóng trên cùng một kênh truyền hình là VTV3 vào những ngày cuối tuần. Năm ngoái, nhạc sĩ này cũng đã ngồi ghế cố vấn cho đội của Hồ Ngọc Hà ở Giọng hát Việt 2012.

Huấn luyện viên Quốc Trung cũng mời một người không xa lạ gì với các chương trình do Cát Tiên Sa ngồi ghế cố vấn, là nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, chị gái ca sĩ Lưu Hương Giang đang ngồi ghế huấn luyện viên Giọng hát Việt nhí 2013. Và cặp đôi huấn luyện viên Hồ Hoài Anh - Lưu Hương Giang thì lại mời Quán quân Giọng hát Việt mùa đầu - Hương Tràm - ngồi ghế cố vấn cho đội mình trong Giọng hát Việt nhí 2013. Nói chung, gần như chỉ là “người nhà” của họ tham gia với nhau mà thôi.

Ở các cuộc thi nhảy, việc thiếu vắng những tài năng nhảy khiến ngoài Chí Anh, Khánh Thy, Trần Ly Ly, John Huy Trần… thì các chương trình đành phải đắp đổi bằng những gương mặt tay ngang, vốn gần như ngoại đạo hoàn toàn với lĩnh vực mà cuộc thi hướng tới, rõ nhất là các trường hợp Lê Hoàng, Nguyễn Quang Dũng, Việt Tú… Chưa kể sự xuất hiện của các gương mặt đoạt giải cao trong các cuộc thi trước đó tham gia làm giám khảo, hệ quả là không phải ai trong số đó cũng thuyết phục được khán giả, bởi suy cho cùng dẫu sao một chương trình như Bước nhảy hoàn vũ mục đích chính vẫn là giải trí, mua vui chứ không phải để tìm ra những tài năng nhảy thực sự.

Có những sự xuất hiện sẽ gây dấu ấn và tạo thương hiệu nhưng cũng có những sự xuất hiện sẽ gây nên sự phản cảm, tạo ra sự ngán ngẩm trong công chúng. Xem ra, sự xuất hiện chồng chéo và quá nhiều của các “ngôi sao giải trí” (tạm cho là như thế) trong các chương trình truyền hình thực tế thời gian qua ở nước ta có rất nhiều trường hợp đang rơi vào vế hai của định đề trên.

Ngôi sao thường đồng nghĩa với sự lung linh, đẹp đẽ bởi người ta khó có thể dễ dàng tiếp cận, chạm vào. Nhưng với sự xuất hiện vô tội vạ và gần như thiếu định hướng (một phần cũng do đặc thù của thị trường giải trí chẳng giống ai như ở nước ta) nên chuyện các “sao Việt” kém sức hút, nhàn nhạt là điều dễ hiểu!

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục