Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Hãy tìm ra những người như Nick ở Việt Nam

Sự kiện Nick Vujicic, chàng trai không tay không chân nổi tiếng khắp thế giới đến Việt Nam và có những buổi diễn thuyết thu hút hàng triệu khán giả đang tạo ra những luồng ý kiến trái chiều. Phóng viên Báo SGGP vừa có cuộc trao đổi về vấn đề này với ông Đào Trọng Thi (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.* Phóng viên:
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Hãy tìm ra những người như Nick ở Việt Nam

Sự kiện Nick Vujicic, chàng trai không tay không chân nổi tiếng khắp thế giới đến Việt Nam và có những buổi diễn thuyết thu hút hàng triệu khán giả đang tạo ra những luồng ý kiến trái chiều. Phóng viên Báo SGGP vừa có cuộc trao đổi về vấn đề này với ông Đào Trọng Thi (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

* Phóng viên:
Thưa ông, theo dõi phản ứng của giới trẻ trước sự kiện này, ông có bình luận gì?

* Ông ĐÀO TRỌNG THI: Nick là một nhân cách lớn và việc giới trẻ hâm mộ nồng nhiệt người có nghị lực, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để đạt được những mục tiêu trong cuộc đời của mình không có gì lạ, thậm chí là rất tốt. Phải nói thật, chúng ta cũng muốn phát động một phong trào rèn luyện ý chí vươn lên như thế trong giới trẻ nhưng còn gặp nhiều khó khăn, do đó tôi cho đây là một cơ hội tốt.

* Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, chi phí cho chuyến đi của Nick là lớn đến mức bất hợp lý… Rồi có người thấy phản cảm về cách thức đón tiếp rầm rộ, cách thức di chuyển sử dụng đoàn xe còi hụ dẹp đường… của Nick. Một nhà báo tên tuổi còn gọi đây là việc “những tật nguyền và thua thiệt được trình diễn một cách xa hoa và hoành tráng”. Quan điểm của ông thì sao?

* Tôi được biết toàn bộ chi phí là do doanh nghiệp tài trợ bỏ ra, họ tình nguyện làm và đạt được mục đích tốt như đã nói thì việc sử dụng kinh phí như thế nào họ tự cân nhắc, chúng ta không có gì phải băn khoăn. Riêng về cách thức đón tiếp cũng như tổ chức sự kiện, nếu đúng như phản ánh thì cần rút kinh nghiệm và làm sao để mang tính chất quần chúng hơn. Trọng thị không đồng nghĩa với xa hoa, hình thức. Làm sao để Nick tiếp xúc với công chúng một cách thân tình hơn, để ý chí và nghị lực phi thường của anh ấy tỏa ra, lan truyền sang cộng đồng. Nhưng nói rằng số tiền ấy nên dùng vào việc khác tôi cũng thấy không ổn. So sánh như thế là khập khiễng. Sòng phẳng mà nói, chúng ta không chăm lo gì cho anh ta cả. Có người nói Việt Nam cũng còn nhiều người khuyết tật; thế thì chính tấm gương này sẽ giúp cho những người khuyết tật Việt Nam có cùng hoàn cảnh với anh ta sẽ có thêm nghị lực sống.

So sánh rồi nói rằng “xót xa cho những người Việt cũng bị khuyết tật, cũng có thành tích nhất định, nhưng chưa được xã hội quan tâm như thế”, tôi cho là không thỏa đáng. Việt Nam cũng đã có những chính sách nhất định để chăm lo cho những người khuyết tật, tất nhiên là trong phạm vi khả năng của chúng ta. Cũng không phải không có những người đã được tôn vinh. Dù nếu thật sòng phẳng thì những người khuyết tật ở ta tuy cũng đã có những thành tích nhất định nhưng ở mức độ như anh ta, làm được nhiều việc như anh ta có lẽ cũng chưa có. Nhân dịp này, tôi mong báo chí và toàn xã hội hãy tìm ra, tôn vinh họ để xã hội cùng chung sức hỗ trợ họ thành đạt được như thế, đem lại nguồn động viên, khích lệ cho những người khuyết tật khác!

* Trong cuộc giao lưu được tổ chức với Nick, một bạn gái khuyết tật Việt Nam nói rằng, khuyết tật trên cơ thể là một thiệt thòi dễ nhìn thấy, nhưng còn rất nhiều dạng thiệt thòi khác, “khuyết tật” khác ở bên trong, khó thấy hơn, cũng rất cần được quan tâm?

* Đúng vậy. Không chỉ người khuyết tật cơ thể mới khó khăn, còn rất nhiều đối tượng khác có khó khăn về vật chất, tinh thần cũng cần có lòng can đảm và quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Tôi nghĩ qua việc đón tiếp người thanh niên nổi tiếng này, người đã nỗ lực để hòa nhập và sống có ích, mọi người, đặc biệt là những thanh thiếu niên Việt Nam, có thể nhìn vào anh ấy để xây dựng, vun đắp thêm nghị lực sống cho mình. Qua đây toàn xã hội cũng có dịp thấy rõ hơn trách nhiệm chăm lo cho người khuyết tật. Nick có lẽ đã không thành công được như thế nếu những người thân không kiên trì ở bên cạnh anh, yêu thương anh; xã hội không tạo điều kiện hỗ trợ anh vượt lên trên số phận!

Sáng 24-5, tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Nick Vujicic đã có cuộc giao lưu với cộng đồng doanh nhân khu vực phía Bắc. Khoảng 3.500 người đã tham dự, lắng nghe, trao đổi với anh trong sự cởi mở, thân thiện và ngưỡng mộ.

Với thông điệp Không bao giờ bỏ cuộc, trong suốt 2 tiếng đồng hồ, Nick Vujicic đã chia sẻ về kinh nghiệm trở thành doanh nhân thành đạt của anh và về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Tại buổi giao lưu, Nick cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của các doanh nhân xoay quanh vấn đề quản lý, kinh doanh và vực dậy trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.

ANH THƯ thực hiện

- Thông tin liên quan:

>> Câu chuyện về “Nick Vujicic Việt Nam”

>> Nick Vujicic diễn thuyết tại Hà Nội

>> Nick Vujicic đã đến Việt Nam - Niềm tin gặp niềm tin

Tin cùng chuyên mục