Phản hồi từ loạt bài “Mặt trái đạo đức công vụ”: Nên thí điểm cải cách tiền lương

Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Mặt trái đạo đức công vụ” phản ánh thực trạng đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ công chức (CBCC) ở cơ sở, Báo SGGP đã nhận được một số ý kiến phản hồi của bạn đọc, chuyên gia.
Phản hồi từ loạt bài “Mặt trái đạo đức công vụ”: Nên thí điểm cải cách tiền lương

Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Mặt trái đạo đức công vụ” phản ánh thực trạng đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ công chức (CBCC) ở cơ sở, Báo SGGP đã nhận được một số ý kiến phản hồi của bạn đọc, chuyên gia.

Người dân đang nghe cán bộ UBND quận 10 hướng dẫn làm giấy tờ. Ảnh: Thanh Tâm

Người dân đang nghe cán bộ UBND quận 10 hướng dẫn làm giấy tờ. Ảnh: Thanh Tâm

  • Phải chấn chỉnh kịp thời

Bạn đọc ở địa chỉ mail khuongduy.hoang94@gmail.com bày tỏ: “Loạt bài “Mặt trái đạo đức công vụ” đã cảnh tỉnh về trách nhiệm của người làm công tác quản lý cán bộ. Nếu người quản lý cán bộ cứ cho rằng vì lương thấp mà châm chước bỏ qua là thiếu trách nhiệm với nhân dân. Theo tôi, không nên tiếc những cán bộ có chuyên môn giỏi nhưng tham nhũng, suy đồi đạo đức, thiếu đạo đức trong thực thi công vụ bởi còn rất nhiều cán bộ giỏi nhưng chưa được giao đúng trọng trách”.

Độc giả Bình (binhphamdlk@hcm.ftp.vn) cho rằng: “Nếu cán bộ vi phạm chỉ bị khiển trách và chuyển công tác là chưa thỏa đáng. Tôi mong các cấp chính quyền nên buộc thôi việc những người vi phạm để cơ quan hành chính thực sự là của dân”.

“Tôi thấy báo phản ánh đúng thực trạng khi hiện có không ít CBCC quan liêu, hách dịch, đi trễ về sớm. Muốn nhanh, ít bị hành, phải nhờ “cò”. Đây là căn bệnh tồn tại từ rất lâu. Cần mạnh tay hơn nữa với CBCC sai phạm”, bạn đọc Đoan Trang (maimaiyeuanh640119@yahoo.com.vn) bày tỏ. Bạn đọc Thanh Loan (hay14021989@yahoo.com.vn) cho rằng: Cách ứng xử của CBCC từ lâu đã được nói đến rất nhiều. Khi đi làm hồ sơ giấy tờ, tôi mới thấy có nhiều điều chướng tai gai mắt. Đang làm việc, có điện thoại là cán bộ nói chuyện suốt, dừng luôn công việc đang làm, chẳng đếm xỉa gì tới khách… Cơ quan chức năng phải có biện pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng này.

  • Thí điểm cải cách tiền lương

Tiến sĩ Lê Văn In, chuyên gia hành chính cho rằng: “Người dân đa phần không kêu ca thủ tục phiền hà mà kêu ca chính CBCC, kêu ca về thái độ của họ khi thi hành công vụ. Việc gây khó khăn, phiền hà cho dân có nhiều nguyên nhân, không phải chỉ do CBCC ý thức kém. Một trong những nguyên nhân cơ bản nhất có thể nói là tiền lương tạo ra sức ép với cuộc sống. Đành rằng, không phải ai có hoàn cảnh khó khăn cũng tìm mọi cách vòi vĩnh, gây khó dễ cho dân để nhũng nhiễu, nhưng rõ ràng, nếu đồng lương chưa đáp ứng cuộc sống, họ sẽ xoay xở để sống được”.

Mục tiêu tổng quát CCHC 10 năm tới là đến năm 2020, tiền lương của CBCC được cải cách cơ bản, bảo đảm được cuộc sống CBCC và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội. Theo TS Lê Văn In, để thực hiện mục tiêu này, nên thí điểm có chính sách đặc biệt cải cách tiền lương cho một số nhóm CBCC đặc thù, có liên quan nhiều đến dân như y tế, giáo dục, nhà đất…

Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Mặt trái đạo đức công vụ”, Chủ tịch UBND quận 6 Trần Thị Thu Vân đã có công văn phản hồi, trong đó chỉ đạo thủ trưởng các phòng, ban, ngành thuộc quận và Chủ tịch UBND 14 phường thực hiện nghiêm nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; tăng cường quản lý, giáo dục CBCC đơn vị thực hiện đầy đủ quy tắc ứng xử theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ, có thái độ tận tình, hòa nhã, văn minh khi ứng xử giao tiếp với người dân...

H.HIỆP - H.NHUNG

Tin cùng chuyên mục