Ưu tiên cải tiến công nghệ

Lao động giá rẻ không còn lợi thế để doanh nghiệp (DN) nội có thể cạnh tranh và giữ thị phần xuất khẩu. Để tăng lợi thế cạnh tranh, DN nội buộc phải tính đến giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao trình độ kỹ thuật của đội ngũ lao động. Tuy nhiên, với hơn 95% DN nội là DN vừa và nhỏ, nội lực vốn yếu, lại thiếu tính liên kết trong sản xuất kinh doanh nên vấn đề cải thiện chất lượng sản xuất đang gặp khó.
Ưu tiên cải tiến công nghệ

Lao động giá rẻ không còn lợi thế để doanh nghiệp (DN) nội có thể cạnh tranh và giữ thị phần xuất khẩu. Để tăng lợi thế cạnh tranh, DN nội buộc phải tính đến giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao trình độ kỹ thuật của đội ngũ lao động. Tuy nhiên, với hơn 95% DN nội là DN vừa và nhỏ, nội lực vốn yếu, lại thiếu tính liên kết trong sản xuất kinh doanh nên vấn đề cải thiện chất lượng sản xuất đang gặp khó.

Hoạt động sản xuất tại một nhà máy dệt tơ tằm chuyên xuất khẩu trang phục truyền thống sang Nhật Bản. Ảnh: GIA HÂN

Bất bình đẳng trong ưu đãi đầu tư

Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam về trình độ công nghệ, kỹ thuật của máy móc cho thấy, nếu xét theo khía cạnh tính đồng bộ thì có 15% - 20% số DN sử dụng dây chuyền đồng bộ cao, 65% - 70% sử dụng công nghệ trung bình và công nghệ thấp chiếm 10% - 15%. Còn xét mức độ hiện đại của dây chuyền công nghệ cũng chỉ từ 10% - 15% DN sử dụng công nghệ hiện đại sau năm 2005. Có 55% - 65% DN sử dụng công nghệ sau năm 2000. Còn lại sử dụng công nghệ từ những năm 1990. Cùng với công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ lao động dệt may cũng đang ở mức thấp khi có đến 78,9% lao động phổ thông; công nhân kỹ thuật và trung cấp chuyên nghiệp chỉ chiếm 15,8%; công nhân có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chỉ chiếm 4,67%.

Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia hàng đầu xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường toàn cầu. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm 40,6%, kế đến là châu Âu 13,3%, Nhật Bản 10,2%, Hàn Quốc 8%, còn lại một số nước khác. Thế nhưng, ngôi vị này trong 2 năm qua đã bị dao động. Trong một số mặt hàng nhất định, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thua cả một số nước trong khu vực như Campuchia, Myanmar, Malaysia, Lào. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết sản xuất ngành dệt may nước ta vẫn chủ yếu dựa vào thâm dụng lao động. Trong khi DN các nước trong khu vực, thậm chí DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới công nghệ sản xuất. Dây chuyền sản xuất có tính tự động hóa cao, từ khâu đầu vào đến khi ra thành phẩm là một cái áo sơ mi mà không cần một nhân công nào. Vậy cơ sở nào để DN Việt có thể cạnh tranh?

Thực tế này còn trở nên gay gắt hơn đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tuy Chính phủ đã có nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển nhưng giữa chính sách và thực tế nhu cầu vẫn chênh lệch khá lớn. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Hội DN Điện tử Việt Nam, cho biết các DN nội tham gia trong lĩnh vực này đều là DN vừa và nhỏ, không có khả năng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại. DN cũng khó trụ vững trong chuỗi cung ứng với những sản phẩm giản đơn bởi những bất cập trong chính sách ưu đãi đầu tư giữa DN nước ngoài và DN trong nước. DN Việt Nam không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước về ưu đãi như đất, thuế…, trong khi DN có vốn đầu tư nước ngoài thì lại được.

Việc nhập khẩu các linh kiện sản xuất của DN nội cũng vấp phải nhiều khó khăn từ các thủ tục hành chính. Đặc biệt, gần đây nhất là thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng (có hiệu lực từ tháng 7-2016) đã tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động nhập khẩu công nghệ. Những tập đoàn điện tử lớn như Samsung, Intel… đầu tư tại Việt Nam kéo theo những công ty vệ tinh được phép mang theo lượng lớn thiết bị công nghệ cũ đang hoạt động nước ngoài với khấu hao không đáng kể vào nước ta mà không vấp phải rào cản quy định trên. Trong khi đó, DN trong nước lại không được nhập khẩu thiết bị, công nghệ cũ mà phải bỏ ra chi phí rất lớn để buộc phải đầu tư công nghệ mới. Hơn nữa, thông tư trên chỉ đúng với một số hệ thống công nghệ có yếu tố ảnh hưởng đến môi trường và hoàn toàn không phù hợp để áp dụng chung trong tất cả ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất; đặc biệt, đối với ngành cơ khí chế tạo.

Gia tăng giá trị nội địa

Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của các DN nội đang suy giảm, Chính phủ nói chung và TPHCM nói riêng đang nỗ lực xây dựng đề án nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất cho DN. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, các DN không nên bị động và trông chờ vào những hỗ trợ tài chính từ phía nhà nước. Vấn đề quan trọng là nhà nước cần phải thoát ly vai trò là chủ đầu tư mà phải chuyển hóa thành chất xúc tác, là “bà đỡ” và “bà mối” để liên kết các DN sản xuất với nhau để hợp lực cùng phát triển. Mô hình liên kết có thể thực hiện giữa DN trong nước với trong nước và DN trong nước với DN nước ngoài, kết hợp chú trọng khâu chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh đào tạo cán bộ quản lý kỹ thuật để tăng giá trị gia tăng nội địa thông qua các liên kết.

Các cơ quan chức năng các tỉnh, thành giải quyết nhanh những kiến nghị liên quan đến việc quy hoạch vùng nguyên liệu, khu công nghiệp chuyên ngành để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, tạo nền tảng phát triển ổn định cho DN ở trung hạn và dài hạn.

Về thu hút đầu tư phải tập trung ưu tiên thu hút những khâu DN nội đang yếu trong hệ thống chuỗi cung ứng sản phẩm nói chung, tránh thu hút đầu tư vào những lĩnh vực đang là thế mạnh của DN nội để giảm sức ép cạnh tranh cho DN nội. Ngoài ra, Chính phủ cần có những định lượng trong việc xây dựng chính sách sử dụng sản phẩm trong nước sản xuất; hỗ trợ DN nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới trong chương trình trọng điểm quốc gia; minh bạch tiêu chí chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chí chất lượng quốc tế. Và quan trọng hơn là phải đầu tư mạnh cho giáo dục để từng bước nâng cao hiệu quả đào tạo, giảm chi phí đào tại lại cho DN.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục