Cáp quang có bị cắt trộm?

Câu hỏi này thoáng nghe thì có lý, nhưng ngẫm lại thấy vô lý! Ngư dân cắt bán phế liệu đến 1.500 tấn cáp quang từ năm 1989 đến nay, tức ngư dân lấy trộm… cả 16 năm trời. Trên đời có ai “bị coi là ăn trộm” lại được cấp thẩm quyền cho phép, không những thế mà còn nộp lại cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng? Thế thì lời tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Trần Đức Lai trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 5-6 “… nếu có đủ hành vi chứng cứ thì sẽ xử lý nghiêm khắc một số đối tượng cắt trộm cáp quang” liệu có thuyết phục? Vấn đề bây giờ cần phải xác định lại ai cho phép cắt cáp quang bán phế liệu để nộp ngân sách? Bởi lẽ chỉ ngư dân đánh bắt hải sản thì không thể có hải đồ để phát hiện dưới lòng biển bao la và mặt biển mênh mông không thấy chân trời, nơi nào có cáp, nơi nào không?

Trong điều hành quản lý, người lãnh đạo không thể tránh khỏi những sai lầm. Có thể khi cho phép khai thác cáp chỉ đơn thuần là hệ thống cáp còn sót lại của chế độ cũ, không sử dụng được. Nhưng khi xã hội thông tin phát triển để phục vụ nhu cầu kinh tế xã hội đất nước thì cáp mới được bổ sung thêm. Và chỉ có trời mới biết nằm sâu trong lòng biển cáp nào mới, cáp nào cũ. Có chăng là tầm nhìn của “cấp có thẩm quyền” nào đó, lúc cho phép chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên trách nhiệm của mình là phải nhìn tận mai sau. Trách nhiệm thuộc về ai cần làm rõ? Nhưng trước hết phải sòng phẳng với dân, ai làm nấy chịu!

TRẦN TOÀN

Tin cùng chuyên mục