Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng

10 năm tri thức hóa người lao động

10 năm tri thức hóa người lao động

Ôn lại quá trình 10 năm nỗ lực đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho giai cấp công nhân của thành phố và góp phần đào tạo nhân tài, phục vụ nguồn nhân lực cho nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam..., TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Bán công (ĐHBC) Tôn Đức Thắng, nhấn mạnh:

10 năm tri thức hóa người lao động ảnh 1

Bảo vệ luận văn tốt nghiệp ngành Mỹ thuật Công nghiệp ở ĐHBC Tôn Đức Thắng.

Trường ĐHBC Tôn Đức Thắng do LĐLĐ TPHCM sáng lập (nguồn vốn đầu tư ban đầu của trường là vốn của LĐLĐ TPHCM với sự hỗ trợ của UBND TP dưới hình thức chi trả lãi vốn vay kích cầu của trường), hoạt động theo cơ chế trường công tự chủ tài chính.

Bên cạnh việc đào tạo nhân lực mới, trường luôn chú trọng đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn cho nguồn nhân lực đang làm việc. Trường cũng đang chuyển mạnh thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu đa chức năng với định hướng trở thành ĐH nghiên cứu.

Trường là đơn vị giáo dục ngoài công lập đầu tiên trong cả nước mà hệ thống quản trị đào tạo và nghiên cứu đạt chuẩn chất lượng ISO 9001- 2000, được Tổ chức UKAS, Vương quốc Anh công nhận. Khi tổ chức đào tạo khóa 1, trường chỉ có 5 biên chế với vài chục cán bộ giảng viên hợp đồng. Đến tháng 9- 2007, trường có 346 cán bộ, nhân viên, trong đó có 218 giảng viên với 10 GS và PGS, 3 nhà giáo ưu tú. Từ 4 phòng chuyên môn và 8 khoa đào tạo ban đầu, tới nay, trường đã xây dựng được 8 phòng và 10 khoa với 5 bậc đào tạo (Trung học nghề, THCN, CĐ, ĐH và Sau ĐH).

Hiện trường đã tuyển sinh được 2 khóa cao học, 11 khóa ĐH chính quy, 3 khóa CĐ chính quy, 6 khóa THCN và nhiều khóa đào tạo nghề dài hạn, ngắn hạn. Đặc biệt, trường là 1 trong 2 cơ sở đào tạo đầu tiên của cả nước thực hiện thành công chương trình thí điểm đào tạo liên thông từ THCN lên ĐH theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT và đang thực hiện đào tạo liên thông xuống và lên giữa các bậc đào tạo.

Cách đây 10 năm, Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, nay là ĐH Bán công Tôn Đức Thắng, được thành lập với nhiệm vụ thực hiện Chương trình 17/TU và Chỉ thị 13 về xây dựng giai cấp công nhân thành phố của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.  

Từ 1.200 sinh viên Khóa 1 (tháng 3- 1998), đến nay trường có trên 20.000 sinh viên - học sinh, đồng thời hoàn tất 6 khóa đào tạo ĐH với tổng số 4.490 cử nhân- kỹ sư ĐH chính quy, 190 cử nhân CĐ chính quy, 3 khóa đào tạo THCN với 1.648 học sinh. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm.

Chất lượng đào tạo ngày càng tốt và gây dựng được uy tín đối với các nhà tuyển dụng về thương hiệu nhà trường nên khóa tuyển sinh 2007 vừa qua, có trên 12.000 thí sinh đăng ký dự thi nguyện vọng 1 vào các ngành đào tạo, gấp 10 lần chỉ tiêu dự kiến. Phương pháp đào tạo của trường ngày càng được hoàn thiện theo định hướng thực hành và tự học. Nhiều môn học trong giai đoạn chuyên ngành đã được giảng dạy bằng phần mềm mô phỏng tại các phòng máy tính chuyên dụng.

Điều đáng nói là trong 22 ngành bậc ĐH, đã có 2 ngành được ĐH Saxion (Hà Lan) thừa nhận đạt chuẩn châu Âu và kết quả học tập của sinh viên được chấp nhận chuyển đổi ở Hà Lan. Hiện chương trình đào tạo ngành Kế toán chất lượng cao được liên thông ngang với ĐH Saxion và liên thông dọc với các ĐH ở Úc và Singapore (bậc cao học).

Trường cũng đã đào tạo một số học kỳ giai đoạn chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế bằng tiếng Anh từ năm học 2005- 2006, tiến tới đào tạo tất cả học kỳ giai đoạn chuyên ngành bằng tiếng Anh… Chương trình đưa sinh viên - học sinh đến nhà máy, doanh nghiệp và doanh nghiệp vào học đường (kiến tập và thực tập ở nhà máy, doanh nghiệp; học trực tiếp một số bài ở doanh nghiệp…) đạt rất nhiều kết quả ấn tượng. Trường đã thí điểm thành công chương trình đưa thực tập sinh ra nước ngoài để nâng cao kỹ năng ngoại ngữ và nắm bắt thêm chuyên môn nghề nghiệp, công nghệ của nước ngoài đối với 2 ngành đào tạo: Mỹ thuật Công nghiệp và tiếng Trung. Năm nay sẽ có sinh viên ngành Quản trị nhà hàng- khách sạn thực tập nguyên học kỳ 8 ở Thái Lan. Từ khóa 11- khóa ra trường năm học 2011, điểm tiếng Anh theo chuẩn TOEIC tối thiểu của sinh viên tốt nghiệp phải là 500 mới được nhận văn bằng.

Trường luôn trung thành với phương châm “Vì sự nghiệp đào tạo con người và một xã hội phát triển ổn định, bền vững”, theo triết lý “Chất lượng và sự tin cậy”. Để thực hiện phương châm và triết lý này, trường luôn cam kết giữ vững hoạt động “Công bằng- Hiệu quả- Ổn định”. Các phương châm này phần nào phản ảnh sự đóng góp của nhà trường đối với xã hội hiện nay và tương lai.

Tin cùng chuyên mục