TPHCM: Số ca bệnh sởi tăng cao

TPHCM: Số ca bệnh sởi tăng cao

Ngày 19-4, GS-TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã kiểm tra tình hình phòng chống dịch sởi ở 3 bệnh viện tại TPHCM: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh nhiệt đới.

Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: BÙI NGỌC

Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: BÙI NGỌC

Tại Phòng Cấp cứu - Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, có 8 ca nặng, trong đó một cháu bé nhũ nhi, sinh ngày 1-4, của sản phụ Trịnh T.V. (26 tuổi, bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương). Cháu bị mắc bệnh sởi do lây chính từ người mẹ của mình. Sản phụ V. cho biết, chị bị lây bệnh từ một đồng nghiệp ở khoa hoặc một số bệnh nhân cấp cứu ở khoa. Ngay sau khi sinh, chị V. phát bệnh, sau đó lây qua cho con. Th.S-BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết, khi con sản phụ V. nhập viện trong tình trạng sốt cao (390C), phát ban. Còn sản phụ V. thì đã gần hết bệnh, trên da còn vết thâm vằn da hổ và cho làm xét nghiệm thì dương tính với sởi.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 40 ca nhiễm. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận 734 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó 60% là bệnh nhi thuộc các tỉnh lân cận. Vấn đề rất đáng lo ngại khi tỷ lệ bệnh nhi bị sởi không nặng nhưng số bệnh nhân ở các tỉnh vào nhập viện ngày càng đông dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo. Thậm chí, có phụ huynh dù được các bác sĩ giải thích nhưng nhất định cho con điều trị tại bệnh viện cho bằng được.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 18-4, bệnh viện khám và điều trị cho 938 trường hợp, bao gồm cả người lớn và trẻ em, trong đó người lớn là 260 ca (chiếm 31%).

BS Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng, dịch đang tăng cao khi số bệnh nhân tháng trước tăng gấp đôi tháng sau. Cụ thể, tháng 1 bệnh viện tiếp nhận 141 ca, tháng 2 có 427 ca, tháng 3 có 605 ca. Từ đầu tháng 4 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 487 ca. Riêng sáng 19-4, bệnh viện đã tiếp nhận 37 trường hợp nhiễm sởi. Tính từ đầu năm đến nay, số bệnh nhi đến khám ngoại trú tại bệnh viện là 1.684 ca. Trong đó, số ca mắc bệnh của TPHCM chiếm tỷ lệ 70%, cố còn lại chủ yếu từ các tỉnh lân cận. Trong số hơn 1.000 ca điều trị nội trú tại bệnh viện có 117 ca biến chứng về hô hấp, 2 ca phải thở máy và 10 ca phải thở nCPAP. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, chỉ có 2% bệnh nhi mắc bệnh sởi được tiêm chủng đầy đủ. Còn 98% còn lại chỉ tiêm được 1 mũi đầu.

Th.S-BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, sau 6 tuần TPHCM đã tiêm được 45.000 liều trong chiến dịch tiêm vét vaccine phòng ngừa bệnh sởi. Ngoài ra, còn có khoảng 17.000 trẻ tiêm dịch vụ; đồng thời kiến nghị Bộ Y tế cho phép TPHCM được phép tổ chức thêm nhiều điểm tiêm chủng mở rộng, bởi mỗi điểm chỉ tiêm 50 trẻ/ngày thì không đảm bảo số lượng trẻ cần tiêm. Về số người mắc bệnh sởi, từ đầu năm đến nay TPHCM ghi nhận 1.350 ca, trong khi đó cùng kỳ năm 2013 chỉ ghi nhận 107 ca bệnh sởi.

PGS-TS-BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết, chỉ tính riêng Viện Pasteur TPHCM trong 3 tháng đầu năm nay đã có 12.000 trẻ tiêm ngừa. Do đó, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM phải thống kê tất cả các điểm tiêm dịch vụ để có những tính toán cẩn thận. DS Trần Thị Thoa, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế nhận xét, công tác quản lý và điều trị cho bệnh nhân của 3 bệnh viện trên rất tích cực, hiệu quả. Số bệnh nhân có giảm nhưng còn rất khiêm tốn. Mặc dù số lượng tiêm phòng có tăng lên nhiều nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu. Cần phải lượng giá hiệu quả tác động thực sự của tiêm phòng.

Th.S Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, việc chống dịch sởi cũng phải làm như chống dịch cúm, không chỉ bệnh nhân mà cả thân nhân bệnh nhân cũng phải vệ sinh sạch sẽ, tăng cường sức đề kháng, thường xuyên rửa tay…

BÙI NGỌC - HẢI THỤY


Lập đề tài nghiên cứu bất thường về dịch sởi

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 19-4, cả nước ghi nhận thêm 116 trường hợp mới mắc sởi trong tổng số 241 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 32 tỉnh, thành phố. Đồng thời, ghi nhận 1 trường hợp nặng xin về có liên quan đến sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương và 1 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi ngày 18-4 tại Bệnh viện Bạch Mai. Trường hợp tử vong liên quan đến sởi bổ sung trong ngày do bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ, chưa đến tuổi tiêm phòng sởi.

Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 3.360 trường hợp mắc sởi trong tổng số 9.008 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. Trong số 116 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi thì có 25 trường hợp tử vong được xác định do sởi. Hiện có 12 tỉnh, thành phố trên 21 ngày qua không ghi nhận bệnh nhân mắc mới sởi.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với Sở Y tế thành phố Hà Nội và một số bệnh viện trên địa bàn về công tác điều trị và phòng chống dịch sởi.

Trước những diễn biến bất thường của dịch sởi từ đầu năm tới nay, đặc biệt là số trẻ tử vong tăng rất cao, Bộ Khoa học - Công nghệ cùng Bộ Y tế đã thống nhất giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về đặc điểm dịch tễ học, miễn dịch học, virus học, lâm sàng và hiệu quả điều trị bệnh sởi ở Việt Nam giai đoạn 2013- 2014. Một trong những điều bất thường nhất của dịch sởi năm nay là tỷ lệ tử vong do sởi và liên quan đến sởi trong gần 4 tháng qua cao gấp 30 lần tổng số trường hợp tử vong do dịch bệnh này trong 9 năm trước. Cùng với đó, trẻ mắc sởi bị biến chứng rất nhanh và số trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi nhưng bị mắc sởi với tỷ lệ rất cao.

TRUNG HIẾU - QUỐC LẬP

Tin cùng chuyên mục