Dịp Tết Nguyên đán

Không dám cam kết bình ổn giá!

Nhu cầu hàng hóa tăng 20%-30%
Không dám cam kết bình ổn giá!

Gom hàng và dự trữ là cách nhiều doanh nghiệp phân phối, các siêu thị và cả những đại lý bán lẻ đang âm thầm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đang cận kề. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị từ các địa phương và các doanh nghiệp lớn đã sẵn sàng, Bộ Công thương khẳng định, tuy nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết năm nay sẽ tăng đến 30% so với Tết Đinh Hợi, hàng hóa không thiếu nhưng giá cả sẽ tăng.

Nhu cầu hàng hóa tăng 20%-30%

Không dám cam kết bình ổn giá! ảnh 1

Hàng tiêu dùng sẽ tăng giá trong dịp Tết. Trong ảnh: Khách mua quần áo tại Cửa hàng Sea Collection, Q3 TPHCM. Ảnh: MAI THI

Sở Thương mại Hà Nội cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán tới, sức mua tại Hà Nội sẽ tăng 30% so với các tháng khác và tăng 20% so với tết năm ngoái. TPHCM cũng đưa ra dự báo, sức mua sẽ tăng 20% so với năm ngoái.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Hà Nội tiêu thụ hàng hóa trị giá 6.000 tỷ đồng với 50.000 tấn lương thực và 6.500 tấn heo hơi nhưng nhu cầu này sẽ tăng mạnh trong dịp Tết với giá trị hàng hóa lên đến 6.500 tỷ đồng với sức mua các mặt hàng thiết yếu như thịt heo có thể lên đến 9.000-10.000 tấn; thịt trâu bò khoảng 1.800-2.000 tấn... Đến nay, nhiều doanh nghiệp phân phối lớn đã cơ bản hoàn thành việc tích trữ và tạo nguồn hàng phục vụ tết. Tổ Điều hành thị trường trong nước cho biết: Tổng Công ty Lương thực miền Bắc đã chuẩn bị được 177.000 tấn gạo và bột mì; Tổng Công ty Thương mại và các đơn vị thành viên dự trữ được 240 tấn thịt các loại, 800 tấn thực phẩm chế biến, 100 tấn rau, 200 tấn bánh mứt kẹo, 600 tấn dầu ăn, 65 tấn mì chính, 160 tấn đường... Các siêu thị lớn như Metro, BigC, Intimex, Fivimart cũng đã dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu với tổng tiền hàng khoảng 400 tỷ đồng, tăng trên 20% so với dự trữ cùng kỳ năm 2006...

Tại TPHCM và khu vực phía Nam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đã có kế hoạch dự trữ 7.000 tấn thịt heo, 540 tấn thịt bò, 3.540 tấn thực phẩm chế biến, 1.700 tấn thủy sản. Trong khi đó, Liên hiệp Hợp tác xã TPHCM cũng dự kiến doanh số bán hàng tết tăng tới 50% so với cùng kỳ, đạt khoảng 750 tỷ đồng và đã chuẩn bị được 660 tấn gạo, 1.260 tấn thực phẩm chế biến, 230 tấn thủy sản, 700 tấn rau củ quả, 920 tấn đường...  Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã dự trữ 750 tấn gạo cao cấp các loại; mì, nui và các thực phẩm khác (phở, bún, miến...) khoảng 3.600 tấn.

Không dám cam kết “bình ổn giá”

Bộ Công thương cho biết hầu hết các tỉnh thành phố đã có phương án chuẩn bị hàng tết, đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa trong dịp Tết. Nhưng “hồi hộp” nhất vẫn là giá cả. Sau nhiều cuộc họp với doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, hầu như không đơn vị nào dám cam kết “bình ổn giá”  bởi nhu cầu tiêu dùng tăng, tâm lý hạn chế bán ra của người sản xuất... sẽ tạo sức ép lên giá cả nhiều mặt hàng.

Không dám cam kết bình ổn giá! ảnh 2

Mua sắm hàng Tết ở chợ đêm Kỳ Hòa tối
27-12-2007. Ảnh: THÀNH TÂM

Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại trong nước (Bộ Công thương), cho rằng giá cả từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có nhiều biến động, nhất là mặt hàng thực phẩm. Đây là nhóm hàng đáng lo ngại nhất về giá trong dịp tết, đặc biệt là thịt heo, rau củ, đồ khô, dầu ăn, gạo... đang thay nhau tăng 5%-15%. Để đảm bảo nguồn cung từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tý, Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có giải pháp thích hợp về tài chính để các địa phương, nhất là đối với các thành phố lớn cho doanh nghiệp vay vốn và hỗ trợ lãi suất khoảng 5-6 tháng để dự trữ hàng hóa thực phẩm phục vụ tết. Tuy nhiên, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, cho rằng, ổn định giá thực phẩm từ nay đến tết rất khó, nhất là thịt và trứng bởi dịch bệnh, thiên tai đang liên tiếp xảy ra.

Khảo sát trên thị trường những ngày gần đây của Tổ điều hành thị trường trong nước cho thấy, giá một số mặt hàng đã bắt đầu tăng khoảng 10%-20% nhất là nước giải khát, thực phẩm chế biến, đông lạnh, bánh kẹo... Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương đã cho rằng, tháng 1 và 2 năm 2008 (dịp Tết Nguyên đán) giá các loại thực phẩm sẽ tăng cao.

Tiến sĩ Lý Minh Khải, Tổng cục Thống kê, cho biết, chỉ số giá tiêu dùng  trong tháng 1 và 2 sẽ tiếp tục tăng ở mức cao, thậm chí có thể tăng hơn tốc độ của những năm trước đây. Tết Nguyên đán năm nay sẽ rơi vào tuần đầu tháng 2, nên rất có thể tháng 2-2008 có thể là tháng cực đại về chỉ số giá tiêu dùng.  Theo dự báo, nếu tháng 1-2008 chỉ số giá tiêu dùng sẽ ở mức 1,2%-1,5% thì tháng 2 sẽ nhảy lên 2,5%. Và người tiêu dùng sẽ tiếp tục “gồng mình” để đón cơn bão giá mới trong dịp tết này.

Việt Lan

Tin cùng chuyên mục