Xây dựng chính quyền điện tử cho TPHCM: Tạo cú hích từ 300 tỷ đồng

Năm 2013, TPHCM dành 300 tỷ đồng, tăng 3 lần so với kế hoạch kinh phí hàng năm, đầu tư thực hiện Chính quyền điện tử. Quyết định này được xem là cú hích để tạo sức bật mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các sở, ngành, quận huyện của TP. Làm sao để nguồn kinh phí này được hấp thu hiệu quả như mong đợi? Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, cho biết:
Xây dựng chính quyền điện tử cho TPHCM: Tạo cú hích từ 300 tỷ đồng

Năm 2013, TPHCM dành 300 tỷ đồng, tăng 3 lần so với kế hoạch kinh phí hàng năm, đầu tư thực hiện Chính quyền điện tử. Quyết định này được xem là cú hích để tạo sức bật mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các sở, ngành, quận huyện của TP. Làm sao để nguồn kinh phí này được hấp thu hiệu quả như mong đợi? Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, cho biết:

Trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2012, chính quyền điện tử đã thực hiện được 1.012 dự án, hạng mục CNTT với tổng kinh phí đầu tư 665 tỷ đồng. Nghĩa là, trung bình mỗi năm TP đầu tư 83 tỷ đồng để xây dựng chính quyền điện tử. Chúng ta đã xây dựng và trang bị cho 64 sở ban ngành, quận huyện về hạ tầng CNTT, gồm trang thiết bị phần cứng, phần mềm ứng dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Trong đó, nếu như phần chìm là các ứng dụng tại các sở ngành, quận huyện thì phần nổi chính là “một cửa điện tử”. Về cơ sở dữ liệu dùng chung, đã xây dựng hộp thư cho 10.984 cán bộ; có trang thông tin điện tử gồm 80 trang thành viên cung cấp thông tin cho người dân.

TP đã đạt được 2 danh hiệu: “Cơ quan nhà nước địa phương ứng dụng CNTT hiệu quả nhất” cấp TP và “Cơ quan nhà nước cấp quận -huyện ứng dụng CNTT hiệu quả nhất”. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho chương trình vẫn chưa tương xứng nên việc đầu tư chưa được đồng bộ. Chưa kể, tại nhiều cơ quan, đơn vị máy móc đã cũ kỹ, lạc hậu đến kỳ hạn phải thay thế. Do vậy, việc TP ưu tiên bố trí 300 tỷ đồng từ ngân sách cho ứng dụng CNTT năm 2013 là “cơ hội vàng”, sẽ tạo bước tiến mới trong việc xây dựng chính quyền điện tử.

Sử dụng Hệ thống phần mềm lõi tại Sở Xây dựng đã giúp giải quyết hồ sơ người dân nhanh hơn. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Sử dụng Hệ thống phần mềm lõi tại Sở Xây dựng đã giúp giải quyết hồ sơ người dân nhanh hơn. Ảnh: Phạm Kim Ngân

* Phóng viên: Nhưng làm thế nào để nguồn vốn này được hấp thu đạt hiệu quả như mong đợi, thưa ông?

* Ông NGUYỄN ANH TUẤN: Với nguồn kinh phí này, Sở Thông tin -Truyền thông (TT-TT) đã có kế hoạch tái đầu tư trang bị máy móc tại các sở ngành, quận huyện thay thế thiết bị hiện đã lạc hậu, theo mô hình hạ tầng dùng chung cho toàn TP. Cố gắng phủ hết các phần mềm ứng dụng để tăng các dịch vụ công ở cấp độ 3, 4 tại các sở ngành, quận huyện nhằm phục vụ thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp; công khai tình trạng xử lý hồ sơ trên tất cả lĩnh vực; sử dụng thư điện tử đạt 100%... Đặc biệt, sở cũng sẽ quan tâm đầu tư cho công tác an ninh mạng. Việc đầu tư phần cứng, phần mềm, an ninh mạng sẽ được đầu tư đồng bộ, thay vì mỗi thứ làm một ít như trước đây, khi không đủ kinh phí.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là năng lực quản lý đang từ 100 tỷ đồng giờ lên 300 tỷ đồng, việc hấp thu nguồn kinh phí này sao cho hiệu quả cũng là bài toán khó, khi các phòng ban vẫn chừng đó con người. Không cách nào khác là phải tăng năng suất gấp 3 lần. Chúng tôi đã có kế hoạch huy động doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ cùng tham gia thực hiện công tác triển khai các hạng mục, dự án CNTT tại các đơn vị. Thay vì trước đây công tác này chỉ giao cho những doanh nghiệp CNTT lớn nhằm giảm rủi ro. Cách thức mới sẽ huy động tổng lực, giúp cho công tác triển khai ứng dụng CNTT được đẩy nhanh tiến độ. Cùng đó, chúng tôi kiến nghị TP có những cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác ứng dụng CNTT, triển khai nhanh nguồn kinh phí.

Người dân tra cứu thông tin hành chính trên cổng thông tin điện tử tại UBND quận Tân Bình Ảnh: Thanh Tâm

Người dân tra cứu thông tin hành chính trên cổng thông tin điện tử tại UBND quận Tân Bình Ảnh: Thanh Tâm

* Thực tế lãnh đạo tại nhiều cơ quan, đơn vị vẫn chưa thấy được tầm quan trọng của CNTT nên đây sẽ là rào cản lớn cho mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy CNTT phát triển đồng bộ. Vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

* Theo kế hoạch, giữa tháng tư này TP sẽ tổ chức hội nghị đánh giá lại hoạt động ứng dụng CNTT tại các sở ngành, quận huyện. Một trong những nội dung quan trọng trong hội nghị này là, dưới sự chứng kiến của Thường trực UBND TP, lãnh đạo các sở ngành, quận huyện sẽ ký cam kết với lãnh đạo Sở TT-TT về các đầu việc ứng dụng CNTT sẽ thực hiện trong năm. Kết quả thực hiện sẽ là cơ sở chấm điểm thi đua tại các đơn vị.

* Vấn đề nguồn nhân lực kèm theo đó là chức danh, chế độ đãi ngộ, đối với người làm trong lĩnh vực CNTT tại các sở ngành, quận huyện đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết. Ở góc độ cơ quan chuyên ngành, sở sẽ có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

* Về vấn đề chức danh cho người làm trong lĩnh vực CNTT tại các quận huyện, sở ngành, chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị Bộ TT-TT làm việc với Bộ Nội vụ để xem xét, chuẩn hóa chức danh nhưng vẫn chưa thấy được giải quyết. Về chế độ trợ cấp cho người làm trong lĩnh vực này tại các cơ quan nhà nước, chúng tôi sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. 

VÂN ANH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục