Ngôi nhà bình yên cho người bất hạnh

Sau 3 năm hoạt động, dự án Ngôi nhà bình yên (Ngôi nhà bình yên), mô hình hỗ trợ nạn nhân của nạn buôn người trở về, đã giúp hơn 100 phụ nữ ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng.

Sau 3 năm hoạt động, dự án Ngôi nhà bình yên (Ngôi nhà bình yên), mô hình hỗ trợ nạn nhân của nạn buôn người trở về, đã giúp hơn 100 phụ nữ ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng.

108 nạn nhân đến Ngôi nhà bình yên (tại Hà Nội) trong 3 năm qua thuộc 11 nhóm dân tộc, đến từ 33 tỉnh TP trong cả nước. Mỗi nạn nhân đến với Ngôi nhà bình yên là mỗi hoàn cảnh, mỗi thân phận éo le khác nhau. Có người vì nhẹ dạ mà rơi vào tay bọn buôn người, có những người bị chính người thân của mình lừa gạt…

Hầu hết các nạn nhân trở về sau nạn buôn bán người đều rơi vào khủng hoảng về tâm lý, suy nhược cơ thể và cảm thấy bế tắc trước cuộc sống. Nhiệm vụ của Ngôi nhà bình yên là tạo ra nơi ăn chốn ở an toàn và giúp họ cơ hội làm lại cuộc đời. Mỗi nạn nhân vào Ngôi nhà bình yên sẽ được tạm trú trong thời gian 18 tháng. Sau khi được kiểm tra và chăm sóc sức khỏe toàn diện, được hỗ trợ tâm lý, tư vấn pháp lý, người tạm trú sẽ được tư vấn hướng nghiệp và chọn học một nghề phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện thực tế của gia đình, có thể là tin học, cắt may, trang điểm, nhà hàng - khách sạn…

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc dự án, cho biết: “Không chỉ được hỗ trợ trong thời gian ở tại Ngôi nhà bình yên, sau khi hồi gia, chị em còn được hỗ trợ trang thiết bị phù hợp với nghề để tạo lập cuộc sống. Hàng tháng, nhân viên xã hội tại Ngôi nhà bình yên còn tiếp tục liên hệ để nắm tình hình sức khỏe, việc làm, đời sống gia đình và có hướng dẫn kịp thời”. Kết quả là hầu hết những người rời khỏi Ngôi nhà bình yên đều đã ổn định đời sống.

Chị L.T.D. (TP Lào Cai) là một nạn nhân của nạn buôn người qua biên giới có cảnh đời hết sức éo le. Khi được đưa về Ngôi nhà bình yên, chị còn chưa biết nói, biết viết. Sau hơn 1 năm sống tại đây, chị đã biết nói và viết tiếng Việt. Chị chia sẻ: “Tôi được học nghề may và khi về nhà tôi được hỗ trợ một máy khâu, một bàn ủi để làm nghề tại nhà. Hiện tôi đã có thu nhập mỗi tháng 700.000 - 800.000 đồng. Sắp tới, tôi sẽ tự mua thêm một chiếc máy vắt sổ, tôi mong công việc sẽ ngày một khá để thu nhập cao hơn”.

Chị L.T.S. (Thanh Hóa) cũng tâm sự: “Được ở Ngôi nhà bình yên tôi cảm thấy mình như được hồi sinh lại. Tôi đã được trang bị những kỹ năng sống để có thể tự tin hòa nhập cộng đồng và không dễ dàng bị lường gạt như trước. Với sự trợ giúp của dự án là một chiếc máy ép mía, một tủ lạnh, từ nay tôi đã có thể tự sống được bằng nghề của mình”…

Trên thực tế, 108 nạn nhân được sự hỗ trợ của Ngôi nhà bình yên là quá ít ỏi so với con số hàng chục ngàn phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt, buôn bán ra nước ngoài mỗi năm. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, các tổ chức trong nước và quốc tế, số lượng nạn nhân được trở về cũng ngày càng tăng lên. Mục tiêu của năm 2011 là làm thế nào để Ngôi nhà bình yên có thể mở rộng hơn nữa vòng tay với những số phận phụ nữ không may mắn. Để làm được điều đó, dự án sẽ tiếp tục công tác truyền thông nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về nạn buôn người và trách nhiệm hỗ trợ nạn nhân sau khi trở về.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ sau khi rời khỏi Ngôi nhà bình yên là rất quan trọng vì vậy, Ngôi nhà bình yên sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với hội phụ nữ các cấp, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người trở về tiếp cận với các nguồn vốn vay, được giới thiệu công ăn việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống. Đặc biệt, trong năm 2011, dự án sẽ mở một phòng tham vấn và cung cấp thông tin về các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn. 

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục