Người say mê giảng thơ Bác Hồ

Người say mê giảng thơ Bác Hồ

Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai

Trong tang lễ cha tôi, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai, đồng chí Nguyễn Văn Đua, khi đó là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, có nói với tôi đại ý là: “Thầy là người giảng dạy thơ văn Bác Hồ hay nhất, sâu sắc nhất, xúc động nhất, thu hút nhất và có tác động mạnh nhất tới nhận thức cũng như cảm xúc của sinh viên và các học viên”. Đó là nhận xét khách quan, chính xác. Bởi vì cha tôi khi đã nhận ra những giá trị tâm hồn, tình cảm trí tuệ của Bác Hồ thì ông giống như người được đón nhận một ban mai tươi sáng dịu dàng chợt ùa vào và cha tôi mở tung lòng mình để đón nhận. Ông đã tự nhiên ngợi ca ban mai tươi đẹp của một ngày mới một cách chân thành và ngập tràn cảm xúc.

Ngày còn ở Hà Nội, cứ vào dịp 19-5, cha tôi gần như ngày ba buổi đi nói chuyện về thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối tượng nghe trí thức có, công nhân có, nông dân có, quân đội có, công an có… Lịch nói chuyện của ông dày đặc kín mít. Đi cùng với cha tôi thường có các nghệ sĩ ngâm thơ như Trần Thị Tuyết, Hoàng Kim Dung, có cả Lệ Quyên - con của NSND Sĩ Tiến. Lúc đó Quyên mới 10, 11 tuổi nhưng ngâm thơ rất hay (sau này trở thành ca sĩ nhạc nhẹ lừng lẫy một thời cùng với Ái Vân, Vũ Dậu). Khi ấy, tôi còn nhỏ nên cũng không để tâm lắm việc làm của cha tôi, chỉ nhớ rằng cứ vào dịp 19-5 thì cha tôi thường khản đặc giọng, mẹ tôi cứ phải lấy vỏ quýt ngâm với đường hay mật ong để cha tôi ngậm cho khỏi bị tắt tiếng. Cha tôi là người có khả năng diễn thuyết và nói rất tốt, rất trường giọng và trường lực. Việc cha tôi bị mất tiếng đã chứng tỏ tần suất và cường độ nói chuyện của ông về văn thơ Hồ Chí Minh nhiều tới mức độ nào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với đoàn kịch nói Xưởng phim truyện Hà Nội tại Phủ Chủ tịch (tối 18-8-1967).

Sau này khi tôi nhận công tác tại TPHCM, cha tôi cũng vào giảng dạy tại Đại học Tổng hợp TPHCM (nay là ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn). Thời gian đầu chỉ có hai cha con (mẹ tôi và các anh chị em vào sau) nên tôi hay đi cùng cha tới các buổi nói chuyện của ông về thơ văn Hồ Chí Minh. Qua đó, tôi được tiếp xúc với nhiều sinh viên của ông, cũng như người quen, cộng sự của ông - mà khi đó các anh, các chú đều có cương vị xã hội, hầu như đều làm lãnh đạo hoặc công tác quản lý. Tất cả đều nói rằng cha tôi có một điều đặc biệt: đó là mặc dù đều nói về văn thơ Hồ Chí Minh nhưng 100 buổi của ông là 100 buổi khác nhau. Họ bảo, tại Giáo sư Hoàng Như Mai ngày trẻ là một nghệ sĩ, một diễn viên sân khấu rất tài năng cho nên ở ông vừa có cốt cách của một trí thức lớn, lại vừa có cái ngẫu hứng thăng hoa của một nghệ sĩ giỏi. Cho nên nghe ông nói hoặc nghe ông giảng bài bao giờ cũng bị một hấp lực mạnh mẽ mà nhiều người không thoát được hấp lực ấy.

Khi cha tôi gần bước vào tuổi 80, ông vẫn đi nói chuyện về văn thơ Hồ Chí Minh. Có một số buổi ông nói hơi dài và sức hấp dẫn cũng giảm đi vài phần. Tôi ngồi dưới nghe. Nhiều người không biết tôi là con của ông nên vô tư nhận xét rằng ông nói chỗ này hơi lan man, nói đoạn kia thiếu sức hấp dẫn. Tôi nghe hơi chạnh lòng đồng thời cũng thấy lo lắng vì đó là dấu hiệu của sức khỏe giảm sút. Đôi lần tôi có nói đại ý là ông không nên nhận lời nói nhiều nữa, vì lý do sức khỏe đã đành, nhưng tôi cũng sợ ông không còn giữ được phong độ như thời sung sức thì phần nào sẽ giảm sút tình cảm và sự ngưỡng vọng của người nghe. Song ông gần như không để ý đến lời nói của tôi. Mỗi dịp 19-5, ông lại đi nói chuyện về thơ Bác. Khán giả vẫn rất chăm chú. Ông vẫn thổi được linh hồn của những vần thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới người nghe. Về sau, tôi mới hiểu rằng là chỉ có những ai đã từng nghe ông nói lúc sức khỏe của ông viên mãn thì mới thấy việc nói của ông có giảm vài phân so với trước kia. Còn khán giả lần đầu nghe ông thì vẫn rất say mê, rất chăm chú. Và cha tôi thì vẫn xúc động, vẫn cháy hết mình để đốt lên ngọn lửa tri thức, tâm hồn, tình cảm, trí tuệ Hồ Chí Minh, với mong muốn rằng ánh sáng đó sẽ cư ngụ trong tâm khảm mỗi người Việt Nam.

HOÀNG VŨ QUÂN

Tin cùng chuyên mục