Nạn nhân giao thông, ngộ độc rượu “đua nhau” nhập viện

Mặc cho không khí xuân mới rộn ràng khắp nơi, các thầy thuốc tại nhiều bệnh viện, đầu năm mới lại là những giờ phút căng thẳng, vất vả nhất khi bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) và ngộ độc gia tăng chóng mặt. Phần lớn những ca tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu như người bệnh trước đó làm chủ bản thân và tuân thủ nghiêm túc Luật Giao thông.
Nạn nhân giao thông, ngộ độc rượu “đua nhau” nhập viện

Mặc cho không khí xuân mới rộn ràng khắp nơi, các thầy thuốc tại nhiều bệnh viện, đầu năm mới lại là những giờ phút căng thẳng, vất vả nhất khi bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) và ngộ độc gia tăng chóng mặt. Phần lớn những ca tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu như người bệnh trước đó làm chủ bản thân và tuân thủ nghiêm túc Luật Giao thông.

        Chóng mặt vì tai nạn giao thông

Tối muộn, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức đông nghịt người, tiếng chân rầm rập, tiếng khóc nức nở xen lẫn tiếng kêu rên đau đớn, chốc lát lại hòa vào tiếng còi hú của xe cấp cứu khiến không gian nơi đây hỗn loạn và căng thẳng. Không chỉ trong các phòng bệnh mà các dãy hàng lang, trước cửa các phòng chụp chiếu X-quang, siêu âm, bó bột... la liệt người bệnh. Tại khu vực sảnh Khoa Cấp cứu, 2 thanh niên vết thương khắp người, bê bết máu vừa được đưa vội lên bàn cấp cứu, miệng vẫn còn lảm nhảm, mùi rượu nồng nặc. Một bác sĩ trẻ vội đẩy chiếc bàn dụng cụ y tế tới, ngao ngán nói với chúng tôi: “Lại quá chén đây mà. Từ tối đến giờ, đây là ca cấp cứu TNGT thứ 12 do say rượu gây ra, nhưng xem ra 2 ca này còn nhẹ. Trước đó, mấy ca lúc chiều vào không gãy tay, gãy chân, dập gan thì cũng chấn thương sọ não tới hôn mê”.

Còn tại khoa Chấn thương sọ não 1A, các bác sĩ cho biết, đầu xuân mới nhưng các giường bệnh của khoa đều đã đông kín bệnh nhân, trong đó có tới hơn 20 trường hợp rất nặng hôn mê sâu, phải thở máy và theo dõi liên tục.

Cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức.

Cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức.

GS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết, dù đang trong những ngày nghỉ tết nhưng dường như không ngày nào không có mặt tại bệnh viện vì bệnh nhân cấp cứu đông quá. Tính đến mùng 6 Tết, các y bác sĩ của bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu gần 1.000 bệnh nhân, trong đó khoảng 60% số ca cấp cứu do TNGT. Nhiều trường hợp bị chấn thương nặng, nhất là chấn thương sọ não nên hơn 300 y bác sĩ trực trong những ngày qua đã phải làm việc rất căng thẳng, chẳng lúc nào nghỉ ngơi.

Đáng lưu ý, phần lớn bệnh nhân TNGT chấn thương nặng, chấn thương sọ não nguy kịch khi tham gia giao thông trước đó đều không đội nón bảo hiểm. Trong những ngày tới là thời điểm mà các công sở, cơ quan bắt đầu làm việc và cũng là mùa du xuân, chảy hội đầu năm nên rất có thể số ca cấp cứu vì TNGT tiếp tục tăng cao, nếu nhiều người vẫn còn coi thường luật an toàn giao thông và uống quá nhiều rượu bia khi lái xe.

        Quá tải bệnh nhân ngộ độc rượu

Lạm dụng rượu bia không chỉ là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới TNGT trong những ngày đầu xuân mà còn khiến cho rất nhiều người bị ngộ độc, thậm chí nguy kịch tính mạng. Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân ngộ độc rượu trong những ngày nghỉ tết vừa qua, đặc biệt có không ít trường hợp bị ngộ độc nặng phải điều trị kéo dài hoặc tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc cho biết, chiều 3-2, trung tâm đã cấp cứu một thanh niên (ở Thanh Trì, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng say rượu, vật vã, rối loạn tri giác, tổn thương não, huyết áp tụt sâu, rối loạn chuyển hóa máu, tổn thương gan thận. Đây là các biểu hiện lâm sàng của bệnh ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp. Dù được điều trị tích cực nhưng chỉ sau một ngày, người nhà của thanh niên này đã phải xin cho bệnh nhân về vì ngộ độc quá nặng, không thể qua khỏi.

PGS-TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cũng đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ số ca ngộ độc rượu tăng mạnh trong thời gian tới vì tháng Giêng là thời điểm các cơ quan, đơn vị, bạn bè thường tụ tập ăn nhậu đầu xuân. Các loại rượu không rõ nguồn gốc hay rượu có pha cồn công nghiệp thường rất nguy hại, gây ngộ độc nặng cho người uống. Đáng lưu ý, nhiều người lại không phân biệt được giữa say rượu và ngộ độc rượu, vì thế thường không đến các cơ sở y tế kịp thời. Người say rượu thường có biểu hiện chếnh choáng, nói líu lưỡi, mất thăng bằng, buồn nôn và nôn.

Người bị ngộ độc do uống rượu pha cồn methanol, chậm nhất 24 giờ sau khi uống rượu thường xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như: chóng mặt, nôn nhiều lần, lú lẫn, yếu cơ, mắt mờ, rối loạn cảm nhận về màu sắc… Do đó, bất kỳ ai khi sử dụng rượu bia cần phải chủ động tự kiểm soát bản thân, có chừng mực và hạn chế tối đa việc uống nhiều loại rượu bia khác nhau, đặc biệt không uống những loại rượu không rõ nguồn gốc và không nên uống vào sáng sớm hoặc lúc đói.

NGUYỄN QUỐC


Tai nạn đường sắt, đường thủy tăng

(SGGP). – Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho biết, tính riêng ngày 5-2 cả nước đã xảy ra 65 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 31 người, bị thương 62 người. Trong đó đường bộ xảy ra 63 vụ, làm chết 29 người, bị thương 62 người; đường sắt xảy ra 2 vụ TNGT, làm chết 2 người.

Như vậy, số người chết do TNGT đã giảm đi sau 2 ngày liên tiếp tăng bất thường nhưng vẫn giữ ở mức khá cao. Tính cả 9 ngày qua, toàn quốc đã xảy ra 598 vụ TNGT, làm chết 286 người, bị thương 324 người. So với 9 ngày nghỉ Tết Quý Tỵ 2013, giảm 50 người chết. Đặc biệt, tai nạn đường sắt và đường thủy lại tăng, trong đó đường sắt xảy ra 9 vụ, làm chết 8 người, bị thương 1 người, so với 9 ngày Tết Nguyên đán năm 2013 tăng 4 vụ, tăng 2 người chết; đường thủy nội địa xảy ra 3 vụ, làm 3 người chết, 1 người bị thương so với cùng kỳ năm 2013 tăng 2 vụ, tăng 2 người chết. Cũng trong ngày 5-2, các lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 3.002 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp Kho bạc Nhà nước 781,1 triệu đồng; tạm giữ 4 ô tô và 644 mô tô.

Ngày 5-2, Sở Y tế TPHCM đã phát đi báo cáo về tình hình công tác y tế trên địa bàn thành phố trong dịp Tết Giáp Ngọ. Tính đến ngày 5-2, có tổng số 10.257 bệnh nhân điều trị tại 61 bệnh viện. Khám cấp cứu, cho hơn 14.169 trường hợp, trong đó do tai nạn giao thông là 1.466 trường hợp (chấn thương sọ não là 155 trường hợp, 14 trường hợp phải phẫu thuật can thiệp), tăng hơn 2 lần so với Tết Nguyên đán năm 2013. Nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn là do người dân uống nhiều rượu bia, say xỉn không làm chủ được tốc độ khi tham gia giao thông. Ngoài ra còn có 4 trường hợp tai nạn được cấp cứu do pháo nổ mặc dù việc đốt pháo đã bị nghiêm cấm. Do tình trạng bệnh nặng, phải điều trị liên tục, 7.467 bệnh nhân đã ở lại bệnh viện ăn tết, các bác sĩ đã thực hiện 1.262 ca phẫu thuật can thiệp cho người bệnh. Trong 6 ngày tết, thành phố đón thêm 1.273 công dân mới chào đời tại các bệnh viện.

BÍCH QUYÊN - TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục