Về quê nhà, xây dựng ngành kỹ thuật y sinh

Đầu tháng 1-2004, dưới sự hướng dẫn của GS-TS Võ Văn Tới, phái đoàn gồm các giáo sư, chuyên viên và khoa học gia Hoa Kỳ đã đến thăm một số viện nghiên cứu và trường đại học tại Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ với mục đích thẩm định những nhu cầu căn bản của ngành công nghệ y sinh tại Việt Nam. Và đó cũng là bước tiền đề để vị “giáo sư giỏi nhất Đại học Tufts (Mỹ) năm 2004” Võ Văn Tới quyết tâm trở về quê hương xây dựng ngành kỹ thuật y sinh (KTYS), sau hơn nửa đời người học tập và là việc nơi xứ người.
Về quê nhà, xây dựng ngành kỹ thuật y sinh

Đầu tháng 1-2004, dưới sự hướng dẫn của GS-TS Võ Văn Tới, phái đoàn gồm các giáo sư, chuyên viên và khoa học gia Hoa Kỳ đã đến thăm một số viện nghiên cứu và trường đại học tại Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ với mục đích thẩm định những nhu cầu căn bản của ngành công nghệ y sinh tại Việt Nam. Và đó cũng là bước tiền đề để vị “giáo sư giỏi nhất Đại học Tufts (Mỹ) năm 2004” Võ Văn Tới quyết tâm trở về quê hương xây dựng ngành kỹ thuật y sinh (KTYS), sau hơn nửa đời người học tập và là việc nơi xứ người.

Giảng dạy cho sinh viên là niềm vui mỗi ngày của GS-TS Võ Văn Tới

Giảng dạy cho sinh viên là niềm vui mỗi ngày của GS-TS Võ Văn Tới

Chứng minh trí tuệ Việt

Sau Tết Mậu Thân 1968, cùng nhiều thanh niên khác tại miền Nam, người thanh niên Võ Văn Tới lên đường sang Thụy Sĩ du học với mong ước được làm gì đó cho Tổ quốc. Thế nhưng, sự khác biệt văn hóa và những cám dỗ nơi xứ người cứ chực chờ “nuốt chửng” ý chí của chàng trai trẻ Việt Nam. “Thời điểm đó, người Việt chúng ta không được chào đón ở đất nước của họ. Họ xem mình là người gàn dở, ít học và chỉ biết đánh nhau. Có lần, một người bạn học Thụy Sĩ nói thẳng với tôi rằng: Nếu không thích thì anh hãy về nước của anh đi. Ở đây không có nhiều chỗ cho những người Việt như anh. Và thật sự tôi đã đỏ mặt”, GS-TS Võ Văn Tới nhớ lại. Sau lần đó, ông hiểu rằng càng phải cố gắng học tập, chỉ có học giỏi hơn mới chứng minh người Việt không dở, mới có chỗ đứng trên đất nước này.

Quyết tâm, GS Tới lần lượt lấy bằng kỹ sư, tiến sĩ của ngành công nghệ chuyên về các sản phẩm nhỏ. Nhận học bổng toàn phần sau tiến sĩ của Chính phủ Thụy Sĩ, ông sang học tại Đại học Harvard và Học viện Kỹ thuật Massachusettes của Mỹ. Sau gần 2 năm học tập, ông được nhận vào làm giáo sư tại Trường Đại học Tufts giảng dạy và là giáo sư người Việt duy nhất làm việc tại một trong những ngôi trường tốt nhất nước Mỹ này. Nhưng dù ở đâu, làm công việc gì, hai tiếng Việt Nam vẫn là động lực phấn đấu, là hoài bão mà ông muốn được góp sức xây dựng. Năm 2000, được Chính phủ Mỹ chọn là thành viên Hội đồng Quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam, rồi sau đó là Giám đốc điều hành của quỹ này. Đến đây GS-TS Tới hiểu rằng, đã đến lúc ông trở về với tư cách là đứa con mang dòng máu Việt.

Đường về Tổ quốc

Khi còn làm việc tại Đại học Tufts, với chuyên ngành là KTYS, chuyên môn về nhãn khoa, GS-TS Tới đã sáng chế ra những thiết bị dùng để nghiên cứu về mắt. Khi được chuyển sang giảng dạy bộ môn điện tử và tin học, GS Tới đã đề xuất thành lập Chương trình đào tạo về KTYS, đồng thời cũng được bổ nhiệm làm Giám đốc Chương trình liên kết giữa Đại học Y khoa và Đại học Bách khoa. Và chính những thành quả khoa học đó mà bạn bè, đồng nghiệp và cả người thân cảm thấy bất ngờ khi GS-TS Tới xin thôi việc để trở về Việt Nam. Ông tâm sự: “Đó là quyết định khó khăn, nhưng là hoài bão hơn nửa đời người tôi mới dám thực hiện. Nếu ở lại Tufts, tôi vẫn chỉ có thể làm cái công việc mấy chục năm qua tôi đã làm”.

Về nước, lựa chọn Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) làm bến đỗ, đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành KTYS, vốn còn khá mới mẻ ở nước ta. Liên tiếp từ 2009 đến 2012, GS-TS Tới thường xuyên tổ chức các hội thảo quốc tế về lĩnh vực này. Bạn bè của ông từ ngoại quốc cũng đến Việt Nam giúp đỡ một tay trong công tác đào tạo ra những người thầy trong lĩnh vực KTYS. GS-TS Tới cho biết: “Sự ủng hộ của nhà nước và Đại học Quốc gia đối với công việc tôi đang làm là điều cần thiết, nhưng chính tình yêu của lớp trẻ Việt với ngành KTYS là động lực trong khoảng thời gian đầu tôi về nước. Bất kỳ hội thảo nào cũng đông đảo nhà khoa học trẻ. Ngay khóa đầu tiên cũng có đến 30 sinh viên các ngành học khác tình nguyện đến với KTYS”. Bên cạnh công tác giảng dạy chuyên môn, ông cùng các sinh viên bỏ sức nghiên cứu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Những máy viễn áp, giao diện đo đường từ xa, máy theo dõi nhịp tim từ xa, phần mềm quản lý bệnh vẹo cột sống… lần lượt ra đời. “Chỉ có nghiên cứu mới giúp sinh viên yêu hơn, giỏi hơn ở ngành học này. Tôi muốn tạo ra những tài năng KTYS Việt khi còn trên ghế nhà trường”, GS-TS Tới cho biết thêm.

Sau những bộn bề công việc, GS-TS Tới lại trở về, sống bình dị trong một căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TPHCM). Khi được hỏi về gia đình, ông chia sẻ rằng hai con đều được đặt tên Việt Nam, vợ ông tuy là người Thụy Sĩ nhưng rất yêu văn hóa Việt. “Tôi đã sống ở nước ngoài quá lâu, để giờ, dù sống ngay trên quê hương mà vẫn cảm thấy nhớ quê hương”, GS-TS Võ Văn Tới tâm sự.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục