Ấp… đèn dầu

Nhiều năm nay, An Giang là một trong những địa phương đi đầu ở ĐBSCL về phát triển tam nông; trong đó đưa điện về nông thôn phục vụ sinh hoạt và sản xuất được đầu tư khá mạnh. Thế nhưng, ngay tại thành phố Long Xuyên đến thời điểm này vẫn còn 328 hộ, với hơn 1.800 nhân khẩu ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng sống trong ánh đèn dầu âm u.
Ấp… đèn dầu

Nhiều năm nay, An Giang là một trong những địa phương đi đầu ở ĐBSCL về phát triển tam nông; trong đó đưa điện về nông thôn phục vụ sinh hoạt và sản xuất được đầu tư khá mạnh. Thế nhưng, ngay tại thành phố Long Xuyên đến thời điểm này vẫn còn 328 hộ, với hơn 1.800 nhân khẩu ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng sống trong ánh đèn dầu âm u.

Ông Nguyễn Văn Bộ, ấp Mỹ Thạnh đốt đèn dầu xem báo.

Ông Nguyễn Văn Bộ, ấp Mỹ Thạnh đốt đèn dầu xem báo.

Thiếu thốn đến... khó tin

Cuối tuần rồi, dù là chủ nhật nhưng hàng trăm hộ dân ở cồn Phó Ba, thuộc ấp Mỹ Thạnh vẫn chờ phóng viên Báo SGGP đến tìm hiểu thực tế những chuyện thật khó tin tồn tại nhiều năm khiến người dân bức xúc.

Chiếc đò máy tách bến phà Ô Môi, rời trung tâm thành phố Long Xuyên chỉ hơn 10 phút đã tới cồn Phó Ba. Ông Nguyễn Văn Bộ, 81 tuổi, người gầy yếu nhưng vẫn tình nguyện dẫn đường đưa chúng tôi đi một vòng ấp Mỹ Thạnh. Ông Bộ cho biết, hồi đời ông nội ông đã sống ở cồn Phó Ba, đến đời cha mẹ ông cũng ở đây; rồi tới đời ông, cùng các con và cháu… cũng bám mảnh đất cồn sinh sống. Từng giai đoạn có khác nhau, song một điều không thay đổi từ đó đến nay là toàn bộ ấp Mỹ Thạnh không hề biết đến ánh điện. “Mà có phải ở vùng sâu, vùng xa đâu, ấp Mỹ Thạnh chỉ cách trung tâm thành phố Long Xuyên và nhiều sở ngành của tỉnh An Giang chỉ một con sông khoảng 500m, cách cù lao Mỹ Hòa Hưng 200m… Thế nhưng hàng trăm năm nay vẫn không có điện, không nước sạch, không đường giao thông, không được vay ngân hàng… và rất nhiều cái không khác. Sự thiếu thốn không thể ngờ được trong thời buổi tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa” - ông Bộ chua chát kể.

Cùng nỗi ray rứt trên, ông Trần Văn Ton, 72 tuổi thở dài: “Nhiều nơi ở miền núi hẻo lánh hay các đảo xa giữa biển, nhưng vẫn được nhà nước quan tâm đầu tư điện thắp sáng, nước sạch, trạm y tế… còn ấp Mỹ Thạnh là 1 trong 9 ấp của xã Mỹ Hòa Hưng, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng và nằm kề bên thành phố Long Xuyên, nhưng lại sống trong một thế giới gần như biệt lập, đèn dầu âm u…”. Do không điện và không được đầu tư về cơ sở hạ tầng khiến cuộc sống của hàng trăm hộ nơi đây gặp nhiều khó khăn. Người dân muốn sản xuất hay làm dịch vụ cũng không được vì cả ấp tối om. Tội nghiệp nhất là chuyện học hành của bọn trẻ chịu thiệt thòi. Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hoàng, Trường Mẫu giáo Hoàng Yến tâm sự: “Cả ấp Mỹ Thạnh chỉ có 1 lớp mẫu giáo duy nhất với 24 em. Trường có trang bị 2 quạt bàn nhưng không có điện nên đành chịu. Hàng ngày từ giữa trưa tới chiều do nắng nóng nên các em đổ mồ hôi ướt cả áo, mặt mày bơ phờ thấy tội lắm; còn chiều nào trời mưa phải nghỉ sớm vì không thấy đường để dạy”.

Chờ đến... bao giờ!

Chị Lê Thị Mộng Tuyền, Phó ban nhân dân ấp Mỹ Thạnh, cho biết, toàn ấp có 15 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo. Đa số người dân làm nghề đưa đò, buôn bán nhỏ, chài lưới… cuộc sống còn nhiều khó khăn. Mỹ Thạnh cũng là ấp nghèo nhất ở xã Mỹ Hòa Hưng và chịu nhiều thiệt thòi nhất. Ông Sáu Tuấn, một trong những hộ sống lâu năm ở ấp Mỹ Thạnh bức xúc: “Những nơi khác được đầu tư nhiều mặt, còn ở cồn Phó Ba không được gì. Ngay cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không được cấp, do đó chẳng hộ nào tiếp cận được ngân hàng. Xứ này ai cũng thiếu vốn, nên chạy đi vay bên ngoài lãi suất cao, khiến cuộc sống đã khó càng khó thêm”.

Đã rất nhiều lần người dân Mỹ Thạnh kiến nghị các cấp thẩm quyền ở thành phố Long Xuyên và tỉnh An Giang xem xét kéo điện thắp sáng, đầu tư cơ sở hạ tầng… giúp dân phát triển kinh tế và được hưởng cuộc sống như những nơi khác. Song mọi kiến nghị vẫn không được cơ quan nào giải quyết. “Thời buổi hiện đại nhưng dân Mỹ Thạnh đêm đêm đốt đèn dầu, sử dụng bình ắc quy xem ti vi trắng đen, xuống sông múc nước ô nhiễm lên dùng… sống ở thành phố mà tệ hơn bất cứ nơi nào?” - ông Sáu Tuấn cay đắng.

Đem những bức xúc của hàng trăm hộ dân ấp Mỹ Thạnh, chúng tôi tìm đến các ngành chức năng. Ông Võ Thành Duyên, Giám đốc Công ty Điện lực An Giang, nhìn nhận: “Đến thời điểm này, 100% xã phường ở tỉnh có điện thắp sáng, sinh hoạt, sản xuất; tỷ lệ hộ sử dụng điện ở An Giang đạt  98%. Tuy nhiên, riêng 328 hộ ở ấp Mỹ Thạnh dù thuộc thành phố Long Xuyên nhưng vẫn chưa có điện. Nguyên nhân, do bà con sống ở khu vực cồn, nếu kéo điện vượt sông tốn kém khoảng 15 - 20 tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn của công ty mỗi năm chỉ được 20 tỷ đồng đầu tư cho toàn tỉnh, vì vậy không thể giải quyết điện sinh hoạt cho dân Mỹ Thạnh”. UBND tỉnh An Giang cho biết đã nhiều lần tìm giải pháp cung cấp điện cho dân ấp Mỹ Thạnh. Tuy nhiên, chi phí kéo điện quá cao, ngành điện tính toán không lời nên chưa thực hiện được. Việc xây nhà máy nước sạch cũng vậy, do số hộ ít, trong khi chi phí đầu tư cao nên các công ty dè dặt xây nhà máy nước?

Không điện, không nước sạch, không đường giao thông… và hàng loạt cái không khác, đến bao giờ cư dân ấp Mỹ Thạnh mới xây dựng được nông thôn mới?

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục