Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân, TPHCM: Một năm động thổ, vẫn bãi đất hoang

Đã qua 1 năm kể từ ngày động thổ nhưng Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân (532A Kinh Dương Vương, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TPHCM) với diện tích hơn 40ha do liên doanh giữa Công ty dịch vụ Hoa Lâm (Việt Nam) và Shangri - La Healthcare Investment Pte.Ltd (Singapore) đầu tư vẫn án binh bất động.
Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân, TPHCM: Một năm động thổ, vẫn bãi đất hoang

Đã qua 1 năm kể từ ngày động thổ nhưng Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân (532A Kinh Dương Vương, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TPHCM) với diện tích hơn 40ha do liên doanh giữa Công ty dịch vụ Hoa Lâm (Việt Nam) và Shangri - La Healthcare Investment Pte.Ltd (Singapore) đầu tư vẫn án binh bất động.

Bốn bề cỏ mọc

Có mặt tại Khu y tế kỹ thuật cao nói trên ngày 21-10, chúng tôi nhận thấy không có một động tĩnh nào cho thấy dự án này đang được triển khai xây dựng. Không một bóng dáng công nhân, không một tiếng máy xúc máy đào, không một mảnh vụn đất đá san lấp mặt bằng… Muốn vào bên trong, phải liên hệ với công ty.

Qua quan sát bên ngoài từ phía đường Kinh Dương Vương, chúng tôi nhận thấy cả khu đất rộng mênh mông tràn ngập màu xanh của cỏ dại, có những nơi cỏ mọc cao ngút mặt người. Để có thể quan sát kỹ hơn, chúng tôi vòng qua đường Tên Lửa để ra phía sau khu đất nói trên xem có gì thay đổi hơn kể từ khi liên doanh giữa Công ty dịch vụ Hoa Lâm (Việt Nam) và Shangri - La Healthcare Investment Pte.Ltd (Singapore) được phép đầu tư vào đây và động thổ cách nay 1 năm, nhưng sự thực chẳng có gì ngoài cỏ là cỏ, không khác mấy tình trạng trước năm 2008.

Có chăng, phía góc đường 17A và đường Tên Lửa có dựng lên một tấm bảng đề quy hoạch dự án đã được UBND TPHCM phê duyệt cho phía liên doanh các nhà đầu tư nói trên. Một số người dân sống xung quanh cho biết, do thấy cỏ mọc nhiều nên một số người cho thả dê vào ăn…

Từ khi được phép đầu tư và động thổ vào tháng 10-2008, đến nay liên doanh đầu tư Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân mới chỉ triển khai được một văn phòng nằm lọt thỏm giữa bãi đất hoang. Trong khi đó, ngay bên cạnh, Trung tâm Y khoa Medic đã xây dựng xong khu xạ trị gia tốc vòng nằm trên diện tích 5ha và chuẩn bị đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, nhìn chung cơ sở hạ tầng vẫn chưa được đầu tư một cách đồng bộ.

Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân vẫn bốn bề cỏ mọc. Ảnh: T.g LÂM

Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân vẫn bốn bề cỏ mọc. Ảnh: T.g LÂM

Hoạt động năm 2010 - vẫn chỉ là ước mơ

Ngày 9-10-2008, Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân được tổ chức động thổ rất “hoành tráng” với sự hiện diện của nhiều lãnh đạo TP cũng như trung ương. Tại buổi lễ này, phía liên doanh đầu tư tuyên bố số vốn mà họ bỏ ra để đầu tư lên tới khoảng 400 triệu USD và khẳng định Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân được xem là trung tâm phát triển chăm sóc sức khỏe đầu tiên ở Đông Nam Á có được môi trường chăm sóc sức khỏe toàn diện với công nghệ tích hợp hoàn chỉnh dành cho bệnh nhân cũng như các chuyên gia y tế.

Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân còn có cả khu lưu trú dành cho người nhà bệnh nhân 25 tầng; trung tâm bán lẻ đồ dùng thiết bị chăm sóc y tế, câu lạc bộ… Theo thiết kế mà phía liên doanh đầu tư đưa ra, Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân có khả năng chăm sóc điều trị một năm lên tới 45.000 bệnh nhân nội trú và 30.000 bệnh nhân ngoại trú với tổng cộng 1.700 giường bệnh. Dự án này được dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2010 - 2011.

Ngược lại lịch sử cho thấy, từ những năm 1996 - 1997, UBND TPHCM đã có chủ trương xây dựng Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân. Sau đó, Sở Y tế TP đã thành lập ban chỉ đạo và nhóm xây dựng tiêu chuẩn thực hiện dự án Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân vào năm 2001.

Tiếp đó, UBND TP có chủ trương chấp thuận cho 8 bệnh viện của TP được đầu tư xây dựng cơ sở chẩn đoán, điều trị kỹ thuật cao tại Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân, nhưng mãi đến năm 2006 các bệnh viện không triển khai được vì thiếu vốn. Do đó, năm 2007, UBND TP đã quyết định giao cho liên doanh Công ty dịch vụ Hoa Lâm (Việt Nam) và Shangri - La Healthcare Investment Pte.Ltd (Singapore) đầu tư một liên hợp y tế tại Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân.

Phải nói rằng việc đầu tư Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân TP nói riêng và các tỉnh nói chung. Thế nhưng, nếu với tiến độ cho thấy như hiện nay, liệu năm 2010 - 2011, người dân đã có thể được chăm sóc sức khỏe, điều trị tại Khu y tế kỹ thuật cao Bình Tân nói trên như tuyên bố của các nhà đầu tư? 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục