Đêm nay, gió giật cấp 11-12 tại vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình

Theo trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 16-7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Nghệ An khoảng 580 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14. 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ. Đến 10 giờ ngày 17-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Hà Tĩnh khoảng 150 km về phía Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Như vậy khoảng trưa và chiều ngày 17-7, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An. Đến 22 giờ ngày 17-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 18/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 104,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa ngày hôm nay,16-7, còn có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Sóng biển cao 6 – 8 mét. Biển động dữ dội.

Từ trưa và chiều ngày 16-7, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Từ đêm ngày 16-7, vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh đến Quảng Bình gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9 – 10, giật cấp 11, cấp 12; Từ sáng ngày 17-7 ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 2 – 4 mét. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Chính phủ chỉ đạo chủ động phòng chống bão

Sáng 16-7, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã họp khẩn kiểm điểm tình hình, đôn đốc việc triển khai các biện pháp phòng chống bão số 1 (có tên quốc tế Conson).

Theo báo cáo mới nhất, các địa phương đã kiểm đếm, thống kê được 52.052 tàu với 239.218 lao động, 1.254 lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản với 3.549 người. Đến nay, đã có 47.053 tàu với 205.402 người đã neo đậu và hoạt động ven bờ. Lực lượng quân đội đã triển khai hơn 2.800 quân nhân ứng trực, hơn 220 phương tiện ở các địa phương để giúp dân ứng phó với cơn bão.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các tỉnh trong khu vực nguy hiểm là vùng biển phía Bắc vĩ tuyến 16, từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa căn cứ vào tình hình thực tế để quản lý chặt chẽ các hoạt động của tàu thuyền. UBND cấp tỉnh chủ động quyết định việc cấm tàu thuyền ra khơi, sắp xếp bảo đảm an toàn tại các khu neo đậu, không để người ở lại trên tàu, thuyền và các khu nuôi trồng thủy sản.

Các tỉnh triển khai phương án đảm bảo an toàn tại các công trình đang thi công, khu du lịch, các hồ chứa, thủy điện. UBND cấp tỉnh chủ động xác định, sẵn sàng sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm ven biển, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là khu vực miền núi được dự báo sẽ chịu lượng mưa lớn, trên 400 mm.

Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, giúp dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, sẵn sàng triển khai phương án đối phó với tình huống mưa, lũ gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân. Bộ Công Thương chỉ đạo ưu tiên điện cho tiêu úng.


Xuất hàng phục vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) một số mặt hàng từ nguồn dự trữ quốc gia cho Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn để bổ sung cho các Bộ, ngành, địa phương phục vụ nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2010. 

Số lượng các mặt hàng được xuất cấp cụ thể như sau: 900 bộ nhà bạt cứu sinh các loại (trong đó 500 bộ loại 16,5 m2; 300 bộ loại 24,75 m2 và 100 bộ loại 60 m2); 50.000 chiếc phao áo cứu sinh; 50.000 chiếc phao tròn cứu sinh; 200 chiếc bè cứu sinh nhẹ và 10 bộ thiết bị chữa cháy đồng bộ.

Thủ tướng giao Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với Bộ Tài chính rà soát nhu cầu và số lượng trang thiết bị đã xuất cấp để phân bổ cụ thể số lượng, chủng loại cho các Bộ, ngành, địa phương. Việc cấp phát, tiếp nhận, sử dụng và bảo quản trang thiết bị nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.

Th.A (Theo Trung tâm khí tượng Thủy Văn và Cổng thông tin điện tử Chính phủ).

Tin cùng chuyên mục