Hàng triệu người được miễn thuế thu nhập cá nhân

Ngày 1-7 tới, Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ chính thức có hiệu lực. Hiện, các bước thực hiện đã cơ bản hoàn thành khi Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định trình Chính phủ và chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn thi hành. Với việc áp dụng luật này, dự kiến số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm khoảng 5.200 tỷ đồng và số người nộp thuế TNCN từ khoảng 3,87 triệu người sẽ chỉ còn khoảng 1 triệu người.
Hàng triệu người được miễn thuế thu nhập cá nhân

Ngày 1-7 tới, Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ chính thức có hiệu lực. Hiện, các bước thực hiện đã cơ bản hoàn thành khi Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định trình Chính phủ và chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn thi hành. Với việc áp dụng luật này, dự kiến số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm khoảng 5.200 tỷ đồng và số người nộp thuế TNCN từ khoảng 3,87 triệu người sẽ chỉ còn khoảng 1 triệu người.

Cán bộ Cục Thuế TPHCM giải đáp thắc mắc của người dân, doanh nghiệp về thuế. Ảnh: KIM NGÂN

Cán bộ Cục Thuế TPHCM giải đáp thắc mắc của người dân, doanh nghiệp về thuế. Ảnh: KIM NGÂN

Hàng loạt khoản thu không phải nộp thuế

Điểm đáng chú ý nhất đối với người nộp thuế là mức giảm trừ gia cảnh đã tăng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa, người có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng (độc thân), dưới 12,6 triệu đồng (có một người phụ thuộc) và dưới 16,2 triệu đồng (có hai người phụ thuộc) sẽ không phải nộp thuế… Ngoài ra, theo dự thảo nghị định, các khoản phụ cấp sẽ không được tính vào thu nhập chịu thuế sẽ bao gồm: trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông...

Các khoản thu nhập được miễn thuế sẽ bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu... Bên cạnh đó, việc miễn thuế cũng sẽ được thực hiện với các khoản thu nhập từ chuyển nhượng nhà, đất và tài sản gắn liền trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam; từ lãi tiền gửi tại ngân hàng, lãi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; từ kiều hối...

Ngoài ra, theo dự thảo thông tư do Bộ Tài chính dự kiến ban hành, khoản tiền ăn giữa ca của người lao động cũng sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu đơn vị trả thu nhập trực tiếp tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động. Cùng với đó, thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ sẽ được miễn thuế.

Ngoài ra, điểm mới trong luật lần này là trong trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo trong năm nào thì được xét giảm số thuế phải nộp của năm đó. Trong đó, nếu số thuế phải nộp trong năm tính thuế nhỏ hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm sẽ bằng số thuế phải nộp. Với tổ chức chi trả, điểm đáng chú ý trong các khoản chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế bao gồm: tiền trang phục trả cho người lao động không vượt quá 5 triệu đồng/người/năm; chi phí trả lãi các khoản tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh nhưng tối đa không quá 1,5 lần mức lãi suất cơ bản.

Chưa có mã số thuế không được giảm trừ

Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng hay 108 triệu đồng/năm, là mức tính bình quân, không phân biệt một số tháng trong năm tính thuế người nộp thuế không có thu nhập hoặc thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng. Cũng theo Bộ Tài chính, người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc nếu có mã số thuế tính đến thời điểm quyết toán thuế. Trường hợp cá nhân chưa có mã số thuế thì không được tính giảm trừ cho bản thân trong năm tính thuế. Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ theo thực tế khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế theo quy định và có mã số thuế.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, riêng đối với người phụ thuộc chưa có mã số thuế đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh trước ngày thông tư hướng dẫn có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế. Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế.

Dự thảo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định, thời hạn nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc phải được thực hiện trong vòng 3 tháng kể từ ngày nộp tờ khai đăng ký người phụ thuộc (bao gồm cả trường hợp đăng ký điều chỉnh người phụ thuộc).

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), để triển khai chính sách thuế mới này, ngành đã thực hiện việc hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến pháp luật; rà soát lại các quy trình nghiệp vụ trong tổ chức quản lý thuế để nâng cao chất lượng công tác; cung cấp dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế; hỗ trợ các tổ chức chi trả thu nhập giảm bớt chi phí và thời gian trong quá trình thực thi… Còn theo Tổng cục Thuế, cơ quan này sẽ cấp mã số thuế tự động cho người phụ thuộc kể từ ngày 1-7-2013 dựa trên thông tin đăng ký của người nộp thuế. Dựa trên những mã số thuế này, phía cơ quan thuế sẽ có cơ sở để kiểm tra chéo trên hệ thống thông tin nhằm đảm bảo tính toán các khoản giảm trừ chính xác hơn.

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn, trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu (CP) hoặc nhận CP thưởng, cá nhân chưa phải nộp thuế TNCN. Khi chuyển nhượng số CP này, cá nhân phải nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư vốn và thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

Căn cứ để xác định số thuế TNCN phải nộp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán có được từ nhận cổ tức, CP là giá thực tế tại thời điểm chuyển nhượng và thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán (20% trên thu nhập hoặc 0,1% mỗi lần chuyển nhượng). Đáng chú ý là trường hợp giá thực tế chuyển nhượng CP thấp hơn hoặc bằng mệnh giá thì không phải nộp thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục