Hút thuốc lá nơi công cộng: Chưa phạt, chưa sợ

A.Dũng
Hút thuốc lá nơi công cộng: Chưa phạt, chưa sợ

Chính thức có hiệu lực từ 1-5, đến nay Luật Phòng chống tác hại thuốc lá vẫn chưa đi vào thực tế. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tại những nơi công cộng cấm hút thuốc, nhiều người vẫn vô tư phì phèo điếu thuốc lá, thậm chí có người ngồi hút ngay dưới tấm biển “cấm hút thuốc lá”!

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Vẫn hút vô tư

Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) sáng thứ hai 6-5 có rất đông người dân đến khám, điều trị và thăm nuôi nhưng nỗi khó chịu, phiền toái của bệnh nhân và thân nhân không chỉ vì chen chúc, chờ chực mà là ngộp vì… khói thuốc lá. Bất chấp hàng loạt biển cấm hút thuốc gắn dọc hành lang khoa cấp cứu, khoa Niệu A, khoa Niệu B và trước sân bệnh viện, rất nhiều người già, thanh niên đến khám bệnh thay nhau “đốt thuốc, xả khói”. Nhiều bảo vệ, bác sĩ của bệnh viện qua lại thấy vậy vẫn không nhắc nhở, ngăn chặn.

Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từ ngoài sân vào đến các phòng khám đều đặt bảng “cấm hút thuốc”, kèm theo mức phạt từ 50.000 - 100.000 đồng nhưng cảnh người đến khám bệnh hút thuốc vẫn xuất hiện tràn lan. Nhiều nhất là ở khu vực sân trống trước trại dưỡng bệnh 25, chỉ 5 phút đã có hàng chục người đến đây giải cơn nghiện thuốc lá. Trong chốc lát, mặt đất khu vực này trắng vỏ bao thuốc và đầu lọc với nhiều nhãn hiệu…

Đáng ngại là nhiều người hút thuốc vẫn tỏ ra bình thường trước sự khó chịu của người khác. Được hỏi hút thuốc ở nơi đặt biển cấm không sợ bị xử phạt, Hùng - thân nhân một bệnh nhân vừa ngồi hút thuốc vừa chờ lấy cơm miễn phí trong bệnh viện, thản nhiên trả lời: “Tui nuôi bệnh cả tháng nay, buồn hay ra đây hút có thấy ai cấm, phạt gì đâu. Mà tôi cũng chẳng biết luật cấm hút thuốc trong bệnh viện có từ lúc nào. Thấy người khác hút mình cũng hút”. Còn một bảo vệ bệnh viện thì tỏ ra thờ ơ khi nói rằng: “Bảo vệ có nhiều việc phải làm, thời gian đâu đi theo dõi mấy người hút thuốc”. Lấy cớ luật cấm hút thuốc chứ không cấm bán thuốc, một số cửa hàng bán đồ ăn, thức uống trong bệnh viện ngang nhiên trưng bày đủ loại thuốc lá, thậm chí còn rao bán khi khách mua đồ ăn.

Hút thuốc nơi công cộng cần bị xử lý nghiêm. Ảnh: Kim Ngân - T.V.

Hút thuốc nơi công cộng cần bị xử lý nghiêm. Ảnh: Kim Ngân - T.V.

Tiếp xúc với chúng tôi, chị bán nước gần bãi giữ xe Bệnh viện Chợ Rẫy phân trần: “Biết bán thuốc lá trong bệnh viện là sai nhưng không bán thuốc lá thì mất đi một khoản tiền lớn nên liều bán. Còn chuyện luật cấm bán thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi sao nghe vô lý quá. Tui đây bán nước, làm gì có quyền như công an mà hỏi biết tuổi để bán…”.

Qua ghi nhận, việc buôn bán thuốc lá và hút thuốc lá vẫn phổ biến ở nhiều trường học, siêu thị, chợ, khu giải trí tại TPHCM. Cũng như quy định cấm hút thuốc lá, thực tế có nhiều quy định ban hành ra rồi bỏ đó, hoặc thực thi không tới nơi tới chốn. Chẳng hạn quy định về cấm và xử phạt nạn tiểu tiện “bậy”, vứt rác bừa bãi; lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường buôn bán hàng rong. Chỉ vòng qua các chợ Phạm Thế Hiển (phường 14, quận 8), chợ An Đông (phường 9, quận 5), chợ Hạnh Thông Tây (Gò Vấp)… vẫn thấy đầy rác sau giờ hoạt động. Hay như ở đường Nguyễn Trãi (đoạn thuộc phường 2 và phường 3 quận 5) trở thành chợ đêm bát nháo với hàng hóa, xe đẩy lấn đầy hai vỉa hè và cả lòng đường.

Cần cụ thể trách nhiệm

Trao đổi với PV về tình trạng hút thuốc lá trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện, cho rằng: Rất khó để dẹp được tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện nếu luật không quy rõ trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị liên quan. Đối với bệnh viện, biện pháp ngăn chặn chỉ dừng lại ở việc lắp đặt biển cấm hút thuốc, yêu cầu bảo vệ bệnh viện theo dõi, nhắc nhở người dân không được hút thuốc trong bệnh viện. Còn bắt giữ, xử phạt người hút thuốc thì bệnh viện không có thẩm quyền. Do đó, để giúp việc ngăn chặn nạn hút thuốc lá trong bệnh viện được hiệu quả, luật pháp cần quy rõ trách nhiệm kiểm tra, xử lý cho từng đơn vị cụ thể. “Trước mắt để hạn chế nạn hút thuốc lá trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền địa phương, yêu cầu phối hợp giám sát, xử lý theo thẩm quyền các trường hợp bất chấp quy định, hút thuốc trong bệnh viện” - ông Sơn nói.

Dưới góc độ quản lý nhà nước trên địa bàn, bà Lê Thị Hồng Loan, Phó Chủ tịch UBND phường 12, quận 5 cho rằng không chỉ với thuốc lá, nguyên nhân chưa xử lý được tình trạng vi phạm pháp luật như tiểu tiện bừa bãi, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường là do cách làm của các cấp chính quyền chưa đồng bộ, chưa phối hợp chặt chẽ, mức xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Với phường 12, quận 5 việc xử lý các vi phạm còn khó khăn hơn. Trên địa bàn phường có 7 bệnh viện lớn: Chợ Rẫy, Hùng Vương, Phạm Ngọc Thạch, Trung tâm giám định pháp y, Răng Hàm Mặt Trung ương, Đại học Y Dược (cơ sở 2); 1 trường THCS, 2 trường mầm non, 1 ký túc xá đại học. Số lượng cơ sở công cộng càng nhiều, các vi phạm như lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường buôn bán càng phức tạp, trong khi phường chỉ có 9 thanh tra xây dựng, rất khó theo dõi, xử lý. “Do đó, việc xử lý các vi phạm không chỉ cứ vin vào các quy định trong luật mà làm được, còn phải tùy vào hoàn cảnh từng địa phương, mức độ các vi phạm…”, bà Lê Thị Hồng Loan nói. 

Thực tế cho thấy, số người vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng thì nhiều, song số nhân lực để giám sát và xử lý hành vi vi phạm này thì còn mỏng, thậm chí chưa rõ. Do vậy, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó cần siết chặt việc buôn bán thuốc lá tràn lan như hiện nay.

Tuấn Vũ

Tin cùng chuyên mục