Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Sẽ có quy định về quy trình khám chữa bệnh

Hơn 12.000 giường bệnh được kê thêm nhưng công suất sử dụng giường bệnh vẫn ở mức xấp xỉ 100%, đặc biệt tại bệnh viện tuyến trung ương vẫn ở mức rất cao trên 112%. Đây là những thông tin được Bộ Y tế thẳng thắn nhìn nhận tại hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020,  diễn ra sáng 22-3 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Sẽ có quy định về quy trình khám chữa bệnh

(SGGPO). - Hơn 12.000 giường bệnh được kê thêm nhưng công suất sử dụng giường bệnh vẫn ở mức xấp xỉ 100%, đặc biệt tại bệnh viện tuyến trung ương vẫn ở mức rất cao trên 112%. Đây là những thông tin được Bộ Y tế thẳng thắn nhìn nhận tại hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020,  diễn ra sáng 22-3 tại Hà Nội.

Để giảm tải bệnh viện trong thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện triển khai nhiều biện pháp, trong đó tập trung đầu tư xây mới, cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng bệnh viện; mở rộng nhiều loại hình điều trị ngoại trú. Cũng như tăng cường cải cách thủ tục hành chính khám chữa bệnh, tăng số phòng khám, tăng số giường bệnh.

Tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn vẫn diễn ra ở nhiều bệnh viện lớn. Ảnh: Quốc Khánh

Tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn vẫn diễn ra ở nhiều bệnh viện lớn. Ảnh: Quốc Khánh

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, trong năm 2012, trong số hơn 1.000 bệnh viện của cả nước đã tăng thêm được trên 12.700 giường bệnh, trong đó bệnh viện tuyến trung ương tăng 1.600 giường bệnh.

Tuy nhiên, số người bệnh tới khám chữa bệnh và điều trị tại các bệnh viện cũng tăng rất cao, với trên 132 triệu lượt người khám chữa bệnh, tăng gần 7%. Do đó tình trạng bệnh viện quá tải vẫn diễn ra nghiêm trọng, thống kê cho thấy, công suất sử dụng giường bệnh có giảm nhẹ từ 100,5% xuống còn 99,4%. Tuy nhiên, tại các bệnh viện tuyến trung ương công suất sử dụng giường bệnh vẫn ở mức 112,5%, thậm chí khoa phòng như ung bướu, sản, nhi, chấn thương… tỷ lệ này lên trên 120%.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kết quả giảm tải bệnh viện trong thời gian qua vẫn rất hạn chế. Người dân khi đi khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện, nhất là bệnh viện ở tại các thành phố lớn vẫn rất vất vả, mệt mỏi, phải chen chúc, chờ đợi hàng tiếng mới được khám chữa bệnh trong vài phút. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ rõ, nhiều bệnh viện vẫn chưa quan tâm đúng mức tới  Khoa khám bệnh và khu đón tiếp bệnh nhân nên tình trạng nhếch nhác, lộn xộn xảy ra ở nhiều nơi làm ảnh hưởng tới người dân ngay khi đặt chân vào bệnh viện.

“Khoa khám bệnh là nơi thể hiện bộ mặt của bệnh viện, cũng như cách điều hành quản lý bệnh viện của giám đốc bệnh viện. Nhưng thực tế tại Khoa khám bệnh nhiều bệnh viện lại quá lộn xộn… Vì vậy phải quyết liệt thay đổi diện mạo của Khoa khám bệnh…”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó mục tiêu lớn nhất là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và làm hài lòng người bệnh. Để triển khai thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh, Bộ Y tế sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở và đẩy mạnh phát triển mạng lưới bác sỹ gia đình nhằm nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện và liên tục. Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục đầu tư để mở rộng, nâng cấp và xây mới các cơ sở khám chữa bệnh, dự kiến dành ra khoảng 4.500 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp một loạt bệnh viện tuyến tỉnh nhằm thu hút người bệnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thêm, Bộ Y tế cũng sẽ có cơ chế chính sách về tài chính, nhân lực tạo điều kiện cho các bệnh viện họat động hiệu quả và phá triển hơn. Đồng thời cũng sẽ có quy định về quy trình khám chữa bệnh, về tăng cường kỹ năng ứng xử của cán bộ y tế nhằm giảm tiêu cực trong bệnh viện, cũng như phiên hà, bức xúc của người dân mỗi khi đi khám chữa bệnh viện.

Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 đặt mục tiêu giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP. HCM xuống dưới 100%, cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép từ năm 2015, phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện. Đồng thời nâng công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh đạt 60% vào năm 2015 và 80% năm 2020.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục