Khẩn trương ngăn chặn dịch sởi

Khẩn trương ngăn chặn dịch sởi

* 3.256 người đã mắc bệnh sởi, 139 người tử vong

Dịch sởi đã và đang diễn ra dù không công bố dịch nhưng các biện pháp phòng chống đang được ngành y tế triển khai quyết liệt nhằm sớm khống chế, hạn chế sự lây lan và giảm số ca tử vong… Đây là khẳng định của lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia y tế tại buổi họp báo do Bộ Y tế tổ chức chiều 18-4.

Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ tại một cơ sở y tế ở Hà Nội.

Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ tại một cơ sở y tế ở Hà Nội.


Chiều tối 18-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về diễn biến của dịch sởi trong ngày. Theo đó, trong ngày cả nước đã ghi nhận thêm 120 ca mắc sởi mới trong tổng số 258 ca sốt phát ban dạng sởi ở 31 tỉnh, thành. Tích lũy từ đầu năm tới chiều 18-4, cả nước đã có 3.256 người mắc sởi trong tổng số 8.779 người sốt phát ban dạng sởi ở 61/63 tỉnh thành. Đã có 25 ca tử vong do sởi và 114 ca tử vong có liên quan tới sởi. Hiện tượng nhiễm sởi lây nhiễm chéo giữa các khoa ở Bệnh viện Nhi trung ương vẫn còn cao, với 39 ca trong ngày.

Bộ Y tế quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác điều trị và phòng chống dịch sởi tại Hà Nội và TPHCM để khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, giảm tử vong và số ca mắc mới. Các đoàn sẽ bắt đầu tổ chức kiểm tra trước ngày 23-4.

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết vì sao Bộ Y tế không công bố dịch sởi khi đã có hàng ngàn ca mắc và tử vong trong nhiều tháng qua?

* Thứ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THANH LONG: Việc Bộ Y tế không công bố dịch sởi không có nghĩa là không có dịch sởi. Sở dĩ Bộ Y tế không công bố dịch sởi mà chỉ thông báo có dịch sởi vì theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, việc công bố dịch ở mức độ cao hơn thông báo và khi công bố sẽ phải dựa vào những diễn biến của dịch, ảnh của dịch tới đời sống xã hội. Khi công bố dịch sẽ phải thực hiện một số biện pháp mạnh có liên quan và ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội, như: đóng cửa toàn bộ các trường học, nơi công cộng, các nơi vui chơi giải trí, tổ chức cách ly bắt buộc với người nhiễm bệnh. Trong khi đó, với thực tế diễn biến của tình hình dịch sởi hiện nay, chúng ta không nhất thiết phải áp dụng các biện pháp mạnh trên.

* Vì sao số trẻ mắc sởi bị biến chứng và tử vong tăng cao bất thường?

* PGS-TS NGUYỄN VĂN KÍNH, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn phòng chống dịch: Bệnh sởi là một bệnh lây rất nhanh và rất mạnh, đặc biệt là chỗ đông người. Sởi gây suy giảm miễn dịch cấp tính và bản thân virus sởi có thể gây ra 3 tình huống tử vong là: Viêm cơ tim, viêm phổi phù cấp và viêm não do phản ứng kháng nguyên và kháng thể. Trong khi đó, hiện nay dịch sởi vẫn lưu hành hàng năm ở nước ta nên những biến chứng và diễn biến của sởi trong năm nay so với trước không có gì bất thường.

Tuy nhiên thực tế từ tháng 3 tới nay, số trẻ bị sởi biến chứng và tử vong cao đột biến nhưng hầu hết là tập trung tại Bệnh viện Nhi Trung ương do dồn tất cả các ca nặng ở đây và tạo cơ hội cho virus lây lan và nhiễm khuẩn bệnh viện. Bởi lẽ, bản chất của bệnh sởi là giảm miễn dịch cấp tính vì thế rất dễ bội nhiễm các vi khuẩn trong môi trường bệnh viện. Trong khi đó, trong thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn quá tải trầm trọng làm gia tăng môi trường lây nhiễm chéo. Hơn nữa, thực tế bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Có tới 90% các bệnh nhân sởi là tự khỏi, chỉ có 10% là có biến chứng nặng mà thôi. Đáng lẽ chỉ cần xử lý 10% biến chứng nặng trong bệnh viện thì chúng ta lại đưa cả 90% số không có biến chứng nặng đến bệnh viện để khám chữa, dẫn đến tình trạng quá tải, gia tăng nguy cơ lây lan. 

Trẻ bệnh sởi biến chứng viêm phổi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: QUỐC LẬP

Trẻ bệnh sởi biến chứng viêm phổi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: QUỐC LẬP

* Xin cho biết những biện pháp nhằm giảm lây nhiễm sởi trong Bệnh viện Nhi Trung ương?

* TS TRẦN MINH ĐIỂN, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: Sau khi Bộ Y tế có chỉ đạo các bệnh viện tăng cường phân tuyến, hạn chế chuyển viện lên tuyến trên thì số trẻ bị sởi được chuyển tới viện đã bắt đầu giảm dần. Cùng với đó, bệnh viện cũng tập trung giảm tải ở các khoa phòng, bắt đầu từ khoa hô hấp và khoa truyền nhiễm nhằm hạn chế nằm ghép. Chúng tôi cũng đã lập ra một khu điều trị riêng cho hơn 50 trẻ bị sởi đang phải thở ôxy. Qua tìm hiểu một số bệnh viện tuyến dưới ở Hà Nội trong ngày vừa qua, chúng tôi cũng đề xuất, đối với những trẻ đang trong giai đoạn thoái chuyển bệnh (giảm sốt, giảm ho) thì các bệnh viện không nên giữ trẻ lại ở viện mà cho về nhà, nhưng phải có bộ phận để điều trị ban ngày tại viện cho trẻ.

KHÁNH NGUYỄN 

Đắk Lắk: 47 ca sốt phát ban dạng sởi

Ngày 18-4, bác sĩ Bùi Trường Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 47 cháu nhỏ có triệu chứng sốt phát ban dạng sởi, trong đó có 6 cháu ở các huyện Ea H’leo, Cư Kuin, Cư Mgar và TP Buôn Ma Thuột, phản ứng dương tính với bệnh sởi. Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo các cơ sở điều trị trong tỉnh bố trí phòng điều trị dự phòng và phòng điều trị riêng cho những ca mắc bệnh sởi để tránh dịch lây lan. Năm nay, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiêm phòng sởi cho khoảng 37.000 cháu nhỏ và hiện lượng vacine phòng sởi vẫn đáp ứng đủ nhu cầu.

* Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ đã ghi nhận 48 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Theo kết quả xét nghiệm bệnh phẩm của Viện Pasteur TPHCM, có 12 ca dương tính với sởi; tăng 9 ca so với năm 2013, không có ca tử vong. Đến nay, ngành y tế TP Cần Thơ đã triển khai tiêm phòng ngừa sởi mũi 2 đạt 91,7%.

CÔNG HOAN - BÌNH ĐẠI

Thêm 10 máy bơm tiêm điện

Chiều 18-4, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã trao tặng 10 máy bơm tiêm điện nhãn hiệu Braun (Đức) cho Bệnh viện Nhi Trung ương để hỗ trợ phòng chống, điều trị bệnh dịch sởi cho trẻ em. Lô thiết bị trị giá 250 triệu đồng và được trao tặng cho Khoa Truyền nhiễm để sử dụng ngay trong chiều ngày 18-4. Đây là phương tiện hỗ trợ truyền thuốc có kiểm soát, có độ chính xác cao về lượng, theo thời gian và rất có ý nghĩa nếu cần dùng thuốc đòi hỏi độ an toàn và ổn định cao, thường được sử dụng cho các bệnh nhi nặng.

HÀM YÊN

>> Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Chúng ta đã và đang có dịch sởi

Tin cùng chuyên mục