Doanh thu phòng vé ở Trung Quốc: Thách thức Hollywood

Ngành công nghiệp điện ảnh của quốc gia đông dân nhất thế giới đang có tốc độ phát triển nhanh hơn bất cứ quốc gia nào, ở bất cứ thời điểm nào.
Doanh thu phòng vé ở Trung Quốc: Thách thức Hollywood

Ngành công nghiệp điện ảnh của quốc gia đông dân nhất thế giới đang có tốc độ phát triển nhanh hơn bất cứ quốc gia nào, ở bất cứ thời điểm nào. Theo đà tăng trưởng này, không mấy ngạc nhiên khi Trung Quốc sẽ soán ngôi đầu bảng doanh thu phòng vé so với thị trường Bắc Mỹ trong vài năm tới đây.

Bảng so sánh doanh thu phòng vé giữa Trung Quốc và Bắc Mỹ giai đoạn 2002 - 2014 (trái) và dự đoán giai đoạn 2014 - 2020

Trong vài thập niên trở lại đây, nền kinh tế Trung Quốc đã có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc. Đó cũng là tiền đề quan trọng khiến ngành công nghiệp điện ảnh của quốc gia này có những thành tựu vượt bậc. Đầu năm 2013, Trung Quốc đã vượt mặt Nhật Bản và vươn lên là thị trường có doanh thu cao thứ hai toàn cầu. Từ năm 2001 đến 2007, tốc độ tăng trưởng doanh thu phòng vé ở Trung Quốc dao động ở mức 34%. Con số này đã tăng lên 40% trong giai đoạn từ 2008 đến 2014. Tính đến nửa đầu năm 2015, mức tăng trưởng này đã là 52% so với cùng kỳ năm 2014. Những con số tăng trưởng đó dường như chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình và điện ảnh Trung Quốc, năm 2014, mức tăng trưởng này là 36% lên 4,76 tỷ USD, trong đó phim nội địa đóng góp con số ấn tượng 54,51%. 
Theo thông báo từ các chuyên gia kinh tế thì mức tăng trưởng GDP của quốc gia này hiện ở mức 5%, điều đó có nghĩa là, ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đang có tốc độ tăng gấp 10 lần so với chỉ số GDP. Trong khi đó, một bức tranh hoàn toàn đối lập đó là tăng trưởng của ngành công nghiệp điện ảnh Bắc Mỹ được ví là “chậm như sên” với tốc độ trung bình chỉ khoảng 1% từ năm 2002 cho đến nay.
Phân tích về nguyên nhân của tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc nói trên, các chuyên gia trong ngành công nghiệp này đưa ra 3 lý do tương đối thuyết phục. Đầu tiên phải kể đến sự gia tăng rất nhanh tầng lớp trung lưu trong xã hội Trung Quốc với số lượng được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử loài người. Hàng trăm triệu người ở quốc gia này đang có mức sống khá dư giả. Lý do thứ hai được đưa ra đó là ngành công nghiệp chiếu phim đang thực sự bùng nổ. Mỗi năm, quốc gia này có hàng ngàn rạp chiếu được xây mới, thu hút thêm hàng triệu lượt khán giả lần đầu tiên đến thưởng thức các tác phẩm điện ảnh bao gồm cả nội địa và ngoại nhập. Thứ ba, một nguyên nhân đóng vai trò thứ yếu đó là người Trung Quốc đã chấp nhận và ủng hộ hết mình đối với các tác phẩm điện ảnh cả trong và ngoài nước. Đó là tín hiệu đáng mừng đối với các nhà sản xuất phim cũng như các đơn vị phát hành, nhập khẩu những phim bom tấn từ Hollywood cũng như các thị trường khác. Bất chấp việc có nhiều bộ phim giá vé cao, hay thậm chí chiếu sau thị trường quốc tế khá lâu nhưng khán giả Trung Quốc vẫn đặc biệt thích thú. Đó là lý do mà nhiều phim bom tấn nước ngoài đã xác lập kỷ lục mới tại thị trường này, mà minh chứng rõ ràng nhất là Transformers: Age of Extinction ra mắt năm 2014 đã mang về doanh thu hơn 300 triệu USD, đứng đầu trong số tất cả các thị trường, bao gồm cả Bắc Mỹ.
Một số chuyên gia trong ngành lo ngại rằng cơn sốt này sẽ đến thời điểm hạ nhiệt. Tuy nhiên, có lẽ phải mất thêm nhiều năm nữa, thị trường Trung Quốc mới rơi vào trạng thái bão hòa. Hiện tại, toàn Trung Quốc có 25.000 rạp chiếu phim, đứng sau thị trường Mỹ với gần 40.000 rạp chiếu. Riêng năm 2014 đã có thêm 5.937 rạp chiếu được xây mới. Tuy nhiên, theo số liệu từ Hiệp hội Phim ảnh Mỹ - MPPA, nếu xét về tỷ lệ rạp chiếu phim trên tổng số dân thì con số này còn nhiều chênh lệch. Ước tính, cứ 56.000 người dân Trung Quốc mới có 1 rạp chiếu phim (dân số Trung Quốc hiện đạt khoảng gần 1,4 tỷ người) trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 1/8.000. Để đạt được mức cân bằng như Mỹ thì Trung Quốc sẽ phải xây mới thêm khoảng 150.000 rạp chiếu. 
Tương lai, nhiều khả năng Hollywood sẽ mất quyền kiểm soát và vị thế đối với ngành công nghiệp điện ảnh tại Trung Quốc. Điều này cũng dẫn đến một hệ quả là các nhà làm phim nước ngoài sẽ phải bắt buộc chấp nhận những kiểm duyệt khắt khe trong quy trình nhập phim Hollywood về thị trường Trung Quốc. Theo đó, tỷ lệ ăn chia này sẽ ngày càng có nhiều chênh lệch. Hiện tại, mỗi phim Hollywood phát hành tại Trung Quốc chỉ nhận được khoảng 25% lợi nhuận từ doanh thu phòng vé, trong khi con số này ở các thị trường khác là 50%. Bên cạnh đó, tỷ lệ phim ngoại nhập cũng được Hiệp hội Các nhà sản xuất phim Trung Quốc thắt chặt và ít khi nào vượt qua con số 50%.

HẢI DUY

Tin cùng chuyên mục