Vụ Mường Thanh, tòa nhà 8B Lê Trực, biệt phủ rừng phòng hộ Sóc Sơn: Có lợi ích nhóm không?

Chiều 30-10, trong phiên chất vấn tại Quốc hội, ĐBQH chất vấn quan điểm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về sự chậm trễ xử lý vi phạm trong xây dựng, bởi các công trình sai phép chưa bị xử lý như "đang thách thức sự kiên nhẫn của cử tri, dư luận". 

Vụ bác sĩ Hoàng Công Lương 3 lần thay đổi tội danh: Điều bình thường

Chiều 30-10, trong phiên chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Viện tim Hà Nội nêu chất vấn liên quan đến việc vụ bác sĩ Hoàng Công Lương "có 3 lần thay đổi tội danh".

Trả lời chất vấn này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nói đây là vụ án phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết 9 người.  

"Đây là điều đáng tiếc, không mong muốn nhưng trách nhiệm của cơ quan tố tụng là phải chứng minh đúng bản chất của tội phạm. Trong quá trình tố tụng, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và cả tòa án xác định tội danh. Việc đánh giá chứng cứ, xác định khung hình phạt tối đa, tối thiểu có thể thay đổi khi xuất hiện những yếu tố tình tiết chứng cứ mới", Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nói.

Ngoài ra, theo Viện trưởng, trong quá trình điều tra, truy tố vụ án có những bị can phản cung, thay đổi lời khai; phát sinh một số tài liệu, chứng cứ có nghi vấn cần làm rõ nên việc điều chỉnh tội danh là đảm bảo đúng bản chất tội phạm, không làm oan, không làm lọt, đó là điều bình thường với những vụ án phức tạp.

Hơn 11.700 tội phạm truy nã đang trốn ngoài vòng pháp luật

Vẫn ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) chất vấn về số liệu hơn 11.710 tội phạm truy nã đang trốn ngoài vòng pháp luật, gây bất an, nguy hại lớn cho đời sống người dân. Đâu là giải pháp để giảm mối nguy hại này?

Trả lời, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, ngành công an nhận thức đó là thực tế nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng kết quả điều tra tội phạm cũng như chưa đảm bảo sự nghiêm minh. Về các giải pháp, theo Bộ trưởng Bộ Công an, ngành công an sẽ tăng cường công tác quản lý dân cư, cư trú, nắm người, nắm hộ ngay từ cơ sở. Bộ Công an đang cải cách trong quản lý giấy tờ tùy thân để không thể làm giả giấy tờ; tăng cường thông tin về tội phạm, trước hết trong lực lượng, khi phát hiện trốn truy nã thì có thông báo rộng rãi.

"Trước đây có lực lượng chuyên trách truy nã nhưng không đủ sức bao quát toàn bộ nên vừa qua có sửa đổi, quy định theo hướng không có lực lượng chuyên trách mà đơn vị nào chịu trách nhiệm về đối tượng thì truy nã tới cùng", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Hiện, lực lượng công an cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác để tội phạm truy nã không trốn ra nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế trong dẫn độ tội phạm; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, phát động quần chúng phát hiện...

Trả lời về vấn nạn tín dụng đen đang tràn về các địa phương, nhất là vùng nông thôn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói đây là quan hệ vay mượn, tự thoả thuận, thường có lãi suất cao. Mặc dù là quan hệ dân sự nhưng đằng sau thường là tổ chức tội phạm.

Theo thống kê, trong 4 năm từ 2015 đến 2018 có hơn 7.600 vụ phạm tội, trong đó 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích. Hiện cơ quan công an đang đấu tranh với 124 băng nhóm, hơn 800 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.

Nguyên nhân của vấn nạn trên là do tình hình kinh tế, nhiều cá nhân, công ty gặp khó khăn về vốn nên đi vay; một bộ phận thanh niên không chịu làm ăn, ham chơi cũng đi vay nặng lãi; các chế tài xử lý chưa tương xứng; sự vào cuộc của chính quyền chưa đúng mức...

Tới đây Bộ Công an sẽ phối hợp với các ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người dân; làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; quản lý chặt chẽ các cơ sở cầm đồ, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở đầu tư kinh doanh về đòi nợ thuê trái pháp luật; mở cao điểm tấn công triệt phá các băng nhóm tội phạm; rà soát nghiên cứu đề xuất với Chính phủ bổ sung, sửa đổi hệ thống quy định liên quan.

Xử lý sai phạm trong xây dựng: Bộ trưởng Bộ Xây dựng không dám hứa lộ trình chấm dứt

Về sự chậm trễ xử lý vi phạm trong xây dựng, ví dụ vụ toà nhà 8B Lê Trực (Hà Nội), ĐBQH chất vấn quan điểm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, bởi việc chậm trễ xử lý các công trình sai phép như "đang thách thức sự kiên nhẫn của cử tri, dư luận".

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, số vụ vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang giảm dần, bình quân 3 năm (2016 - 2018) đã giảm 13,2%, tương đương 1.100 vụ một năm. Nhưng tình trạng vi phạm xây dựng còn phổ biến, diễn biến phức tạp. Một số vụ việc vi phạm chưa được phát hiện kịp thời hoặc chưa được xử lý nghiêm minh. Bộ trưởng dẫn số liệu 9 tháng 2018 có hơn 10.880 công trình vi phạm trong đó không phép là 3.060 vụ; sai phép 5.481 vụ; sai phạm khác là 2.340 vụ.

“Thiếu quy định pháp luật hoặc quy định đã có nhưng chưa đủ rõ. Ý thức chấp hành pháp luật của nhà thầu, chủ đầu tư, nhân dân... chưa tốt. Ngoài ra, công tác kiểm tra, phát hiện sớm vi phạm ngay từ đầu chưa dứt điểm; việc cưỡng chế, phá dỡ để trở lại nguyên trạng ban đầu ở một số công trình kéo dài...”, Bộ trưởng dẫn ra hàng loạt nguyên nhân.

Giải trình các giải pháp để xử lý tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết hoàn thiện quy định pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

"Việc quản lý các hoạt động xây dựng, xử phạt vi phạm thuộc tránh nhiệm của các cấp ngành, chính quyền, địa phương và chủ thể tham gia, chứ không chỉ Bộ Xây dựng. Về phần mình, tôi xin hứa làm hết sức, thời gian tới tập trung cao độ hoàn thiện thể chế liên quan, sửa đổi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và cùng địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm", Bộ trưởng nói. 

Tuy cho rằng số lượng vụ việc vi phạm tới đây sẽ giảm xuống, nhưng Bộ trưởng Xây dựng cũng không dám hứa lộ trình bao lâu sẽ chấm dứt tình trạng này.  

“Hàng năm chúng tôi đã triển khai gần 100 cuộc thanh tra để chấn chỉnh các sai phạm. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trong lĩnh vực của mình, cam kết và hứa sẽ nỗ lực giải quyết. Nhưng tôi cũng chỉ hứa những gì trong thẩm quyền của tôi”, Bộ trưởng trả lời ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM).

ĐB Trương Trọng Nghĩa

Tranh luận lại phần trả lời này, ĐB Trương Trọng Nghĩa dẫn những vụ nổi cộm như các tòa nhà của Tập đoàn Mường Thanh, vụ toà nhà 8B Lê Trực (Hà Nội), sai phạm trong xây dựng ở rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội)… khiến dân mất lòng tin vào quản lý nhà nước, nghi vấn về lợi ích nhóm ở đằng sau đó.

“Vậy với trách nhiệm quản lý của mình, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các địa phương giải quyết ra sao, đã báo cáo và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thế nào? Tôi không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Tin cùng chuyên mục