10 sự kiện chứng khoán nổi bật hàng năm là kết quả của sự bình chọn của tất cả các thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán và được công bố trước thời điểm kết thúc năm. Đây là năm thứ 15, các sự kiện chứng khoán nổi bật của năm được các thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán bình chọn và công bố.
1. Giải bài toán nghẽn lệnh tại HOSE, thanh khoản được cởi trói
Bất chấp đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ cả về điểm số, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư tham gia. Nhưng, đó cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng nghẽn lệnh kéo dài trên HOSE. Trên thực tế, ngay từ cuối năm 2020, “nghẽn lệnh” đã trở thành từ khóa “nóng” trên nhiều diễn đàn và khắp các mặt báo.
Bước sang nửa đầu năm 2021, dù có nhiều giải pháp nhưng nghẽn lệnh vẫn tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng, đỉnh điểm là việc phải tạm dừng giao dịch trên HOSE vào phiên chiều ngày 1-6-2021. Nghẽn lệnh không chỉ gây bức xúc, khó chịu và cả thiệt hại cho nhà đầu tư, mà còn tạo ra áp lực rất lớn cho cơ quan quản lý, HOSE và các đơn vị liên quan.
Theo đúng kế hoạch, sau 100 ngày, ngày 5-7-2021, HOSE đã chính thức đưa vào vận hành giải pháp xử lý sự cố hệ thống giao dịch tại HOSE phối hợp với FPT xây dựng trên nền tảng phần mềm hệ thống của HNX. Giải pháp mới với năng lực lệnh lên tới 3 -5 triệu lệnh/ngày đã vận hành ổn định, mượt mà, đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư, bất chấp thị trường liên tiếp lập thêm nhiều đỉnh mới.
Với hệ thống giao dịch mới, thanh khoản thị trường đã được cởi trói và xác lập những kỷ lục mới. Tính bình quân, giá trị giao dịch toàn thị trường trong năm 2021 tại thời điểm 17-12-2021 đạt 26.211 tỷ đồng/phiên – đây là mức cao nhất trong suốt 21 năm vận hành thị trường. Đặc biệt, thanh khoản sàn HOSE đã tiến sát ngưỡng 45.560 tỷ đồng/phiên xác lập ngày 23-12-2021. Không chỉ trên HOSE, thanh khoản trên HNX và UPCoM cũng tăng bứt phá, lần lượt đạt 3.126 tỷ đồng/phiên và 1.592 tỷ đồng/phiên.
Quy mô thị trường cổ phiếu đã tăng mạnh, đạt 122,2% GDP vào ngày 12-11-2021 (tính GDP năm 2020). Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, vốn hóa của chứng khoán 120% GDP vào năm 2025. Như vậy, với mức vốn hóa trên, mục tiêu của đề án đã hoàn thành trước 4 năm.
Có thể nói, chứng khoán là kênh đầu tư nhận được nhiều sự quan tâm nhất của giới đầu tư trong tương quan với các kênh đầu tư đại chúng trong nền kinh tế. Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp, nhiều kênh đầu tư khác gặp trở lại do dịch bệnh đã khiến thị trường chứng khoán gia tăng lực hấp dẫn đối với dòng tiền. Thị trường chứng khoán nhờ đó có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng trong năm 2021.
3. Hàng loạt biện pháp chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Dù đã giảm bớt sức “nóng” so với năm 2020, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục bùng nổ trong năm 2021.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính tới tháng 11-2021, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó khối lượng phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%. Ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục chiếm vị trí quán quân và á quân về khối lượng phát hành.
Tuy nhiên, sức nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2021 chỉ một phần nằm ở khối lượng phát hành, phần lớn lại nằm ở các động thái cảnh báo rủi ro, tăng chất lượng phát hành đến từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Chưa năm nào như năm nay, Ngân hàng Nhà nước và đặc biệt là Bộ Tài chính lại liên tục phát đi các thông tin cảnh báo rủi ro tiềm ẩn của trái phiếu doanh nghiệp tới nhà đầu tư nhiều như thế. Đặc biệt hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý, đẩy mạnh thanh tra, xử lý sai phạm trên thị trường này.
