“Chạy dịch” heo bệnh

Chạy rong...
“Chạy dịch” heo bệnh

Bất chấp lệnh cấm vận chuyển, những ngày qua, đủ loại heo chưa kiểm dịch, heo bệnh và cả heo chết vẫn được người dân ở xã Vĩnh Tân và thị trấn Vĩnh An thuộc huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai lén lút đưa ra ngoài tiêu thụ chạy dịch. Việc làm này khiến dư luận không khỏi lo ngại vì thịt heo “bẩn” từ vùng dịch trà trộn thị trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và nguy cơ lây lan sang các địa phương khác…

Chạy rong...

Ngành thú y vận động người dân thực hiện “5 không”

Không giấu dịch.

Không mua gia súc, sản phẩm gia súc mắc bệnh.

Không bán chạy gia súc mắc bệnh.

Không thả rông, vận chuyển gia súc bị mắc bệnh ra khỏi vùng dịch.

Không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh bừa bãi.

Khi heo bệnh tai xanh, 40% các đại thực bào trong cơ thể bị virus phá hủy tạo điều kiện cho vi khuẩn Streptococcus suis phát triển. Người ăn thịt heo, tiết canh không được nấu chín có nguồn gốc từ heo bệnh, nguy cơ nhiễm Streptococcus suis (gây viêm não) cao hơn.

9 giờ sáng ngày 9-8, tại khu vực giáp ranh giữa xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu với xã Bắc Sơn huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai, chúng tôi phát hiện một phụ nữ đang loay hoay với một chú heo con luôn miệng eng éc. Sợ bị bắt quả tang chở heo ra khỏi vùng dịch, người phụ nữ này đã nhờ mấy thanh niên lấy giẻ nhét vào miệng heo rồi cho vào bao. Sau khi qua cầu Suối Mây (qua khỏi địa bàn xã Vĩnh Tân) người phụ nữ này tiếp tục hành trình về phía quốc lộ 1A. “Người ta cho không, nếu đem về nhà (ở Long Thành, Đồng Nai) nuôi được thì tốt. Không được thì thôi, có mất gì đâu mà sợ” - chị thản nhiên cho biết.

Tại khu vực bãi Điều (thuộc ấp 2 thị trấn Vĩnh An, gần khu nghĩa trang huyện), chúng tôi còn bắt gặp đàn heo bệnh đang nằm phì phò thở. Một số trẻ chăn bò cho biết do heo bị bệnh nên người ta đem thả rong để tránh bị kiểm dịch phát hiện đập chết và tránh lây lan cho những con heo trong chuồng.

Và không khí càng ngột ngạt hơn trong tiếng rú ga của một phụ nữ chạy xe máy màu đỏ chở nguyên một con heo chết từ lò mổ ở thị trấn Vĩnh An về. Đáng ngạc nhiên là dù chạy “khơi khơi” suốt chặng đường gần 4km nhưng không hề bị ai “hỏi thăm”.

Ban ngày thì vậy, khi màn đêm buông xuống việc “tuồn” heo ra khỏi “ổ dịch” còn rầm rộ hơn. 23 giờ ngày 8-8, 2 người đàn ông trung niên chạy trên 2 xe gắn máy phóng như bay từ phía ấp 1, 2 xã Vĩnh Tân về phía thị trấn Vĩnh An. Phía sau mỗi xe là 2 chiếc rọ sắt, mỗi rọ chứa một con heo lớn ngót nghét cả tạ. Khi đến khu lò mổ nhà ông C. thuộc thị trấn Vĩnh An thì 2 chiếc xe chở heo dừng lại. Ngay lập tức cánh cổng bên hông lò mổ nhà ông C. mở ra, 2 người đàn ông vội vã chạy xe chở heo vào trong lò mổ. Chừng 2 tiếng sau, 4 chú heo này đã được “hóa kiếp” chia nhỏ ra từng miếng, đóng vào bao tải, thùng xốp và được một số thanh niên chở bằng xe máy đi tiêu thụ.

Theo người dân địa phương, khi các lò mổ ở xã Vĩnh Tân bị buộc ngưng hoạt động, người chăn nuôi ở xã tìm cách bán tháo heo cho thương lái hoặc đưa heo từ vùng dịch sang thị trấn Vĩnh An mổ rồi đem tiêu thụ ở một số chợ hoặc quán ăn ở Bình Dương, Biên Hòa và TPHCM.

Ý thức kém, nguy cơ cao

Vận chuyển heo chết vào nghĩa trang huyện Vĩnh Cửu để xẻ thịt.

Vận chuyển heo chết vào nghĩa trang huyện Vĩnh Cửu để xẻ thịt.

Lần theo người phụ nữ chở xác con heo bệnh vào trưa 9-8, chúng tôi được biết đó là chị T. ở ấp 2, thị trấn Vĩnh An. Chị T. thú nhận “con heo này từ xã Vĩnh Tân được vận chuyển tới lò mổ ở thị trấn Vĩnh An từ tối 8-8. Đến sáng 9-8 nó lăn đùng ra chết. Chủ lò mổ sợ bị kiểm tra nên cho chị đem về nhà làm thịt”. Nhìn xác con heo bệnh tím tái, lấm tấm những nốt tụ huyết chúng tôi không khỏi ớn mình, vậy mà chồng chị T. vẫn nửa đùa nửa thật: “Ban đầu tui định làm nồi giả cầy rủ anh em nhậu, nhưng vợ bảo ăn làm gì, để lấy thịt làm chà bông, mỡ heo thì rán lên bỏ mối cho mấy tiệm ngoài chợ. Được đồng nào hay đồng ấy. Bệnh heo tai xanh, nếu nấu chín thịt thì ăn cũng không sao. Ở đây người ta vẫn xin heo bệnh về làm “hàng” có sao đâu?”.

Không chỉ vận chuyển, buôn bán thịt heo trái quy định người dân ở xã Vĩnh Tân, thị trấn Vĩnh An còn có những “sáng kiến” như dùng thịt heo bệnh làm thức ăn cho cá, vứt xác heo bệnh bừa bãi ở các suối, ao, hồ… Tại khu vực cầu Cứng (cầu Đồng Nai), suối Đá Kè, suối Đá Bàn thuộc xã Vĩnh Tân, hàng chục bao tải chứa xác heo đang phân hủy bốc mùi hôi thối, chứa đầy ruồi nhặng và giòi bọ. Người đi đường khi qua khu vực này không khỏi buồn nôn, phải dùng tay bịt mũi.

Ông Nguyễn Ngọc Phước, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh An cho biết, chính quyền địa phương nhanh chóng có những biện pháp như tuyên truyền đến người chăn nuôi heo trên địa bàn. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh, lập trạm kiểm tra kiểm soát. Tuy nhiên, kết quả vẫn không được như mong đợi, vì ý thức người dân còn thấp. Chính quyền địa phương vừa thu gom tiêu hủy chỗ này thì họ lại đem xác heo bệnh vứt chỗ khác. Hôm nay mới dọn xong, mai đã thấy “đâu lại vào đấy”. Theo thống kê sơ bộ, đến nay trên địa bàn có khoảng 22.000 con heo. Đã có 40 hộ dân có heo bị nhiễm bệnh với tổng số 1.115 con.

TIẾN ĐẠT


Dịch heo tai xanh tiếp tục diễn biến phức tạp

* TPHCM phát hiện ổ dịch heo tai xanh tại huyện Bình Chánh

Ngày 11-8, trong lúc thực hiện công tác tiêu độc khử trùng phòng chống bệnh heo tai xanh trên địa bàn xã Tân Nhựt, Trạm thú y huyện Bình Chánh, TPHCM phát hiện đàn heo của gia đình bà Nguyễn Thanh Xuân, ngụ tại C6/176A ấp 3 (xã Tân Nhựt) có các triệu chứng của bệnh heo tai xanh và một số con đã chết.

Chiều 11-8, ông Lê Trường Hải, Chánh Thanh tra Chi cục Thú y TPHCM khẳng định đàn heo của hộ bà Nguyễn Thanh Xuân gồm 17 con đã mắc bệnh heo tai xanh, trong đó có 4 con đã chết, 5 con có dấu hiệu tím tái và sắp chết. Theo ghi nhận, đàn heo của một số gia đình lân cận cũng có các triệu chứng tương tự.

Trước đó, TPHCM đã phát hiện và tiêu hủy 213 con heo bị virus tai xanh ở 18 hộ thuộc 2 phường Thạnh Xuân và Thạnh Lộc, quận 12.

Cùng ngày, Sở NN-PTNT TPHCM họp với các huyện, quận có chăn nuôi nhằm triển khai các biện pháp phòng chống bệnh heo tai xanh. Theo Chi cục Thú y TPHCM, dịch bệnh heo tai xanh đang diễn biến phức tạp, khi tốc độ lây lan nhanh, bùng phát việc buôn bán, vận chuyển heo tai xanh từ vùng dịch đi nơi khác.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, TPHCM có 360.000 con heo, trong đó, trên 3.000 hộ nuôi dưới 10 con. Tỷ lệ tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm kể trên chưa đạt yêu cầu (dưới 80% tổng đàn), trong khi chưa có vaccine phòng bệnh heo tai xanh có hiệu quả để phòng tránh.

* Hơn 1 tuần qua, tình hình dịch heo tai xanh trên địa bàn TP Đà Nẵng diễn biến hết sức phức tạp với sức lây lan nhanh. Điều đáng nói, mặc dù tình hình diễn biến dịch phức tạp nhưng đến nay TP Đà Nẵng vẫn chưa công bố dịch dẫn đến tình trạng người dân bán heo chạy dịch và heo chết vứt đầy đồng… khiến dịch bệnh càng thêm nghiêm trọng.

Tại xã Hòa Khương, dịch heo tai xanh đã lây lan một cách nhanh chóng ra khắp các thôn của xã. Tại thôn Gò Hà, hàng chục hộ chăn nuôi nhiều ngày qua “bỏ ăn” vì đàn heo cả chục con bỗng chốc bỏ ăn và chết dần.

Đến nay dịch heo tai xanh diễn biến hết sức phức tạp, trong khi chính quyền địa phương và thú y cơ sở lúng túng trong cách xử lý. Hiện nay, cách xử lý của Thú y xã Hòa Khương là khi nào heo chết mới tiến hành lập biên bản và… giao cho chủ nhà tự chôn.

* Tính đến ngày 11-8, toàn tỉnh Quảng Nam có đến gần 15.000 con heo bị mắc bệnh, số heo bị tiêu hủy bắt buộc gần 5.000 con. Địa bàn có heo nhiễm bệnh nhiều nhất là huyện Điện Bàn với 12.663 con heo của 2.162 hộ dân ở 130 thôn, khối phố trên địa bàn 16 xã, thị trấn bị nhiễm bệnh nặng (tăng gần 4.000 con so với cuối tuần trước), trong đó 3.911 con phải tiêu hủy bắt buộc.

Tại huyện Đại Lộc dịch cũng bùng phát ở 56 thôn của 8 xã với số heo bị bệnh là 1.861 con và số heo tiêu hủy bắt buộc là 236 con. Tại huyện Duy Xuyên, sau khi bùng phát ở xã Duy Hải, dịch tiếp tục tấn công đàn heo của thị trấn Nam Phước, xã Duy Thành, Duy Nghĩa, Duy Phước đã có hơn 200 con heo mắc bệnh...

* Ngày 11-8, Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau hơn 10 ngày phát dịch, dịch heo tai xanh đã lan ra 11/12 xã, thị trấn của huyện Cát Tiên. Đến nay, đã có gần 3.600 con heo, chiếm gần 1/2 tổng đàn heo của huyện này bị mắc bệnh. Ngành chức năng đã tiến hành các biện pháp chống dịch, kịp thời phát hiện và tiêu hủy 100% số heo mắc bệnh (trên 200 tấn) với mức hỗ trợ cho người chăn nuôi 17.500 đồng/kg.

Hiện nay đã có 17 tỉnh, TP, trong đó có 10 tỉnh phía Nam có dịch heo tai xanh.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục