Cam go cuộc chiến chống ma túy - Bài 3: Khoảng trống

Hiện nay, “cuộc chiến” cai nghiện đang vấp phải rất nhiều thách thức mới. Các địa phương lo ngại, nếu những khó khăn ấy không được xử lý kịp thời sẽ tạo ra khoảng trống trong công tác cai nghiện ma túy. Khoảng trống ấy vô hình trung lại tạo thêm áp lực trong việc giữ gìn an ninh trật tự cho TPHCM.
Cam go cuộc chiến chống ma túy - Bài 3: Khoảng trống

Hiện nay, “cuộc chiến” cai nghiện đang vấp phải rất nhiều thách thức mới. Các địa phương lo ngại, nếu những khó khăn ấy không được xử lý kịp thời sẽ tạo ra khoảng trống trong công tác cai nghiện ma túy. Khoảng trống ấy vô hình trung lại tạo thêm áp lực trong việc giữ gìn an ninh trật tự cho TPHCM.

        Chưa ai tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện

Trong khi cai nghiện ma túy tập trung được duy trì hạn chế (9.000 người), TP bắt đầu đẩy mạnh cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho người nghiện có cơ hội cai nghiện mà vẫn không bị gián đoạn học tập, làm việc và không bị cách ly với môi trường xã hội.

Đây không phải là lần đầu tiên TP tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, mà trong giai đoạn 1998-2000, TP đã triển khai, song kết quả có tới 99,9% tái nghiện. Rút kinh nghiệm từ thất bại trước đây, từ năm 2011, TP một lần nữa bước vào cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Tuy nhiên, đến nay, mới có 69 lượt bệnh nhân chữa trị tại Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy TPHCM, 43 người tham gia tại các quận, huyện. Các trường hợp đó đều do gia đình bắt ép đưa đến chứ chưa có người nghiện ma túy nào tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện với UBND phường, xã để được giúp đỡ, tổ chức cai nghiện ma túy mà không bị cách ly với môi trường xã hội theo đúng như tinh thần Nghị định 94/2010 (NĐ 94).

Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại Trung tâm Cai nghiện ma túy Thanh Đa chơi thể thao.

Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại Trung tâm Cai nghiện ma túy Thanh Đa chơi thể thao.

Về việc đến giờ phút này, chưa có ai đăng ký cai nghiện, ông Lê Trọng Sang, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, trăn trở, theo NĐ 94, người nghiện ma túy phải tự giác khai báo và tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, khi người nghiện không khai báo và không đăng ký hình thức cai nghiện thì lại… không có chế tài để ràng buộc họ.

Ngoài tình trạng người nghiện ma túy né tránh, việc triển khai cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đến nay chưa hiệu quả do các trạm y tế xã, phường chưa đủ điều kiện về con người và cơ sở vật chất để cắt cơn, giải độc; chi phí cắt cơn, giải độc còn cao nên nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn không chi trả được; đến nay vẫn chưa có phác đồ điều trị nghiện ma túy tổng hợp… Theo Thượng tá Lý Văn Ngộ, Phó Trưởng Công an quận 10, việc triển khai cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa đạt hiệu quả cơ bản nhất là do cơ sở vật chất chuẩn bị chưa sẵn sàng.

Đến nay, không có trạm y tế nào đủ điều kiện để chữa bệnh, bác sĩ cũng không phải ai cũng đủ chuẩn tư vấn, chữa bệnh cho người nghiện. Kinh nghiệm từ điều trị methadone cho thấy, TP có 6 điểm tại các quận huyện đã thu hút khoảng 1.400 người đến điều trị. Vì thế, với công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, nếu địa phương có cơ sở vật chất và con người, người nghiện đến được tư vấn, được cắt cơn, cấp thuốc… đủ đầy thì người dân sẽ tin tưởng vào việc chữa bệnh.

        Ngổn ngang trăm mối

Sở LĐTB-XH có văn bản trình UBND TP đề nghị Trung ương cho TP giữ nguyên quy trình đưa người đi cơ sở chữa bệnh một thời gian để chuẩn bị thực hiện theo quy định mới.

Công tác đấu tranh với tệ nạn ma túy đang bước vào giai đoạn rất khó khăn khi chỉ 10 ngày nữa (từ ngày 1-1-2014), theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ do tòa án quyết định, thay vì chủ tịch UBND quận, huyện quyết định như hiện nay. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hệ thống hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện.

Như thế, trong suốt thời gian từ khi phát hiện người sử dụng ma túy - hoàn chỉnh hồ sơ đến khi tòa án ra quyết định - thi hành quyết định đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh thì việc chăm sóc, trông coi người nghiện ma túy sẽ thế nào?

Cũng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc đưa vào cơ sở chữa bệnh chỉ áp dụng điều trị cho người từ 18 tuổi trở lên. Còn người từ 12 - 18 tuổi không được quy định. Trong khi đó, theo Luật Phòng chống ma túy (năm 2000), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy (năm 2008) thì có. Vậy, nên hiểu sự vênh nhau như thế nào? Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không đề cập việc thực hiện quản lý sau cai. Hiện, số người sau cai nghiện đang chăm sóc tại các cơ sở chữa bệnh là gần 430 người sẽ được quản lý trên cơ sở nào?

Trong khi các trạm y tế địa phương chưa đảm bảo được việc cắt cơn, giải độc, để tiết kiệm và khả thi, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Trần Trung Dũng yêu cầu các quận huyện tích cực hợp tác với Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy TPHCM và các trung tâm cai nghiện tự nguyện khác để nhờ cắt cơn, giải độc giùm. Sau khi cắt cơn, giải độc, bệnh nhân tiếp tục trở về gia đình và cộng đồng để cai nghiện tiếp.

Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Trung tâm Tư vấn cai nghiện ma túy TPHCM (thuộc Sở LĐTB-XH TP) cho biết, trung tâm đang xây dựng kế hoạch phối hợp với địa phương để hỗ trợ cắt cơn tại gia đình và cộng đồng. Trong vòng 20km trở lại, cán bộ trung tâm sẽ xuống trực tiếp gia đình, cộng đồng để cắt cơn, giải độc; ưu tiên chăm sóc người nghiện là học sinh, sinh viên, người nghiện mới…

Theo Công an TPHCM, với nhiều ngổn ngang trong công tác cai nghiện tập trung, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, nhiều khả năng sẽ có một khoảng trống trong công tác cai nghiện ma túy. Và một khi không giải quyết được nguồn phát sinh thì nguy cơ tội phạm sẽ gia tăng cao.

ĐƯỜNG LOAN - HỒNG HIỆP

>> Bài 2: Ranh giới mong manh

>> Bài 1: “Phê” công khai

Tin cùng chuyên mục