Xây sân bay Long Thành không dùng vốn ngân sách?

Câu hỏi làm thế nào để thúc đẩy nhanh việc xây dựng sân bay Long Thành đã được các chuyên gia đầu ngành hiến kế tại hội thảo “Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dựng sân bay Long Thành” diễn ra ngày 28-3 tại TPHCM.
Tham quan mô hình sân bay Long thành
Tham quan mô hình sân bay Long thành
Có sẵn mặt bằng
Nói đến sân bay Long Thành, ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho biết đã nhận nhiều phản ánh của người dân từ 10 năm qua. Người dân nằm trong vùng dự án gần như ít người biết có dự án lớn, nếu người nào biết thì lại rất băn khoăn vì không biết có làm hay không, họ gần như chấp nhận sống trên dự án “treo” lửng lơ 10 năm qua như vậy.
Tuy nhiên về mặt quản lý dự án, có nhiều vấn đề khá rõ ràng. Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết trong vùng lõi 5.000ha xây dựng sân bay có 1.800ha đất cao su của công ty nhà nước nên việc giải phóng mặt bằng không phức tạp, vì chỉ đền bù cây cao su. Đối với phần đất 370ha để tổ chức tái định cư và khu nghĩa địa 20ha, cũng nằm trong đất trồng cây cao su.
Hiện tại đất khu vực Long Thành tăng giá theo kiểu tự do, nên chính quyền địa phương tính tới phương án định giá lại sao cho đảm bảo lợi ích giữa nhà nước với người dân, để dân không bị thiệt thòi. Khó khăn lớn nhất là việc di dân quá lớn, bởi đây là dự án lớn nhất của tỉnh từ năm 1975 đến nay, với 15.500 người của 4.815 hộ gia đình phải tái định cư, tiến hành đào tạo nghề cho thanh niên trong độ tuổi lao động.
Khó khăn là vậy, nhưng địa phương đã và đang tập trung toàn lực cho dự án bởi sân bay Long Thành sẽ mang lại thuận lợi rất lớn cho địa phương trong việc phát triển kinh tế, kết nối giao thông với các vùng khác; đặc biệt hệ thống cao tốc đều đi ngang qua huyện Long Thành như cao tốc Bến Lức -  Long Thành, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây… 
Ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ chấp thuận một số giải pháp để đảm bảo đúng tiến độ. Dự kiến trong năm 2019 sẽ trình Quốc hội báo cáo tiền khả thi, sau khi được phê duyệt sẽ tính đến các phương án huy động vốn để xây dựng sân bay”. 
Về vốn, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quốc hội cho phép tách dự án đền bù tái định cư dự án sân bay Long Thành ra thành một dự án thành phần với tổng kinh phí dự kiến 22.938 tỷ đồng, Chính phủ cũng đã giải quyết được phần vốn này. Tức là kế hoạch về trái phiếu Chính phủ đã giao cho dự án này 5.000 tỷ đồng, Quốc hội cho phép bổ sung tiếp 15.000 tỷ đồng từ nguồn các dự án quan trọng quốc gia, 2.938 tỷ còn lại sẽ dùng tiền sử dụng đất, thu hồi đất tái định cư để bổ sung vào. Như vậy về phần vốn của dự án thành phần đền bù tái định cư cơ bản được giải quyết.
Nên thay đổi cơ chế
“Cần phải xây dựng và xây dựng nhanh để giải quyết bài toán giao thông, đồng thời tránh chi phí đội vốn. Nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất được xây dựng và đưa vào khai thác năm 2007 có diện tích 93.000m², chi phí đầu tư 200 triệu USD. Bảy năm sau, năm 2014 đưa vào sử dụng nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài diện tích 139.000m², tăng 40% diện tích nhưng chi phí lên tới 800 triệu USD. Nôm na là cứ 5 năm chi phí xây dựng tăng gấp đôi, tất nhiên nếu đưa vào khai thác sớm sẽ mang lại hiệu quả nhanh hơn. Đối với sân bay Long Thành cũng thế, hiện kinh phí dự kiến 5,4 tỷ USD cho giai đoạn 1 được tính toán vào năm 2015 và có tính đến trượt giá tới năm 2020, nếu lùi tiến độ thêm 5 năm nữa thì giá trị xây dựng có thể sẽ tăng lên 10 tỷ USD”, ông Đỗ Tất Bình chia sẻ.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, về quy hoạch sân bay Long Thành chỉ có vùng lõi 5.000ha và một số hạng mục dịch vụ, chưa có quy hoạch tổng thể đô thị - sân bay. Về hình thức đầu tư, sẽ định hướng theo đối tác công - tư nhưng tới nay hành lang pháp lý chưa đầy đủ, đồng bộ, cần phải có luật đối tác công - tư mới luật hóa được các phương thức đầu tư… Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục có giải pháp đề xuất khi phê duyệt tiền khả thi của dự án.
Vốn xây dựng là đề tài thu hút sự chú ý lớn nhất. Đề xuất của GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, là không cần dùng đến vốn ngân sách vẫn có thể xây dựng sân bay Long Thành một cách bài bản.
Theo tính toán, vùng lõi của sân bay có đến 85% diện tích là đất nông nghiệp, còn lại là đất phi nông nghiệp. Việc bồi thường sẽ dễ dàng, chắc chắn không chiếm đến 10% tổng vốn đầu tư xây dựng của sân bay. Chi phí vốn vào đất ít, nhưng khi có quy hoạch cụ thể, thành vùng khu đô thị - sân bay, chỗ nào là sân bay, chỗ nào khu dịch vụ… Nhờ quy hoạch mà giá trị đất sẽ tăng lên rất cao. Phần đất dôi dư thuộc đô thị, dịch vụ sẽ tổ chức đấu giá, lúc đó chính quyền không phải chi tiền ngân sách vào dự án, mà lấy kinh phí sinh lời từ mảnh đất đó để thực hiện xây dựng. “Điều này chúng ta nên tham khảo mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc vì họ không tốn tiền xây dựng sân bay. Tất nhiên, muốn làm được điều này thì cơ chế và Luật Đất đai hiện hành cần chỉnh sửa lại”, ông Đặng Hùng Võ nói.
Trong khi đó, theo chuyên gia Lương Hoài Nam, việc dùng từ “loay hoay” là chuẩn nhất để mô tả dự án sân bay quốc tế Long Thành trong thời gian qua vì chưa rõ mô hình đầu tư. Ông Lương Hoài Nam cho rằng, một dự án đầu tư chỉ thật sự bắt đầu khi làm rõ được việc ai sẽ đầu tư, khi nào có đủ hành lang pháp lý cho dòng tiền chuyển dịch thì lúc đó dự án đầu tư mới thật sự bắt đầu. Việc triển khai dự án sân bay Long Thành dựa trên những hệ thống pháp luật hiện hành cho kiểu đầu tư công, không phải đầu tư công - tư.
“Vì vậy, việc đầu tiên nên làm rõ mô hình đầu tư, tôi luôn kiến nghị là nên theo hình thức đối tác công - tư. Khi có phương án đầu tư thì việc huy động vốn cho dự án sân bay Long Thành không khó, do tính chất độc quyền và lợi nhuận tương đối ổn định”, ông Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục