Xây dựng “tín nhiệm xã hội”

Cách đây 4 năm, chính quyền thành phố Vinh Thành, Đông Nam Trung Quốc, thông báo với người dân về quy định đánh giá, chấm điểm từng cá nhân. Mỗi người được nhận 1.000 điểm, số điểm này tăng hay giảm tùy thuộc vào hành động của họ.

Tiêu chí đánh giá khá chặt chẽ: giúp đỡ người thân, gia đình được 30 điểm, giúp hàng xóm, hoạt động từ thiện được chấm điểm cao hơn. Ngược lại, những người có hành vi “xấu” như lái xe lúc say rượu bị trừ điểm nặng, xếp hạng thấp. Tùy theo số điểm, người dân được xếp hạng, thấp nhất là D và cao nhất là AAA. Và việc chấm điểm, xếp hạng sẽ kèm theo phần thưởng hoặc hình phạt. Công dân gương mẫu, điểm cao, hạng cao, được nhiều ưu ái như vay mượn ngân hàng dễ dàng, được bù một phần hóa đơn tiền điện, mượn xe đạp không cần tiền đặt cọc….

Vinh Thành không phải là thành phố duy nhất chấm điểm người dân. Khoảng 30 dự án tương tự đang được thực hiện ở các thành phố của Trung Quốc như Vũ Hán, Lô Châu, Thượng Hải... Đây là một phần trong chương trình đầy tham vọng mà Trung Quốc đưa ra vào năm 2014: thiết lập trên cả nước một hệ thống đánh giá người dân, gọi là “tín nhiệm xã hội”. Mục tiêu là chống gian lận, tham nhũng bằng cách tạo một không khí xã hội mà các khế ước được tôn trọng và tái lập sự tin tưởng.

Trên bình diện kinh tế, chương trình này có nhiều điểm tốt, ví dụ như việc cấp tín dụng. Ngân hàng Trung Quốc không có công cụ đánh giá rủi ro như các ngân hàng của châu Âu, Mỹ nên rất yếu về khoản cấp tín dụng, cấp rất hạn chế ngay cả đối với giới kinh doanh, công nghiệp. Vì vậy, việc đánh giá, chấm điểm có thể hữu ích đối với các ngân hàng. Với phương thức này, chính quyền cũng hy vọng các quyết định của tòa án sẽ được tôn trọng hơn. Những người bị kết án về tội tài chính vốn thường lọt lưới, trong tương lai sẽ giảm đi, như các thử nghiệm đầu tiên ở nhiều thành phố cho thấy. Nguyên tắc là những người “quên” trả nợ, không thể đi xe lửa hay máy bay. Kết quả là từ năm 2014, có 6 triệu người bị cấm đi máy bay.

Trước thành công này, chính quyền dự kiến mở rộng các “tội danh” bị cấm du ngoạn kể từ đầu tháng 5-2018, trong đó có tội trốn thuế hay không tôn trọng lệnh cấm hút thuốc quy định ở một số nơi. Trong cách theo dõi để chấm điểm, Trung Quốc sử dụng công cụ kỹ thuật số. Tòa án, Bộ Nội vụ chia sẻ các dữ liệu từ các sổ kết hôn đến các giấy khai thu nhập. Chính quyền dựa trên các dữ liệu, lập danh sách những người không trả nợ, trả thuế ở các nơi. Nhiều công ty Trung Quốc hiện đầu tư nhiều vào lĩnh vực thu thập, phân tích dữ liệu về khách hàng và chính quyền sử dụng tất cả những dữ liệu này.

Chuyên gia Mareike Ohlberg, Viện Nghiên cứu Mercator, Đức, cho rằng trong mắt Bắc Kinh, “tín nhiệm xã hội” là liều thuốc trị bá bệnh của Trung Quốc. Nhưng hiện chỉ mới có những viên gạch đầu tiên ở một số nơi và từ đây đến năm 2020 sẽ “xây” khắp Trung Quốc. Chuyên gia người Pháp Antoine Bondaz thì bày tỏ sự quan ngại rằng việc thực hiện chính sách này sẽ khiến quyền tự do cá nhân không được đảm bảo khi người dân bị “soi” kỹ. Tuy nhiên, người sáng lập mạng xã hội Baidu Robin Li cho rằng nhiều người Trung Quốc sẵn sàng đánh đổi dữ liệu cá nhân để đổi lấy một số dịch vụ thuận lợi.

Tin cùng chuyên mục