Khắc phục hậu quả trận lụt lịch sử ở các tỉnh phía Bắc

Hà Nội: Mưa giảm nhưng còn ngập nặng

Hà Nội: Mưa giảm nhưng còn ngập nặng

* Nước rút rất chậm, do mức nước các sông gần bão hòa

  • Phương tiện giao thông chính: xe đạp 

Đến chiều 2-11, ở Hà Nội mưa đã ngớt, tuy nhiên nhiều khu vực vẫn còn bị ngập nặng. Mức nước ở các sông Tô Lịch, Nhuệ, Kim Ngưu đã rút so với hôm trước, nhưng do gần như bão hòa trong việc thoát nước cho các khu vực, nên mức nước đến sáng qua chưa rút được bao nhiêu. Tại khu vực đường Giải Phóng ở Giáp Bát, nước vẫn còn ngập sâu đến yên xe máy, bến xe phía Nam gần như “tê liệt”, không hoạt động được; hàng trăm chiếc xe máy gửi ở bãi xe trong bến xe phía Nam hiện vẫn nằm sâu trong nước suốt 3 ngày qua. Đoạn đường sắt của ga Giáp Bát cũng vẫn chìm trong nước. Nhiều khu vực ở Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy... cũng nằm trong tình trạng đó.

Đường sắt thành đường giao thông khi đường Lê Duẩn vẫn còn ngập sâu trong ngày 2-11. Ảnh: TRẦN BÌNH

Đường sắt thành đường giao thông khi đường Lê Duẩn vẫn còn ngập sâu trong ngày 2-11. Ảnh: TRẦN BÌNH

Ở khu vực nội thành, những tuyến đường như Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng... vẫn còn ngập sâu trong nước. Ở những khu vực này, chủ yếu ô tô gầm cao mới đi lại được, còn xe gầm thấp và xe máy vẫn chưa thể đi qua. Phương tiện chủ yếu đi lại là xe đạp và “lội bộ”. Các tuyến đường Trần Quốc Toản, Nguyễn Du, Quang Trung, Lê Duẩn (đoạn giữa hồ Bảy Mẫu và Ba Mẫu); các khu đô thị như Văn Quán, Linh Đàm, Mỹ Đình đang bị ngập sâu. Riêng khu đô thị Văn Quán và hầu hết khu vực Hà Đông, điện đã mất hơn 3 ngày qua và chưa biết đến lúc nào mới có, do trạm biến thế đang bị ngập.

Chiều qua, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có công điện khẩn gửi UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng bơm nước vào sông Nhuệ để “cứu nguy” cho TP Hà Đông và vùng hạ lưu, bởi mực nước trên sông Nhuệ đã quá tải, nếu tiếp tục bơm thì có thể gây vỡ đê, làm ảnh hưởng hàng vạn hộ dân nằm trải dài từ TP Hà Đông xuôi tận Phủ Lý (Hà Nam).

Trong 2 ngày 1, 2-11, ngành đường sắt đã ngừng chạy 5 chuyến tàu để đảm bảo an toàn. Tổng Công ty Đường sắt VN tiếp tục tổ chức việc đón trả khách đi tàu Thống Nhất tại ga Văn Điển thay vì ga Hà Nội và sử dụng ô tô để đưa đón khách giữa ga Hà Nội và ga Văn Điển.

Trong ngày 2-11, do lượng nước ngập có phần rút, nên một số tuyến đi Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định… hoạt động trở lại. Các xe đi phía Nam cũng tiếp tục phải tránh đường Pháp Vân do còn nhiều đoạn ngập sâu, bằng cách vòng qua cảng Hồng Vân (Thường Tín) lên đê sông Hồng để vào QL1A.

  • Nguy cơ dịch bệnh cao 

4 ngày nữa mới hết ngập

Dự kiến phải trong 4 ngày nữa, Hà Nội mới hết các điểm ngập úng với điều kiện không có mưa lớn. Về lâu dài, Hà Nội phải đầu tư thêm một số trạm bơm nữa và quy hoạch lại hệ thống thoát nước đồng bộ thì mới tránh được tình trạng ngập úng nghiêm trọng như hiện nay.

Hôm qua và hôm nay mưa đã giảm, lượng mưa cũng không còn lớn như ngày 31-10 nữa. Tuy nhiên, mưa vẫn xuất hiện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc với lượng mưa chỉ còn vài chục mm do có một đợt không khí lạnh tràn về. Sau 2 ngày nữa, mưa sẽ hết, nhiều khả năng có nắng ở khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Chiều 2-11, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết, trận mưa lụt lịch sử đang diễn ra đã khiến Hà Nội và nhiều địa phương khác như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình… phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, ngộ độc, các bệnh viêm nhiễm ngoài da.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất vẫn là dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và tả. Nguy cơ dịch bệnh bùng phát lớn nhất hiện nay chính là nguồn nước sạch bị ô nhiễm nặng do nước sông, hồ, kênh rạch, nước thải của các công trình vệ sinh, thậm chí là nước thải của nhiều bệnh viện ở Hà Nội tràn vào. Đến khi nước rút, nước, bùn đất cùng với rác thải sẽ đọng ở nhiều khu dân cư, tạo điều kiện cho muỗi phát triển nếu không được làm vệ sinh tốt.

Trước tình hình đó, Cục Y tế dự phòng và môi trường đã ra khuyến cáo, người dân nên ăn chín uống sôi, nếu không có nguồn nước sạch thì tạm thời dùng nước đóng chai để uống. Trường hợp có người bị tiêu chảy, sốt phải đưa đến ngay cơ sở y tế để khám chữa trị kịp thời. Khi nước rút, nhanh chóng thau rửa bể nước ngầm, giếng nước bằng Cloramine B.

Cũng trong chiều qua, TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, nhiệm vụ trọng tâm cấp bách nhất hiện nay là xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh sau mưa lụt, đồng thời đảm bảo việc khám chữa bệnh cho người dân trong hoàn cảnh vẫn còn mưa lớn và ngập lụt. Hiện nay, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đang dự trữ hơn 10 tấn hóa chất Cloramine B, các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện của TP cũng dự trữ 700kg - 1 tấn hóa chất này. Ngay sau khi ngừng mưa, nước rút sẽ đồng loạt triển khai việc phun thuốc, khử khuẩn nguồn nước ăn, vệ sinh môi trường. Tính đến chiều qua 2-11, 3 đoàn kiểm tra của Sở Y tế chia làm 3 mũi đã kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp công tác thu dung, điều trị bệnh nhân của bệnh viện và trạm y tế khắp các quận, huyện.

  • Khôi phục sản xuất sau khi nước rút 
Biển nước mênh mông trên đường phố Hà Nội vào chiều 2-11. Ảnh: TRẦN BÌNH

Biển nước mênh mông trên đường phố Hà Nội vào chiều 2-11. Ảnh: TRẦN BÌNH

Hôm qua, trong chuyến kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại huyện Mỹ Đức, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu huyện cần thực hiện ngay những nhiệm vụ cấp bách: Phân công, cử cán bộ xuống cơ sở, nhất là các điểm xung yếu và nơi ngập lụt, nhằm khắc phục và giúp đỡ nhân dân. Xem xét lại phương tiện, vật tư của mình có bao nhiêu để từ đó chủ động ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra. Chăm lo đến đời sống nhân dân, kiên quyết không để nhân dân đói và không để xảy ra dịch bệnh. Cũng cần huy động nhân dân nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách... Sau khi nước rút, ngành nông nghiệp phải nắm tình hình, động viên nhân dân khôi phục sản xuất...

Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành TP để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả úng ngập trên địa bàn thủ đô. Sở Xây dựng tập trung củng cố bờ bao, đảm bảo an toàn để vận hành hết công suất trạm bơm Yên Sở bơm nước ra sông Hồng; kiểm tra, rà soát việc úng ngập tại các khu nhà cao tầng, chỉ đạo tổ chức khắc phục úng ngập tầng hầm. Sở NN-PTNT kiểm tra, triệt để không cho các trạm bơm tiếp tục bơm ra sông Nhuệ, liên hệ với tỉnh Hà Nam để vận hành trạm bơm Yên Lệnh bơm nước ra sông Hồng. Sở GTVT phân luồng giao thông để tránh ùn tắc, cho phép các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu ra vào TP cả ngày lẫn đêm để kịp thời cung ứng cho nhân dân. Công ty Điện lực Hà Nội kiểm tra, kịp thời khắc phục các sự cố, ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm hoạt động hết công suất phục vụ tiêu thoát nước.  

TR. LƯU - Q. KHÁNH - B. QUYÊN - B. VÂN - V. PHÚC

Nghe thấy còi cấp cứu nhưng... chịu chết

Theo báo cáo nhanh của Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt – Đức, trong những ngày qua, bệnh viện đã tiếp nhận gần 300 ca cấp cứu, trong đó chủ yếu là tai nạn giao thông, tai nạn do sinh hoạt, lao động… trong đó khá nhiều ca chấn thương sọ não. Tuy nhiên do ngập nước và tắc đường nên số bệnh nhân nhập viện vào Việt – Đức cũng đã giảm gần một nửa so với bình thường. Đặc biệt, vào tối 1-11, các bác sĩ ở đây có nghe tiếng còi xe cấp cứu hụ một lúc khá lâu từ phía đường Hai Bà Trưng chỉ cách bệnh viện vài trăm mét vọng về nhưng sau đó không thấy bệnh nhân được đưa tới cấp cứu vì đường quá ngập và tắc ứ.

Còn tại Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội, trong 3 ngày qua, mỗi ngày trung bình có tới 100 cuộc gọi đề nghị vận chuyển bệnh nhân nhưng chỉ có thể tiếp cận và vận chuyển được 20% bệnh nhân tới bệnh viện do tất cả nẻo đường đều… ngập và tắc.

TR. KIÊN


49 người chết, mất tích và bị thương

* Nguy cơ tràn, vỡ đê

Tính đến chiều qua 2-11, theo số liệu gửi về từ các địa phương ở miền Bắc và miền Trung bị trận mưa lũ lịch sử mà chúng tôi thống kê được, đã có tổng cộng 49 người chết, mất tích và bị thương. Trong đó riêng tại Hà Nội, tổng số nạn nhân là 18 người (có 5 người chết do điện giật ở TP Hà Đông khi nước lũ lên cao). Hà Tĩnh cũng có 17 người chết... Mưa lũ cũng đã làm 49 nhà bị sập đổ và trôi, 54.106 ngôi nhà bị ngập, hư hại. Hơn 182.000ha lúa, hoa màu bị ngập úng, hơn 9.600ha thủy sản bị ngập tràn. Ngoài ra, 457 cầu cống bị hư hại, 130 công trình thủy lợi và hơn 48.600m đê, kè, kênh mương bị hư hỏng, gần 84.000m³ đê, kè bị sạt lở. Ước tính thiệt hại ban đầu của riêng tỉnh Thái Nguyên 16 tỷ đồng.

Trước nguy cơ vỡ đê, từ chiều 1-11, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Ninh Bình đã quyết định cho phân lũ tại tràn Đức Long - Gia Tường (Nho Quan) để cứu quốc lộ 1A, TP Ninh Bình và hạ lưu. Ông Trần Văn Bách, Phó Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Ninh Bình, khẳng định, nước lũ từ sông Hoàng Long qua tràn Đức Long-Gia Tường, mặc dù đã cứu được hạ lưu nhưng lại làm ngập khoảng 13.000 nhà dân với 40.000 nhân khẩu ở 7 xã Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân, Gia Thủy, Gia Lâm, Gia Sơn và Xích Thổ (huyện Nho Quan). Bước đầu, lực lượng cứu hộ đã chở 300 lít dầu, 1.000 thùng mì tôm, 300 thùng lương khô, nước uống và 550 triệu đồng vào chi viện bà con.

Sáng qua 2-11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học đã về tỉnh Ninh Bình chỉ đạo cứu tràn, chống lũ và cho biết, quan điểm chỉ đạo của bộ là bằng mọi giá cứu tràn Lạc Khoái để không làm thiệt hại cho hàng vạn dân cư bên trong. Nếu mực nước sông Hoàng Long vẫn lên cao thì buộc phải xả tràn Lạc Khoái để giảm lưu lượng nước trên sông Hoàng Long, nhằm tiếp tục cứu hạ lưu. Ông Trương Cộng Hòa, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, cho biết đang chuẩn bị sơ tán khẩn cấp khoảng 15.000 hộ dân trong trường hợp không giữ được tràn Lạc Khoái.

Trong khi đó, ở phía Đông Bắc bộ, lần thứ 2 nước sông Kỳ Cùng lại uy hiếp các huyện như Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng… Đến chiều qua, nước sông dâng cao, vượt báo động 3 gần nửa mét, đã tràn vào trung tâm TP Lạng Sơn. Tại tỉnh miền núi Yên Bái, đến chiều 2-11 mưa vẫn rất lớn và đã xảy ra sạt lở ở một số vùng ven sông Hồng. Yên Bái đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp cho địa phương này thêm 1 tấn Cloramine B để khử trùng nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong 1 - 2 ngày tới, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lũ sông Bưởi đang lên, sông Cả, sông Mã và sông La đều lên trở lại. Hiện tại, lũ trên sông Bưởi thuộc tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đoạn làm mái đê bị sạt lở và tràn mặt đê.

Hôm qua, Đoàn Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam đã có điện thăm hỏi các địa phương: Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đồng thời gửi tới các gia đình có người bị chết và mất tích 2 triệu đồng/người; người bị thương 1 triệu đồng/người. 

V. PHÚC - TR. BÌNH - B. LIỄU

Không cải thiện hệ thống thoát nước
Hà Nội sẽ còn bị ngập nặng

(SGGP).- Chiều 2-11, bà Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết: Đây là một đợt mưa bất thường và kéo dài ở Hà Nội (tương đương 550mm vào ngày 31-10). Trong vòng 100 năm qua, đây là đợt mưa lớn thứ 2 sau năm 1984 (kéo dài suốt 27 giờ với lượng mưa là 561 mm). Cả 2 trường hợp này đều là diễn biến thời tiết bất thường, nên rất khó dự đoán chính xác được.

Nhiều nước tiên tiến trên thế giới cũng khó dự báo trước được chính xác lượng mưa. Nguyên nhân của đợt mưa bất thường này là do hội tụ của nhiều yếu tố, đặc biệt là do đới gió mùa Đông Nam phát triển ở tầng dày, nhiều lớp. Nếu hệ thống thoát nước không được cải thiện, việc ngập lụt ở Hà Nội chắc chắn sẽ còn diễn ra thường xuyên và trầm trọng hơn nữa.

TR. LƯU

*****

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Xem xét lại dự án thoát nước giai đoạn 2

(SGGP).- Hôm qua 2-11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Công suất thiết kế hệ thống thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 chỉ xử lý được lượng mưa 170mm trong 2 ngày và giai đoạn 2 nếu hoàn tất cũng chỉ ở mức 360mm trong 2 ngày, trong khi từ ngày 31-10 đến thời điểm này, tại ngoại thành Hà Nội lượng mưa đo được là gần 600mm, còn trong nội thành lượng mưa cũng xấp xỉ 500mm. Với công suất thoát nước của TP hiện nay, nếu phát huy hết công suất thì cũng phải trong 4 ngày liên tục mới thoát hết được lượng nước đang gây úng ngập. Sau trận mưa lịch sử này, chắc chắn dự án thoát nước giai đoạn 2 sẽ được tính toán lại công suất thiết kế.

Hiện nay, UBND TP xác định nhiệm vụ số một hiện nay là thoát nước. Công việc quan trọng nhất là đã giữ được sự an toàn của Trạm bơm Yên Sở - điểm thoát nước trọng điểm của nội thành. Đến thời điểm này, mực nước nội thành đã giảm hơn 10 cm. UBND TP cũng đã mở và phối hợp với các địa phương lân cận mở hệ thống cống thoát, cùng bơm thoát nước ra sông Hồng.

B. AN


* Thông tin liên quan:

- Hà Nội sáng 2-11: Tạnh mưa, nhưng vẫn ngập nặng

- Hà Nội sau trận mưa lịch sử: Đổ xô đi làm “ngư dân”

- Hà Nội: Mưa lũ tiếp tục hoành hành

- Trận mưa lịch sử kéo dài - Hà Nội ngập trong biển nước

Tin cùng chuyên mục