Đồng hành nuôi dưỡng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Trong giai đoạn hiện nay, khoa học công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số là động lực quan trọng nhất giúp Việt Nam hiện thực hóa kỳ vọng trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao. Tuy nhiên, để nuôi dưỡng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cần sự đồng hành giữa nhà nước và doanh nghiệp.

Các sản phẩm công nghiệp quốc phòng do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thu hút đông đảo khách tham quan tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024. Ảnh: QUANG PHÚC
Các sản phẩm công nghiệp quốc phòng do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thu hút đông đảo khách tham quan tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024. Ảnh: QUANG PHÚC

Đã thực sự là “điểm hấp thụ hiệu quả”

Theo số liệu mới nhất từ Bộ KH-CN, sau gần 10 năm hình thành và phát triển, đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) của Việt Nam đã có hơn 4.000 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp. Trong đó, từng có 4 mô hình KNST gọi vốn được trên 1 tỷ USD (gồm VNG, VNPay, Momo và Sky Mavis); 11 doanh nghiệp gọi vốn trên 100 triệu USD. Đồng thời, đã có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm, hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp. Năm 2019, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 3 trong số các quốc gia ASEAN về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái KNST, chỉ sau Indonesia và Singapore. Năm 2024, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Việt Nam đã tăng 2 bậc, từ vị trí thứ 58 lên 56 (đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 12 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam cũng liên tục được cải thiện. Năm 2024, chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam được xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2021 đến nay là thời điểm kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn và có bước chững lại. Việt Nam chưa ghi nhận thêm mô hình, doanh nghiệp nào gọi được vốn tỷ USD kể từ tháng 12-2021 trở lại đây. Các doanh nghiệp KNST chủ yếu “co cụm” tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và phần lớn được định giá dưới 1 triệu USD.

Không khó để nhìn thấy nhu cầu phát triển hệ sinh thái ĐMST sâu và rộng, tạo ra những “chiếc nôi” ấm áp nuôi dưỡng các doanh nghiệp KNST còn non trẻ. Thách thức đầu tiên, như các doanh nghiệp thường đề cập, chính là nguồn vốn. Dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực này từ khi còn là Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nhấn mạnh, đầu tư vào lĩnh vực này thì không thể chỉ nhìn vào lợi nhuận trước mắt, mà thậm chí còn phải chấp nhận hệ số rủi ro rất cao. Tại Diễn đàn đầu tư ĐMST Việt Nam 2025 (VIPC Summit 2025) diễn ra ngày 22-4 mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã kêu gọi các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính và các tập đoàn hàng đầu thế giới nhanh chóng quyết định, đầu tư mạnh mẽ để Việt Nam thực sự trở thành “điểm hấp thụ hiệu quả” các nguồn vốn đầu tư tư nhân rót vào phát triển các ngành công nghệ chiến lược.

Cam kết đào tạo và phát triển nhân lực

Thực tế, đã và đang có làn sóng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và ĐMST. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) với những đột phá mạnh mẽ đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược toàn cầu. Nhưng để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn thì yếu tố đầu tiên phải là một khuôn khổ pháp lý đủ vững chắc và thông thoáng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW trong hàng loạt đạo luật, đặc biệt là Luật KH-CN và ĐMST. Nhiều quy định trong các luật khác về đầu tư, doanh nghiệp, đấu thầu, hải quan, đầu tư công và cả Luật Đất đai cũng được sửa đổi, bổ sung, thấm nhuần tinh thần của nghị quyết này.

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC - Bộ Tài chính), để tiếp cận công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chuyển giao và hợp tác chiến lược với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Intel, Amkor, Samsung, Nvidia..., Nhà nước cần có chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao một cách bài bản, đồng bộ và dài hạn. Chuyên gia này khuyến nghị thúc đẩy đào tạo trong nước, sau đó cử sinh viên đi học ở các quốc gia công nghệ phát triển, tích lũy kinh nghiệm thực chiến, rồi quay về để phát triển đất nước. Điều này cần đến sự chung tay của 3 bên: Nhà nước - doanh nghiệp - gia đình và cá nhân những sinh viên, học viên tài năng.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia các diễn đàn kết nối, trao đổi cụ thể với nhau về định hướng đầu tư kinh doanh, tiềm năng lợi thế của mỗi bên, sớm thiết lập các cơ chế, hình thức hợp tác thiết thực, hiệu quả để thực sự hình thành “hệ sinh thái”. Cùng với đó, các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm ĐMST… cần tiếp tục vai trò là cơ quan hỗ trợ, cung cấp nhanh và hiệu quả các dịch vụ cần có cho doanh nghiệp, quỹ và tổ chức, cá nhân đầu tư…

Tin cùng chuyên mục