Hội nghị của Chính phủ về xã hội hóa y tế

Chất lượng điều trị phải được kiểm định

Chất lượng điều trị phải được kiểm định

* Không cổ phần hóa các bệnh viện công

Hội nghị về xã hội hóa y tế do hai vị Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hôm 18-12 tại Hà Nội đã “vỡ” ra nhiều vấn đề của loại hình dịch vụ y tế đặc biệt. Trong khi các bệnh viện công quá tải và đặc biệt quan ngại với quỹ bảo hiểm y tế thì các bệnh viện tư muốn được tham gia điều trị cũng… khó. Hơn thế, người dân cứ phải “nhắm mắt” chi tiền chữa bệnh mà chưa biết kết quả sẽ ra sao…

Cấm bệnh viện tư... khám sức khỏe!

Chất lượng điều trị phải được kiểm định ảnh 1

Máy chụp CT cắt lớp đa mặt MSCT 16 trị giá 1,2 triệu USD vừa được Trung tâm MEDIC đầu tư trang bị. Ảnh: MAI HẢI

Gọi mối quan hệ giữa bệnh viện công và tư là “một vấn đề tế nhị”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) Nguyễn Văn Đệ “kêu”: Quan điểm của một số bệnh viện công lập không ai nói là không ủng hộ các bệnh viện ngoài công lập, nhưng việc làm thì khác hẳn lời nói.

Họ coi bệnh viện công là “con đẻ” còn bệnh viện tư thì như “con ghẻ”. Ông Đệ dẫn ví dụ điển hình là vấn đề chuyển bệnh nhân (chuyển tuyến): “Các bệnh viện tuyến huyện chỉ chuyển bệnh nhân lên bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh nhân phải quỵ lụy van xin, thậm chí phải chi tiền tiêu cực mới được chuyển đến bệnh viện ngoài công lập”.

Không những thế, theo ông Đệ, bệnh viện công cấm bác sĩ không được ra giúp bệnh viện tư, mặc dù đó là thời gian nghỉ của bác sĩ, cấm sự viện trợ về chuyên môn như: kỹ thuật, phẫu thuật, hỗ trợ về máu… Chưa hết, ông hướng lên bàn chủ tọa hội nghị, nơi Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đang chủ trì để phàn nàn: Chúng tôi đã đầu tư nhiều chục tỷ đồng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhưng vẫn bị khống chế khung giá khám, chữa bệnh như khối bệnh viện công được ngân sách cấp nhiều tỷ đồng mỗi năm. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cắt ngang: Bộ Y tế không khống chế khung giá khám chữa bệnh của bệnh viện tư, chỉ yêu cầu phải công khai giá. “Không, có văn bản hẳn hoi, chúng tôi phải thực hiện theo khung giá”, ông Đệ nại. Thì ra, chính quyền Thanh Hóa đã ra văn bản trái quy định nói trên!

Không dám thẳng thắn như ông Đệ, trong giờ giải lao, ông Vũ Thế Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghệ Y học, nơi có 7 cơ sở nghiên cứu, khám chữa bệnh (trong đó có BV Tràng An, Hà Nội) phàn nàn với PV SGGP: “Thậm chí, Sở Y tế TPHCM còn cấm bệnh viện tư khám, chứng nhận sức khỏe”. Về vấn đề này, bên lề hành lang hội nghị, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Châu thanh minh: văn bản đó do người tiền nhiệm của ông ký ban hành. Theo ông hiểu, việc cấm như vậy là vì bệnh viện tư chưa có đủ các khoa, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để khám, chứng nhận sức khỏe (!?).

Bảo hiểm y tế: BV công “kêu trời”, BV tư xin tham gia!

Hầu hết đại diện các BV đăng đàn hôm qua đều phàn nàn về mức viện phí và mức đóng bảo hiểm y tế quá thấp hiện nay đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng điều trị, nghiêm trọng hơn là làm chảy máu chất xám và ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của ngành y tế. Đó là chưa kể đến hàng loạt chính sách hiện nay đang kìm hãm đầu tư thiết bị, nâng cao tay nghề, chất lượng điều trị khiến mỗi ngày có hàng trăm người sang Singapore khám chữa bệnh. Có một nghịch lý khác là trong khi các bệnh viện công đang “kêu trời” về viện phí và mức bảo hiểm y tế thì nhiều bệnh viện tư xin tham gia khám chữa bệnh, kể cả khám người có thẻ bảo hiểm y tế!

Bà Vũ Thị Tư Hằng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân (Đà Nẵng) kiến nghị, cần điều chỉnh giá viện phí bảo hiểm y tế cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đặc biệt, bà kiến nghị bệnh viện tư cũng được tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bình đẳng giống như bệnh viện công (được phát đầu thẻ BHYT ban đầu cho bệnh viện tư) để giảm bớt quá tải cho bệnh viện công và tăng thêm đầu vào cho bệnh viện tư!

Kiểm định chất lượng điều trị

Chỉ ra tỷ lệ bệnh viện tư và số người được điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hiện nay quá nhỏ so với nhu cầu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần phải có giải pháp đột phá để huy động tối đa nguồn lực khác từ tư nhân và nước ngoài để đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Nhân khẳng định, Nhà nước sẽ tăng đầu tư cho y tế. Vì, theo tính toán với chi phí thực tế cho mỗi học sinh và mỗi người bệnh như hiện nay, phần lớn các hộ dân chưa thể tự trang trải được (do thu nhập còn thấp). “Chỉ có trên dưới 1/3 dân số có thể tự lo được y tế. Còn lại Nhà nước phải chi trả, hỗ trợ”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Giáo dục và y tế là hai dịch vụ đặc biệt. Người chi tiền cho hai dịch vụ này buộc phải trả tiền trước mà chưa biết chất lượng sẽ ra sao”. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải có trách nhiệm thay mặt Nhà nước đánh giá, giám sát giúp dân. “Nếu không, có khi người bệnh sang bên kia thế giới rồi mới biết chất lượng điều trị”, Phó Thủ tướng nói. Từ đó, ông Nhân yêu cầu Bộ Y tế trong 6 tháng đầu năm 2008 phải có trách nhiệm xây dựng hệ thống quản lý, đánh giá chất lượng khám chữa bệnh. Đã đến lúc phải hình thành các tổ chức độc lập để kiểm định, đánh giá chất lượng điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh. “Bộ Y tế có thể thành lập Cục và Sở quản lý chất lượng và cạnh tranh để kiểm tra các tổ chức kiểm định nêu trên công bố chất lượng các bệnh viện có chính xác, có khách quan không”, Phó Thủ tướng nói. 

NAM QUỐC – ĐINH LAN 

Bệnh viện được quyền thu đủ viện phí

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã khiến cả hội nghị bùng lên các tràng pháo tay khi đưa ngay ra các quyết sách giải quyết nhiều bức xúc trong ngành y.

Phó Thủ tướng khẳng định, từ nay trở đi, 3 loại hình BV công, tư nhân và nước ngoài được quyền thu đủ viện phí. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về chất lượng khám chữa và điều trị bệnh. Nếu “sản phẩm” (bệnh nhân) thuộc diện Nhà nước “đặt hàng” (như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người trong diện chính sách...) thì Nhà nước sẽ thanh toán toàn bộ cho bệnh viện. “Chúng ta không nên cổ phần hóa bệnh viện công; không nên chuyển đổi cơ sở công sang tư bởi nhu cầu người dân là rất lớn”. Thay vào đó, từ nay BV công có thể liên kết, góp cổ phần với tư nhân để có kinh phí nâng cấp trang thiết bị; mở thêm cơ sở điều trị mới. Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực, địa phương phải dành ra quỹ đất để cho BV hay cơ sở đào tạo giáo dục xây dựng mà không thu tiền. Nhà nước sẽ chịu tất cả chi phí đó. Nếu BV nằm trong quy hoạch hay quá chật hẹp trong thành phố muốn chuyển ra ngoại thành, tiền bán đất đó sẽ được hưởng hết để dành xây dựng khu mới. Đặc biệt, đối với phần thuế thu nhập doanh nghiệp, 4 năm đầu BV không phải nộp; 5 năm sau Nhà nước thu 5%; 10 năm tiếp theo là 10%. “Bây giờ các BV có thể trả lương cho một bác sĩ 100 triệu đồng/tháng và chịu thuế thu nhập cá nhân”, Phó Thủ tướng nói.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ hướng tới dùng thẻ BHYT toàn dân. Đồng thời khuyến khích các công ty bảo hiểm hoạt động thêm lĩnh vực BHYT nữa. Giá trị mỗi thẻ BHYT sẽ tăng dần. “Chúng ta phải coi đây là một cuộc cạnh tranh giữa các bệnh viện. Có như vậy, chất lượng khám chữa bệnh mới được nâng cao. Phải làm sao để người dân, nhất là dân nghèo được khám chữa bệnh tốt nhất”.

Tin cùng chuyên mục