Nghệ sĩ Đức Dậu - Truyền lửa âm nhạc dân tộc

Căn nhà nhỏ của nghệ sĩ Đức Dậu gây ấn tượng bởi chủ nhân của nó trưng bày la liệt hàng chục loại nhạc cụ. Với anh, đó là cả gia tài, là thành quả của hành trình chắt chiu sưu tập suốt hơn 25 năm qua.
Nghệ sĩ Đức Dậu - Truyền lửa âm nhạc dân tộc

Căn nhà nhỏ của nghệ sĩ Đức Dậu gây ấn tượng bởi chủ nhân của nó trưng bày la liệt hàng chục loại nhạc cụ. Với anh, đó là cả gia tài, là thành quả của hành trình chắt chiu sưu tập suốt hơn 25 năm qua.

        Từ tiếng đàn bầu đến trống trận Tây Sơn

Đức Dậu quê Hà Tây nhưng từ nhỏ anh đã theo gia đình sinh sống tại Hà Nội. Thuở nhỏ, nhà ở gần rạp hát Đại Nam nên anh thường xuyên được xem các đoàn nghệ thuật biểu diễn. Trong rất nhiều loại nhạc cụ, không hiểu sao tiếng đàn bầu với những cung trầm bổng nao lòng lại luôn khiến anh say đắm. 15 tuổi, anh xin học đàn bầu với hai nghệ nhân Mạnh Thắng và Bá Sách, từ đó tình yêu âm nhạc dân tộc mỗi ngày một lớn trong tâm hồn anh. Năm 1976, anh trúng tuyển vào Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và được học đàn bầu tại Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội.

Năm 1979, Đức Dậu được xem nghệ sĩ Đức Dũng biểu diễn độc tấu trống trận Tây Sơn tại Hà Nội. Những kỹ năng về bộ gõ phương Tây sẵn có và tình yêu âm nhạc dân tộc trỗi dậy khiến anh không ngừng suy nghĩ. Nếu như trước đây, tình yêu âm nhạc của anh là tiếng đàn bầu trầm ấm, giờ đây tình yêu đó đã lan tỏa, những âm vang thôi thúc, dồn dập và mạnh mẽ của các nhạc cụ gõ cứ bám lấy tâm trí anh không dứt. Cũng từ đây, hành trình đi tìm những cái hay, cái độc đáo của nghệ thuật nhạc gõ dân tộc bắt đầu thôi thúc anh.

Những thanh âm cắc, tang, tùng, rụp… khi vui tươi hứng khởi, lúc dập dồn mạnh mẽ của tiếng trống trận dường như len lỏi theo anh trong từng giấc ngủ. Được nghệ sĩ Đức Dũng tận tâm truyền dạy, Đức Dậu nhanh chóng nắm được cách đánh, ban đầu là những tiếng trống cơ bản sau đó đến hơi đổi của những hồi trống, tính cách của từng nhịp trống. Sau 6 tháng theo học, Đức Dậu đã có thể biểu diễn khá nhuần nhuyễn bài Trống trận Quang Trung (gồm 4 phần Tập hợp quân, Hành quân, Chiến đấu và Khúc khải hoàn) mà anh từng yêu thích.

Nghệ sĩ Đức Dậu biểu diễn kèn lá tại Bảo tàng TPHCM. Ảnh: LÊ MINH

Nghệ sĩ Đức Dậu biểu diễn kèn lá tại Bảo tàng TPHCM. Ảnh: LÊ MINH

        Say mê sưu tầm nhạc khí

Biết được tiềm năng về nhạc gõ của gia đình nhà Đức Dậu, cố nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã khuyên ông nên thành lập đoàn nhạc gõ và nhóm nhạc gõ Phù Đổng ra đời năm 1980. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát còn sáng tác bài Tiếng trống đêm giao thừa tặng Đức Dậu. Không phụ lòng người nhạc sĩ, Đức Dậu đã dùng tiếng trống nói thay tiếng lòng của mình và tác phẩm đã mang lại thành công ngoài mong đợi. Tháng 3-1996, nhóm Phù Đổng đã có buổi biểu diễn ở hội trường UNESCO tại thủ đô Paris (Pháp). Đức Dậu cũng là người Việt Nam đầu tiên biểu diễn đàn đá ở nước ngoài.

Say mê các nhạc khí dân tộc, nhưng không dừng lại ở việc học cách sử dụng, Đức Dậu còn lặn lội khắp cả nước sưu tầm nhạc khí của các dân tộc anh em. Anh bắt đầu sưu tầm từ năm 1986, khi nhóm nhạc gõ Phù Đổng quyết định Nam tiến vào TPHCM. Học được nhạc khí nào, anh lại mày mò để sưu tầm nhạc khí ấy. Cứ thế, anh học sáo Mèo (của dân tộc H’Mông) từ nghệ sĩ Lương Kim Vĩnh - người được mệnh danh là vua sáo mèo của Đoàn ca múa Lào Cai; học đánh cồng chiêng cổ ở Hòa Bình; học đàn Goong và đàn T’rưng từ nghệ sĩ Thảo Giang thuộc Đoàn ca múa Đam San… Trong bộ sưu tập khổng lồ với hàng ngàn nhạc khí của 54 dân tộc anh em khắp cả nước, nhạc khí cổ nhất là chiếc trống cổ Tây Nguyên (tuổi đời gần 300 năm) bịt bằng da voi, da trâu rừng với đường kính hơn 1,1m - còn gọi là trống sấm Tây Nguyên hay là trống H’gơ. Chiếc trống được dùng trong lễ hội đâm trâu từ hàng trăm năm trước, còn bệt cả đất, gió, nước và cả máu, được anh mang về gìn giữ…

        Truyền lửa đam mê

Hàng chục năm nay, nhóm nhạc gõ Phù Đổng của Đức Dậu đã không ngừng phát triển với trên 20 thành viên là con cháu trong gia đình anh - những người sẽ tiếp nối công việc mà anh đã dành hết tâm huyết. Ngoài biểu diễn phục vụ du khách quốc tế tại khách sạn Rex và sân khấu 36 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, nhóm Phù Đổng đã biểu diễn tại hơn 20 quốc gia trên thế giới, mang lại niềm tự hào cho người Việt đối với gia sản âm nhạc của dân tộc. Anh cũng tham gia nhiều cuộc nói chuyện nhằm giới thiệu nghệ thuật nhạc cụ dân tộc tại Trung tâm Âm nhạc dân tộc TPHCM với đông đảo sinh viên; phối hợp với các bảo tàng, trung tâm văn hóa các quận huyện trình diễn, giới thiệu nhạc khí dân tộc với học sinh tiểu học, phổ thông...

GS-TS Trần Văn Khê nhận xét: “Tôi rất ngạc nhiên khi nghe Đức Dậu đánh đờn Bro, đờn K’ní rất đúng phong cách của những nghệ nhân Tây Nguyên mà tôi có cơ hội được nghe tại Buôn Ma Thuột. Đức Dậu là nghệ sĩ đa năng, may mắn được trời phú cho tài năng âm nhạc bẩm sinh, đôi tai thính nhạy và đôi bàn tay khéo léo, lại chịu khó luyện tập học hỏi nên lúc nào mọi thứ xung quanh Đức Dậu cũng có thể biến thành nhạc cụ, nhạc khí, tràn ngập không gian âm nhạc”.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục