Long đong Đoàn Xiếc TP

Cơ sở hạ tầng thấp kém
Long đong Đoàn Xiếc TP

Vừa qua Tết Nguyên đán 2013, Đoàn xiếc TPHCM đã di dời cơ ngơi của mình từ khu vực trung tâm quận 1 - công viên 23-9 về “tạm cư” tại công viên Gia Định, đường Hoàng Minh Giám, quận Gò Vấp. Tuy nhiên, điểm diễn mới lại chưa được đầu tư về hạ tầng cơ sở nên tập thể cán bộ, anh chị em diễn viên đoàn xiếc gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn trong hoạt động chuyên môn, tổ chức biểu diễn, phục vụ khán giả…

Tiết mục “Sức mạnh đôi tay” của Đoàn Xiếc TPHCM luôn thu hút khán giả trong từng chương trình biểu diễn.

Tiết mục “Sức mạnh đôi tay” của Đoàn Xiếc TPHCM luôn thu hút khán giả trong từng chương trình biểu diễn.

Cơ sở hạ tầng thấp kém

Dẫn vào khuôn viên rạp xiếc là con đường xi măng nhỏ bề ngang chưa được 2m. Đây cũng là con đường chính dẫn vào nhà bạt - sân khấu biểu diễn, khu vực phòng làm việc của nhân viên, là chỗ để xe của nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên đoàn xiếc. Lối đi được thiết kế như đường dẫn vào… đồng ruộng. Hai bên đường đi là những khoảnh đất trũng lớn lởm chởm đất, đá, cỏ và sình lầy. Ở đây, hễ trời mưa lớn là nước ngập lênh láng gần hết diện tích rạp. Những chỗ không phải là đường đi biến thành ao hồ. Không chỉ thế, nhà bạt vốn được xây dựng tạm bợ vì di dời nay đây mai đó nên nội thất bên trong qua bao ngày tháng đã xập xệ, xuống cấp trầm trọng. Chỗ ngồi xem xiếc của khán giả nơi dột nơi ráo khiến khán giả đến xem nhiều phen phải chạy tránh mưa.

Ông Hồ Văn Thành, Trưởng đoàn Xiếc TPHCM, chia sẻ: “Chấp hành chỉ đạo của UBND TPHCM, đoàn đã dời về công viên Gia Định để hoạt động. Tuy nhiên, từ khi đoàn xiếc dời về địa điểm mới đã gặp rất nhiều bất lợi và khó khăn. Đúng ra, khi về đây, chúng tôi phải được đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, tránh ngập nước, rồi sau đó mới dựng rạp xiếc. Nhưng hiện nay mỗi khi mưa xuống, khuôn viên của rạp lại đọng nước như hai hồ cá. Rạp xiếc đã trên 17 năm chưa được sửa chữa, làm mới, dù đã có kế hoạch từ lâu. Nhiều năm qua, chúng tôi cố gắng chờ về nơi ở mới để xây dựng rạp đàng hoàng hơn, nhưng nay về nơi ở mới rồi mà vẫn chưa có vốn xây rạp. TPHCM lại có đến gần 6 tháng mưa, thế nên, cứ mỗi suất diễn mà xung quanh rạp là ao nước trũng, chúng tôi phải thông báo thường xuyên cho khán giả nên chú ý đi trên con đường chính, chứ đi chệch qua một bên rất dễ trợt ngã, nguy hiểm. Thương nhất là tình cảnh khán giả đi xem xiếc, ngồi trong rạp mà cứ phải tìm chỗ để tránh mưa dột. Đến ngay cả sàn diễn cũng bị dột. Anh em diễn viên ai nấy chạnh lòng, vì khi lưu diễn ở nước ngoài được biểu diễn ở sân khấu tốt, được hỗ trợ chu đáo, đến lúc về lại đất nước mình thì lại phải hành nghề với tình trạng cơ sở vật chất có quá nhiều khó khăn”.

Quá nhiều nỗi lo

Thực trạng rạp bạt đã quá cũ kỹ, chuyện chắp vá tạm thời trong những năm qua chỉ càng khiến cơ sở vật chất của đoàn xiếc thêm xấu xí, mất đi dáng vẻ bề thế của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, từng đoạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi tài nghệ thuật xiếc quốc tế. Tình trạng này không đủ điều kiện để nuôi dưỡng các diễn viên xiếc thú đã có trước đó nên số lượng các loại thú cũng ngày càng teo tóp. Trước đây, đoàn cũng phong phú với hàng loạt xiếc thú: voi, gấu, ngựa, chó, khỉ… nhưng nay chỉ duy trì thuần dưỡng và tập luyện được 8 con chó. Để chương trình xiếc thú được phong phú, đoàn phải liên kết với các đơn vị xiếc thú của công viên văn hóa Đầm Sen, tỉnh Long An và Hà Nội hỗ trợ thêm. Đặc biệt, từ khi đoàn chuyển về công viên Gia Định, tần suất làm việc của anh em diễn viên càng nặng nề hơn, đoàn phải thường xuyên dàn dựng các vở diễn mới (khoảng 1 tháng đến 1 tháng rưỡi ra mắt một chương trình mới, thu hút khoảng 600 - 1.100 khán giả/chương trình) đáp ứng nhu cầu rất lớn của công chúng tại địa phương và các quận huyện lân cận như quận 12, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Thủ Đức…

Việc tìm kiếm và tạo nguồn nhân lực kế thừa cũng rơi vào cảnh muôn vàn khó khăn. Lực lượng diễn viên trẻ của đoàn hiện nay chiếm khoảng 50%, trong đó có diễn viên mới 18 tuổi. Tuổi đời nghề xiếc cũng thấp như nghề múa, chỉ có thể phát huy tài năng đến 35 tuổi. Thế nhưng, biên chế dành cho diễn viên trẻ - lực lượng diễn chính cũng không nhiều. Đoàn hiện có khoảng 110 người, trong đó có 75 diễn viên nhưng chỉ có 47 thuộc chỉ tiêu biên chế, vậy nên việc chi trả lương, chế độ cho số diễn viên trẻ mới vào đoàn sau này là một gánh nặng không nhỏ cho đoàn. Đó cũng là rào cản trong việc thu hút những tài năng xiếc trẻ gắn bó với đoàn và cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Đến tháng 10-2013, đoàn xiếc phải đi thuê sân khấu Nhà hát Hòa Bình để tổ chức Gala xiếc toàn quốc vì điều kiện sân khấu của rạp xiếc quá yếu kém. Ông Hồ Văn Thành cho biết thêm: “Đoàn xiếc mong mỏi sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các cấp ngành quản lý văn hóa để tiến trình đầu tư cơ sở hạ tầng đoàn xiếc sớm được xây dựng khang trang hơn, phục vụ khán giả được tốt hơn, chứ không thể cứ mãi chắp vá tạm thời và hoạt động như một gánh xiếc rong. Hơn thế nữa, nếu được đầu tư đúng mức, xiếc TPHCM còn có thể vươn ra thế giới”.

Bên cạnh việc khó khăn về vốn và không có nguồn vốn tạm ứng trước, cộng thêm đề án kết hợp nhà hát xiếc - rối được đưa ra trong thời gian qua… là những nguyên nhân chính khiến các dự án nâng cấp, sửa chữa, thu hút nguồn nhân lực mới của Đoàn Xiếc TP phải tạm dừng và tiếp tục chờ đợi thời cơ để thay đổi và tạo đột phá mới.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục