Chấn chỉnh toàn diện để lấy lại niềm tin

Giọt nước tràn ly
Chấn chỉnh toàn diện để lấy lại niềm tin

Xuất bản Việt Nam 2015

Giữa tháng 3, Bộ TT-TT đã phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị “Triển khai công tác xuất bản, phát hành năm 2015”. Tham dự có các lãnh đạo bộ, ban tuyên giáo, cùng gần 1.400 đại biểu đến từ các nhà xuất bản (NXB), cơ quan chủ quản NXB, các Sở TT-TT… Một trong những nội dung chính đáng chú ý nhất là trong năm 2015, bộ sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn ngành trên diện rộng, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản.

Ngành xuất bản Việt Nam đang nỗ lực xây dựng lại niềm tin

Giọt nước tràn ly

Quyết định của Bộ TT-TT hoàn toàn không gây bất ngờ, ngược lại đối với tất cả mọi người từ những người công tác trong lĩnh vực xuất bản cho đến mỗi người dân bình thường đều xem đây là một điều tất yếu. Với hàng loạt sai phạm liên tục được công bố suốt từ cuối năm 2014 cho đến tận đầu năm 2015, có thể nói ngành xuất bản Việt Nam chưa bao giờ, chưa có lúc nào mà uy tín bị ảnh hưởng lớn đến như thế. Một cuốn từ điển học sinh mà nội dung bị xem là “rác” nhưng yên ổn bán trên thị trường suốt hơn 10 năm, qua tay 4 NXB khác nhau; một cuốn sách nghiên cứu xắt xén, vi phạm bản quyền, vi phạm Luật Xuất bản vẫn được vinh danh sách hay… Đỉnh điểm là vụ “Công Lý lên bìa sách luật” có thể xem như một sự kiện vô tiền khoáng hậu trong lĩnh vực xuất bản Việt Nam mà không biết đến bao giờ mới có thể xóa đi vết đen đó.

Những giọt nước làm tràn ly nhưng cái ly sai phạm để đầy nước không phải là chuyện ngày một ngày hai. Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, nhận xét: “Không phải bây giờ mới xuất hiện những sai phạm, của hoạt động xuất bản, mà những yếu kém này đã âm ỉ vài chục năm nay do chúng ta chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết”.

Năm 2014, Cục Xuất bản, In và Phát hành tăng cường kiểm tra thì số vụ vi phạm bị phát hiện lập tức tăng đột biến, với gần 400 xuất bản phẩm vi phạm, gấp 3 - 4 lần so với các năm trước đó. Thậm chí có đơn vị như NXB Văn hóa Thông tin có đến 60 ấn phẩm vi phạm bị xử phạt chỉ trong vòng 1 năm. Thế nhưng, dù số vi phạm bị xử phạt tăng đột biến nhưng với ngành xuất bản thì năm 2014 được xem là năm phát triển bình thường, không có thay đổi gì đáng kể, sách phát hành và tổng doanh thu tăng hơn 2%, lợi nhuận giảm 0,5%... Hoạt động bình thường nhưng xử phạt lại tăng đã phản ánh rõ bản thân hoạt động xuất bản đang có vấn đề chứ không phải do quy mô hoạt động tăng kéo theo sai phạm nhiều.

Chấn chỉnh từ đâu?

Nhìn vào thị trường xuất bản, in và phát hành có thể thấy một mâu thuẫn rất lớn. Thị trường sách Việt Nam rất phát triển, nhà bán lẻ sách lớn nhất nước là Fahasa luôn nằm trong tốp 10 nhà bán lẻ hàng đầu, chỉ chịu đứng sau các hệ thống siêu thị, kinh doanh vàng bạc đá quý… Các nhà bán lẻ sách khác cũng đạt được thành công không nhỏ với những hệ thống nhà sách đa dạng, luôn thu hút đông khách hàng. Tất cả phản ánh một điều là bạn đọc vẫn đến với sách và sách vẫn có thể bán được.

Dù không còn bùng phát mạnh mẽ như những năm trước do khó khăn chung của nền kinh tế nhưng các nhà làm sách tư nhân vẫn duy trì một không khí kinh doanh lạc quan. Những cái tên như First News, Nhã Nam, Thái Hà, Đông A… vẫn tiếp tục thu hút bạn đọc với những dòng sách riêng.

Người bán sách sống tốt, người làm sách tư nhân sống tốt, ấy thế mà trụ cột của nền xuất bản, các NXB lại sống dở chết dở. Cả nước có hơn 60 NXB nhưng theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành thì chỉ có 4 NXB là làm ăn có lãi, khoảng 5 - 6 NXB cầm cự hòa vốn, còn lại là thu không đủ bù chi, lỗ nặng. Nhiều NXB chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, không có khả năng đảm bảo hoạt động do không có tiền. Để có thể duy trì hoạt động, các NXB này phải chấp nhận mọi điều kiện của các đối tác liên kết, thậm chí cả những điều kiện vi phạm quy trình xuất bản, chỉ để thu được một ít kinh phí để tồn tại. Chính từ đây, các ấn phẩm sai phạm có cơ hội tuồn ra thị trường, gây mất uy tín nghiêm trọng cho toàn ngành xuất bản như vừa qua.

Và vì thế, tại hội nghị vừa qua, các đại biểu khi góp ý việc chấn chỉnh hoạt động xuất bản đều đặt việc củng cố các NXB lên hàng đầu. Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cũng nhấn mạnh việc các cơ quan chủ quản triển khai rà soát điều kiện hoạt động của các NXB, nhất là các điều kiện về nguồn vốn, trụ sở, nguồn nhân lực… Các NXB phải nâng cao năng lực hoạt động để chủ động tổ chức xuất bản, tránh tình trạng tổng số xuất bản phẩm liên kết chiếm tỷ trọng chi phối hoàn toàn trong hoạt động của đơn vị.

Đường tới tương lai

Có một sự kiện xuất bản diễn ra ngay trước hội nghị “Triển khai công tác xuất bản, phát hành năm 2015”. Đó là việc NXB Trẻ phát động chương trình thường niên “Tháng ba sách Trẻ”. Nhìn từ bên ngoài có vẻ sự kiện này không liên quan gì đến việc Bộ TT-TT triển khai xử lý và chấn chỉnh hoạt động xuất bản chung của cả nước. Thế nhưng, hoạt động thường niên của NXB Trẻ lại cho thấy một vấn đề của xuất bản Việt Nam. NXB Trẻ đã đưa vào sách của mình một loạt công nghệ mới được ứng dụng vào xuất bản truyền thống như công nghệ barcode (mã vạch) trong sách giấy. Độc giả đọc đến đoạn nào có barcode có thể dùng điện thoại thông minh quét qua lập tức tiếp cận với dữ liệu liên quan đến đoạn văn đang đọc. Ví dụ trong cuốn sách về nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh có đoạn miêu tả lần bà đọc bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, với barcode, chỉ cần quét một cái, bạn đọc sẽ được nghe, xem ghi âm hay video clip bài phát biểu này.

Để thực hiện những công nghệ như trên đòi hỏi tiềm lực lớn của các NXB và trong nước hiện nay số những NXB có thể làm được điều đó cũng chỉ có khoảng 3 - 4 đơn vị. Công nghệ ngày càng phát triển sẽ kéo theo thói quen đọc cũng thay đổi từng ngày. Nếu các NXB không thể củng cố, đi vào hoạt động và phát triển, khoảng cách chênh lệch giữa các đơn vị xuất bản sẽ ngày càng cao và các NXB yếu kém không thể theo kịp xu hướng thời đại sẽ dần bị đào thải hay tệ hơn nữa là trở thành công cụ cho các “thế lực đen” trong lĩnh vực xuất bản thao túng.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục