Không nên giới hạn tuổi thi hành Nghĩa vụ quân sự

Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi, bổ sung năm 2005 quy định: “Công dân nam đủ mười tám tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ mười tám tuổi đến hết hai mươi lăm tuổi”.

Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi, bổ sung năm 2005 quy định: “Công dân nam đủ mười tám tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ mười tám tuổi đến hết hai mươi lăm tuổi”.

Với độ tuổi luật quy định như trên, theo chúng tôi là chưa thật sự công bằng, chưa tạo ra tính tự giác, chủ động trong thực hiện nghĩa vụ nhập ngũ đối với nam công dân. Vì đã là nam công dân thì đều phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nhập ngũ. Nếu chỉ giới hạn đến hết tuổi 25 thì với một người cố ý trốn tránh nghĩa vụ nhập ngũ họ chỉ cần tạo ra lý do là đăng ký một khóa học nào đó để được hoãn gọi nhập ngũ như quy định tại điểm e khoản 1 Điều 29: “…e/ đang học tập ở các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học do Chính phủ quy định”.

Và chỉ cần làm thế để trì hoãn cho đến đủ 25 tuổi là không phải gọi nhập ngũ nữa và được chuyển sang ngạch dự bị. Còn ngạch dự bị quy định tại Điều 37 Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi, bổ sung năm 2005: “…Quân nhân dự bị hạng hai gồm… công dân nam chưa phục vụ tại ngũ từ hai mươi sáu tuổi trở lên được chuyển sang ngạch dự bị”. Tuy ngạch dự bị cũng huấn luyện và rèn luyện nhưng thời gian ngắn và thường lại huấn luyện tại địa phương, chưa hội đủ các yếu tố về môi trường, thời gian, không gian nên chưa “rèn” được những con người có đủ bản lĩnh, ý thức kỷ luật, kỹ năng cần thiết của một quân nhân để phục vụ trong môi trường đặc biệt của quân đội.

Vì vậy, Luật Nghĩa vụ quân sự cần sửa đổi, bổ sung theo hướng không giới hạn về tuổi, miễn là nam công dân sau khi không học tập nữa, trước khi đi làm tại các cơ quan, đơn vị phải nhập ngũ, trong hồ sơ xin việc phải có giấy xuất ngũ thì các cơ quan, đơn vị mới tiếp nhận vào làm việc. Có quy định như vậy, việc nhập ngũ đối với nam công dân sẽ trở nên tự giác, chủ động, công bằng và giảm được chi phí ngân sách quốc phòng cũng như các thủ tục hành chính quân sự trong việc gọi nhập ngũ cho các cơ quan quân sự địa phương. Quan trọng hơn là bảo đảm thực hiện việc xây dựng một tiềm năng quốc phòng đủ mạnh để đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay của nước ta. 

PHẠM NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục