Bác Sáu Giàu

Bác Sáu Giàu

Ngày 6-9 năm nay bác Sáu Giàu bước sang tuổi 100. Một con người có sức sống mãnh liệt, tiêu biểu và gần gũi.

Bác Sáu là con người của vùng lên quật khởi, của trí tuệ khoa học, của ngôn ngữ hùng biện, của tài hoa, của sự giản dị và chân tình.

Bác Sáu là hình ảnh của lớp người đi trước, cách mạng – kiên cường, không sợ tù đày, gian khổ, hy sinh, quyết đấu tranh giành cho được độc lập. Năm 1930 đã tham gia biểu tình ủng hộ khởi nghĩa Yên Bái ở Paris, bị trục xuất về nước khi đi du học.

Về nước hoạt động, bị thực dân Pháp bắt lưu đày 7 năm qua các nhà lao Khám lớn Sài Gòn, Côn Đảo, Tà Lài…Trong tù làm “giáo sư đỏ”, rồi vượt ngục, ra tù tiếp tục hoạt động và trở thành người lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ.

Ngày nay, phía trước tòa nhà Ủy ban Nhân dân thành phố còn có tấm bia ghi nhớ sự kiện trưa ngày 25-8-1945, hơn nửa triệu đồng bào Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ chứng kiến sự ra mắt của Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ do Trần Văn Giàu làm chủ tịch.

Bác Sáu Giàu là hình ảnh một nhà giáo toàn tâm, một Giáo sư Sử học của Trường Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Bác Giàu là một nhà khoa học tầm cỡ, uyên bác với hơn 150 công trình nghiên cứu và hàng vạn trang viết đề cập đến nhiều lĩnh vực: triết học, tư tưởng, chính trị, lịch sử, xã hội, giáo dục, tôn giáo…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh tư liệu

Sách của bác Giàu trực tiếp viết hay chủ biên là những tác phẩm lớn, có giá trị như: Lịch sử chống xâm lăng, 3 tập, 1.000 trang; Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, 4 tập, 1.800 trang; Lịch sử cận đại Việt Nam, 4 tập, 1.300 trang; Miền Nam giữ vững thành đồng, 5 tập, 2.500 trang; Lịch sử tư tưởng Việt Nam, 3 tập, 1.750 trang; Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, 4 tập, 2.000 trang…

Bài nói, bài viết của bác Giàu mang đậm dấu ấn riêng, phong cách riêng, hấp dẫn và sâu sắc bởi hàm chứa cả chất văn học, triết học và sử học. Bài nói, bài viết của bác Giàu thường ngắn gọn, mạnh mẽ và đi vào lòng người bởi sự sắc sảo của tính chiến đấu, tính chính luận, tính chân thật, khách quan của các sự kiện chứng minh. Công trình nghiên cứu của GS Trần Văn Giàu hết sức phong phú về trí tuệ dân tộc và thời đại.

Bác Giàu là một nhân cách lớn, là tấm gương lao động, sáng tạo, rèn luyện bền bỉ, một con người sống có thủy, có chung với dân, với nước, với gia đình và người thân.

Cách đây vài năm, ở tuổi trên 90 mà ngày nào bác Giàu cũng viết, một ngày viết một trang cũng viết. Theo bác Giàu, đó cũng là cách làm cho đầu óc luôn trẻ. Và theo chúng tôi được biết thì những đề tài bác Giàu trăn trở đều là những đề tài lớn về dân tộc và thời đại, của quá khứ và cả tương lai…

Gia tài của bác Sáu Giàu là một ngôi nhà toàn là sách. Có lần bác Giàu hỏi chúng tôi: Sau này nên tặng những tủ sách này cho ai? Ngay lúc đó chúng tôi cũng chưa nói được. Lần sau gặp lại, bác Sáu cho biết: Thành phố cũng có nhiều sách, Thư viện thành phố cũng có sách Trần Văn Giàu, có lẽ nên tặng những tủ sách này cho Long An – quê hương.

Bác Sáu gái là điểm tựa và cũng là nhân chứng của bác trai. Hồi làm Bí thư Thành đoàn, năm 1985, tôi có đến mời bác Giàu nói chuyện về Cách mạng Tháng Tám cho thanh niên thành phố. Hôm ấy, trước Nhà hát lớn thành phố, hơn 10.000 đoàn viên, thanh niên đã im phăng phắc, lắng nghe bác Giàu nói chuyện, không cầm giấy, rất hùng biện.

Sau buổi nói chuyện, tôi đưa bác Giàu về. Bác Giàu cho biết, để có buổi nói chuyện như vậy, bác đã chuẩn bị thật kỹ và đã viết thành bài hẳn hoi. Khi lấy cho tôi xem mấy trang viết tay bằng giấy ca-rô, bác Giàu còn nói: Không tin thì cứ hỏi bác gái. Bác gái cười và thừa nhận.

Theo bác Giàu: Hùng biện không phải vỗ bắp vế một cái bép là có chữ mà phải chuẩn bị hết sức chu đáo. Nếu chuẩn bị kỹ thì những ý tứ lúc chuẩn bị đã nhập tâm và khi nói mới có thể không  cầm giấy.

Bác gái mất vào đầu năm 2005, mặc dù ở tuổi 95 nhưng bác Giàu vẫn ngồi suốt phía trước nhà để cám ơn mọi người đến viếng.

Trước đây và sau này, mỗi lần đến thăm, được trò chuyện cùng bác Sáu Giàu, chúng tôi luôn có cảm giác ấm áp, gần gũi, luôn được khuyến khích hướng về phía trước, đầy tin tưởng, lạc quan.
Lúc tôi làm Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, có lần bác Giàu nhắc: Làm lãnh đạo, nhớ dành thời gian lắng nghe trực tiếp tiếng nói của người dân…

Cũng có lần bác Giàu dặn: Phải dành thời gian học tập, nghiên cứu và phải viết nhiều hơn nữa…

Mấy năm gần đây, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng, bác Giàu cho rằng cần phải gắn học với hành, cán bộ, đảng viên hãy nêu gương tốt.

Hơn một năm nay, sức khỏe không cho phép bác Giàu viết nữa nhưng mỗi sáng, mỗi ngày đều có người đọc cho ông nghe tin tức trên 3 tờ báo lớn, trong đó có Sài Gòn Giải Phóng và Tuổi Trẻ. Bác Giàu vẫn cập nhật được thông tin, vẫn biết được những con đường mới mở, những cây cầu mới xây… và rất vui với những đổi thay của đất nước, của thành phố.

Với những công lao đóng góp, bác Sáu Giàu đã nhận được những phần thưởng: Giải thưởng Hồ Chí Minh - năm 1996, Anh hùng Lao động - năm 2002. Hôm đón nhận  danh hiệu Anh hùng Lao động, bác Sáu Giàu đã khóc.

Để động viên những công trình nghiên cứu lịch sử, tư tưởng, thành phố cho phép lập Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu với nguồn quỹ của bác Sáu Giàu. Năm nay, giải thưởng được tổ chức trao lần thứ năm cho công trình “Lịch sử Nam bộ kháng chiến chống Mỹ”.

Hôm nay, nhân ngày sinh của bác Sáu Giàu, xin được viết đôi điều về bác Sáu - một con người tài năng và đức độ - một tên tuổi gắn với sự kiện Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Sài Gòn, gắn với những công trình nghiên cứu và những giá trị sống có ảnh hưởng lớn đến những thế hệ tiếp nối – một cuộc đời, một thế kỷ  cùng đất nước, cùng dân tộc, cùng Nam bộ thành đồng, cùng Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh quật khởi, anh hùng

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục