Quá tải mổ tim

Viện Tim TPHCM đang quá tải với 1.250 - 1.300 ca/năm và con số này cũng không ngừng tăng lên hàng năm. Hiện tại, Viện Tim TPHCM có số bệnh nhân chờ mổ hàng năm vẫn khoảng trên dưới 3.000 trường hợp, trong khi năng lực cũng như điều kiện vẫn còn hạn chế.
Quá tải mổ tim

Viện Tim TPHCM đang quá tải với 1.250 - 1.300 ca/năm và con số này cũng không ngừng tăng lên hàng năm. Hiện tại, Viện Tim TPHCM có số bệnh nhân chờ mổ hàng năm vẫn khoảng trên dưới 3.000 trường hợp, trong khi năng lực cũng như điều kiện vẫn còn hạn chế.

Một ca mổ tim cho bệnh nhi bị bệnh tim bẩm sinh của Viện Tim TPHCM.

Điệp khúc… chờ

Vừa hoàn tất các thủ tục để đưa con về quê lo hậu sự, chị H. (ngụ Phú Yên) không khỏi nghẹn ngào: “Cháu bị bệnh tim bẩm sinh và đã chạy chữa nhưng không hết. Bác sĩ bảo phải mổ mà chờ từ năm cháu 6 tuổi nay đã 7 tuổi rồi vẫn chưa đến lượt. Cuối cùng thì cháu ra đi khi chưa kịp mổ”. Theo một bác sĩ Viện Tim TPHCM, chờ đợi mổ tim quá lâu, nhiều trẻ đã không thể chống chọi nổi và ra đi trong nỗi đau như thế. Có trường hợp đã đóng tiền và điệp khúc là chờ, có khi chờ gần 2 năm mới được nhập viện để mổ.

Theo lãnh đạo Viện Tim TPHCM, hiện có khoảng 10.000 người đang chờ mổ tim tại đây. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Chiếu, Giám đốc Viện Tim TPHCM, số người bệnh tim đang chờ được mổ đã tăng lên gấp 4 lần so với năm 1998. Trong đó, trên 77% bệnh nhân có khả năng đóng chi phí mổ, số còn lại là người nghèo đã và đang chờ sự giúp đỡ của xã hội.

Như trường hợp chị Nguyễn Thị Bé ngụ tại Tập đoàn 3, ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, đi khám và phát hiện bệnh tim từ năm 1993, chẩn đoán bị hở van 2 lá, tăng áp động mạch phải mổ. Nhưng rồi bác sĩ lại bảo cứ về nhà, nếu thấy mệt, khó thở nhiều thì lên khám lại và chừng nào mổ được sẽ thông báo. Cứ thế, từ đó đến nay chị đã đi không biết bao nhiêu lần và hết bao nhiêu tiền. Thường mỗi tháng chị đi khám một lần nhưng do mệt quá nên có khi một tháng chị phải đi 3 - 4 lần, thậm chí có tuần đi 3 lần. Thời gian đầu chị còn được chồng chăm sóc và đưa đón khi đi khám. Nhưng được khoảng 1 năm thì chồng chị chán nản và bỏ mặc chị tự vật lộn với bệnh tật.

Ròng rã chừng ấy thời gian, khi chị vào khám lần đầu có nhiều bác sĩ của viện còn trẻ vậy mà giờ đây họ đã già hơn rất nhiều. Đến tháng 11-2004, chị thấy bệnh viện gọi điện về và bảo bây giờ nếu có tiền đóng sẽ được mổ ngay. Mừng quá, gia đình chị vay ngân hàng 60 triệu đồng với mong muốn được mổ sớm. Thế nhưng, đóng tiền xong thì chị lại tiếp tục phải chờ vì lượng bệnh ở Viện Tim quá lớn và có quá nhiều ca phải mổ gấp.

Theo Viện Tim TPHCM, trong số 10.000 hồ sơ chờ mổ chỉ có 24% - 25% số bệnh nhân ở TPHCM, còn lại đều ở tỉnh thành khác. Trong khi đó, thời gian chờ kéo dài hàng năm trời. Và với bệnh tim thì càng kéo dài sức khỏe càng yếu và càng suy tim nặng, nếu được mổ cũng rất khó hồi phục.

Quá tải!

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Chiếu, Viện Tim đã tăng công suất mổ tối đa và hiện tại viện đã mổ luôn cả ngày thứ bảy và những bệnh nhân mổ trong ngày thứ bảy chi phí vẫn được tính như ngày thường. Đó là biện pháp thứ nhất để giảm số lượng bệnh nhân phải chờ. Song song đó, viện đã chuyển giao kỹ thuật cho nhiều bệnh viện tại TPHCM và nhiều tỉnh thành khác.

Cụ thể, tính đến nay các bệnh viện do Viện Tim chuyển giao kỹ thuật đã mổ được khoảng 5.000 bệnh nhân (BN). Trong đó, BV Nhi đồng 2 (TPHCM) đã mổ được khoảng 300 BN mổ tim chính; BV Trung ương Huế mổ được 2.000 ca tim hở; Viện Tim Hà Nội mổ được 1.000 ca; BV Nhi đồng 1 (TPHCM) mổ được 200 BN. Sắp tới, Khoa Tim BV Thống Nhất, BV Nhân Dân 115 (TPHCM); BV Đa khoa Cần Thơ và BV Đa khoa Đà Nẵng sẽ tiến hành mổ tim cho BN.

Ngoài ra, Viện Tim cũng đã hỗ trợ xây dựng bệnh viện chuyên khoa tim hiện đại là BV Tâm Đức với công suất 1.000 ca/năm - gần bằng Viện Tim. Cho tới thời điểm này, BV này cũng đã mổ được 250 trường hợp. Viện cũng sẽ xây mới để có giường cho BN nằm chờ hoặc điều trị, tránh tình trạng quá tải như hiện nay, đặc biệt đối với BN ở tỉnh sẽ không phải đi lại nhiều lần.

Mặc dù Viện Tim TPHCM mổ trung bình mỗi năm khoảng 1.250 - 1.300 ca, nhưng số BN bị các bệnh lý về tim chờ mổ vẫn rất cao. PGS-TS Vũ Minh Phúc, Chủ tịch Hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TPHCM, cho biết mỗi năm cả nước có khoảng 8.000 - 10.000 trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh (tỷ lệ 8/1.000 trẻ sinh sống), 80% là bị thông liên thất, tiếp đến là thông liên nhĩ… Trong đó 1/2 trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh nặng cần phải can thiệp ngay.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), hiện có khoảng 2.000 bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh chờ đến lượt mổ. Tại BV Nhi đồng 2 (TPHCM), theo TS-BS Hà Mạnh Tuấn, giám đốc BV, ngoài khả năng thông tim can thiệp từ 6 - 8 ca/tuần thì số trẻ được mổ tim hở bình quân cũng chỉ từ 2 - 3 ca/tuần.

Ở Viện Tim TPHCM hiện còn khoảng 2.000 bệnh nhi chờ đợi để được mổ tim. Thống kê của Hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TPHCM cho thấy, chỉ tính riêng các BV công có mổ tim tại TPHCM, số trẻ phải chờ đến lượt mổ là 2.000 - 3.000 trẻ/BV/năm. Các chuyên gia y tế cho rằng số trẻ này nếu không phẫu thuật kịp sẽ tử vong. Thực tế đã có nhiều trẻ bệnh tim bẩm sinh vì phải chờ đợi mổ quá lâu nên bệnh càng nặng thêm, biến chứng suy tim, sưng phổi, xơ hóa mạch máu phổi...

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục