TPHCM gặp gỡ chuyên gia Việt kiều

Một quê hương, nhiều dự định…

Một quê hương, nhiều dự định…

Có những trăn trở, nhưng cũng có những dự định, những kế hoạch được vạch ra trong hội thảo “Gặp gỡ chuyên gia Việt kiều”, tổ chức ngày 28-12 tại TPHCM. Trong rất nhiều vấn đề ấy, có chung một điểm: tất cả đều nhằm thu hút, phát huy trí tuệ Việt Nam - những người con đang ở xa đất nước - để xây dựng quê hương.

Tốt, chưa tốt... 

Trả lời báo chí tại hội thảo, ông Tạ Nguyên Ngọc, Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Hiện nay các đơn vị trong nước như Đại học Quốc gia TPHCM, SHTP đã chủ động tiếp xúc, liên lạc với Việt kiều hơn. Theo ông, các nhà khoa học nước ngoài không chỉ làm khoa học mà còn có khả năng kinh doanh. Nhiều nhà khoa học Việt kiều đồng thời là chủ doanh nghiệp. Đó là điều mà nhiều nhà khoa học trong nước còn thiếu.

“Nếu được hỏi tại sao trở về Việt Nam, tôi có thể trả lời ngay rằng bởi ở đây, tôi cảm thấy sống tốt hơn ở bất cứ nơi nào khác. Những người Việt kiều trở về quê hương vì tại đây họ tìm lại được bạn bè xưa, tìm lại được người thân trong gia đình, khu phố từng sống. Nhưng quan trọng hơn hết, cái họ tìm kiếm là một chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Cụ thể, họ tìm kiếm một sự kết hợp giữa những cái tốt đẹp nhất của thế giới phương Tây và những cái tốt đẹp nhất của Việt Nam”, ông Hà Dương Đức, Giám đốc Công ty Officience, một Việt kiều đang sống và làm việc tại Việt Nam, mở đầu tham luận của mình tại buổi hội thảo như vậy. Buổi hội thảo này là một dịp để hơn 50 chuyên gia Việt kiều gặp gỡ trao đổi với các nhà quản lý về việc phát huy nguồn lực trí thức Việt kiều, đóng góp vào công cuộc phát triển TPHCM.

Một quê hương, nhiều dự định… ảnh 1

Các chuyên gia Việt kiều trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: MAI HẢI

Cũng như cách nói của ông Đức, vấn đề được nhìn nhận khá thẳng thắn tại hội thảo lần này là “chất lượng cuộc sống”. Họ sẽ về nước, nếu họ thấy có chất lượng cuộc sống tốt hơn, chứ không chỉ kêu gọi các chuyên gia Việt kiều về xây dựng quê hương, mà đón họ chỉ bằng… tình cảm.

Một cách rõ ràng hơn, ông Lương Tuấn Anh - kiều bào ở Pháp, phân tích: “Theo tôi, có một số nguyên nhân chính khiến cho việc thu hút kiều bào còn gặp khó khăn. Đó là đồng lương không cạnh tranh với nước ngoài; điều kiện làm việc không phù hợp và phải thay đổi chỗ ở.

Những chuyên gia Việt kiều đều là những người đang có chỗ đứng ở nước ngoài, đang có một chỗ ở, một gia đình ổn định ở nước ngoài. Việc thay đổi là khó khăn”. Một cách dễ hiểu hơn, ông Phạm Xuân Tùng – kiều bào ở Mỹ chia sẻ: “Nhiều người bật cười khi nghe tôi nói gia đình, vợ con đã níu chân không để tôi trở về Việt Nam làm việc trong thời gian dài.

Đầu tư thì cần nhiều thời gian và tôi không thể bỏ họ hàng tháng trời bên ấy, chưa kể là những lúc rủi ro, tôi càng không thể bỏ hết công việc để về Mỹ. Hơn nữa, vấn đề tiền lương là trở ngại lớn nhất, không chỉ với tôi mà nhiều trí thức Việt kiều khác cũng thế, ở nước ngoài, chúng tôi thu nhập hơn 100.000 đô la mỗi năm, ngay cả khi không phải làm chủ”.

Thực tế là vậy. Không phải chuyên gia Việt kiều nào cũng sẵn sàng về nước. Đối với một số người đã về nước như ông Đức, hay TS Nguyễn Chánh Khê, TS Từ Trung Chấn…, Việt Nam là một nơi rất tốt, về rồi, không muốn đi đâu nữa. Nhưng “mỗi cây mỗi hoa”. Giải quyết bài toán đó như thế nào?

Làm gì cho quê hương? 

Theo TSKH Trần Hà Anh, trong việc thu hút nguồn lực Việt kiều, cần coi trọng việc kết hợp các hình thức đóng góp đòi hỏi mức độ dấn thân từ thấp đến cao. Đóng góp chất xám thường đòi hỏi mức độ dấn thân cao hơn là gửi tiền về cho gia đình cải thiện điều kiện sinh hoạt, làm công tác từ thiện, hay đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Theo các chuyên gia, các nhà khoa học Việt kiều có những thế mạnh riêng, bởi được phát triển trong những môi trường khác nhau. Tại hội thảo lần này, nhiều kế hoạch phát triển khoa học công nghệ đã được vạch ra. “Tiềm năng của Việt Kiều là vốn đầu tư, tri thức, khoa học kỹ thuật và cầu nối quốc tế”, TS Hoàng Xuân Bình, Việt kiều Ba Lan nói.

Một quê hương, nhiều dự định… ảnh 2

Buổi hội thảo và gặp gỡ chuyên gia Việt kiều tại TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Thực tế hiện nay các nhà khoa học Việt kiều đã tham gia vào rất nhiều chương trình, dự án đầu tư và cả một số cơ quan quản lý tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Đình Mai, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), ngay trong bước phát triển của SHTP cũng có nhiều đóng góp của các trí thức Việt kiều như Huỳnh Hữu Nghiệp, Lương Bạch Vân, Đặng Lương Mô, Thân Trọng Phúc, Quin Tran… Và bây giờ, SHTP lại kêu gọi nguồn lực đó. “Hiện tại, nhu cầu nhân lực để nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là một nhu cầu mà SHTP đang mời gọi hợp tác của các chuyên gia Việt kiều. SHTP sẽ có những chính sách ưu đãi như giá đất rẻ, giá dịch vụ cạnh tranh… để thu hút các chuyên gia Việt kiều đầu tư”, ông Mai nói.

Không chỉ SHTP của ông Mai chủ động mời gọi. Hiện nay, Đại học Quốc gia TPHCM cũng đang trở thành một nơi trở về được nhiều Việt kiều nhớ tới. Mới nhất, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cũng đang lấy ý kiến để xây dựng đề án “Phát huy hiệu quả nguồn nhân lực trong và ngoài nước”, để xây dựng một cơ chế phù hợp cho từng đối tượng trí thức.

Trong không khí thân tình của buổi gặp, ông Nguyễn Thành Tài, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, cho rằng Đảng bộ và nhân dân TPHCM sớm khẳng định kiều bào, nhất là các tri thức Việt kiều là bộ phận không thể tách rời của dân tộc, là nguồn lực đáng quý đóng góp vào sự phát triển của TP. Vì vậy, TP kêu gọi sự đóng góp của các chuyên gia Việt kiều đầu tư vào chiến lược phát triển khoa học - công nghệ TPHCM đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2010, trong đó chú ý phát triển ngành công nghệ Nano hiện đại. TP còn kêu gọi các chuyên gia Việt kiều cùng tham gia giải quyết các vấn đề như kẹt xe, ô nhiễm môi trường, hạ tầng cơ sở…

Với quê hương, nhìn từ phía các chuyên gia Việt kiều hay nhìn từ phía các nhà lãnh đạo và quản lý trong nước, vẫn còn rất nhiều dự định…
 

MINH TÚ – TIÊU HÀ

Năm 2008, sẽ có hơn 500.000 lượt kiều bào về VN

Theo Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), với quyết định miễn thị thực cho kiều bào đã có hiệu lực từ 1-9-2007, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý sắp tới, dự kiến sẽ có khoảng 160.000 kiều bào về quê ăn Tết, đón Xuân, tăng hơn 20.0000 người so với xuân Đinh Hợi. Năm 2008 tới, số bà con về Việt Nam thăm thân và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư cũng có thể lên tới hơn 50 vạn lượt người. Được biết, hiện nay có khoảng 3,5 triệu kiều bào đang sinh sống tại 94 quốc gia và vùng lãnh thổ.

C.TH.

Tin cùng chuyên mục