Trên thực tế, các đoàn kiểm tra tại các tổ chức phát hành và công ty chứng khoán cũng đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp các đơn vị chức năng ra quân. Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp phát hành là Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup và Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group cùng Công ty cổ phần Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VIS).
Ngoài ra, về mặt chính sách pháp lý, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 16 và Bộ Tài chính cũng đang gấp xây dựng dự thảo để ban hành Nghị định thay thế Nghị định 153 để tăng cường chất lượng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
4. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới lập kỷ lục
Năm 2021 chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán gia tăng kỷ lục. Thống kê đến hết tháng 11-2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới là 2,77 triệu tài khoản. Như vậy, riêng trong 11 tháng của năm 2021, đã có hơn 1,31 triệu tài khoản mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở 1,306 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước 11 tháng cũng gấp 3,3 lần số lượng trong cả năm 2020. Năm 2021 là năm kỷ lục về thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường.
5. Quy mô tăng vốn của doanh nghiệp niêm yết cao kỷ lục
Theo các báo cáo ước tính, năm 2021, có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương 102.600 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần trong năm 2021. Nếu các doanh nghiệp thực hiện thành công kế hoạch phát hành, năm 2021 sẽ là năm kỷ lục về lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết. So với năm 2019 và năm 2020, con số này gấp tương ứng 1,4 và hơn 5 lần. Con số này là rất ấn tượng khi mà cùng bị tác động mạnh từ dịch, việc huy động vốn năm 2020 giảm so với năm 2019 nhưng năm 2021 lại có sức bật mạnh.
Việc thị trường chứng khoán tăng mạnh từ đầu năm đến nay là cơ hội để nhiều doanh nghiệp huy động vốn nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục.
6. Hoàn thành “giải cứu” Vietnam Airlines
Ngày 7-7-2021, Vietnam Airlines chính thức ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng và đến ngày 20-9-2021, 4.000 tỷ đồng đã được rót cho Vietnam Airlines.
Cùng với đó, ngày 13-9, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đã giải ngân gần 7.000 tỷ đồng mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phiếu của cổ đông Nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ (các cổ đông ngoài Nhà nước mua hơn 1.000 tỷ đồng).
Như vậy, gói “giải cứu” 12.000 tỷ đồng mà Quốc hội thông qua (tháng 12-2020) đã được cổ đông Nhà nước hoàn thành việc giải ngân. Việc bổ sung vốn cho Vietnam Airlines cũng đồng thời kết thúc sự kiện “giải cứu” một công ty cổ phần lớn nhất từ trước đến nay mà Nhà nước thực hiện trên vai trò là cổ đông chính. Gói hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng do dịch Covid-19.
7. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục
Thị trường chứng khoán thăng hoa khi dòng tiền vào thị trường liên tục lập đỉnh nhờ sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền nội. Tuy nhiên, năm 2021 lại là một câu chuyện kém vui của dòng vốn ngoại trên thị trường. Năm 2021 là năm mà nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục trong nhiều năm qua. Theo thống kê tới giữa tháng 12-2021, khối ngoại đã bán ròng tới gần 60.000 tỷ đồng, chính thức vượt mốc hơn 2,5 tỷ USD.
Mặc dù vậy, điểm đáng mừng là việc khối ngoại bán ròng cũng chính là xu thế chung của nhiều thị trường chứng khoán quốc tế khi đại dịch xảy ra. Hơn nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì đà tăng rất ấn tượng, khi lượng bán ròng của khối ngoại đều được khối nội hấp thụ hết và tác động không nhiều tới tâm lý của nhà đầu tư như nhiều năm trước. Bên cạnh đó, theo thông tin từ cơ quan quản lý, dòng vốn ngoại có rút ròng không đáng kể và thấp hơn nhiều so với nhiều thị trường mới nổi và cận biên khác. Khối ngoại dù giao dịch bán ròng, nhưng dòng tiền ngoại vẫn ở lại Việt Nam và tìm kiếm cơ hội.
8. VN-Index lập đỉnh lịch sử mới
Năm 2021 Việt Nam hứng chịu tác động mạnh mẽ hơn của đại dịch Covid-19 khiến GDP quý 3 tăng trưởng âm 6,17%. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại có bước tăng trưởng vượt bậc, đánh dấu bằng sự kiện vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4-2021. Đây là đỉnh lịch sử đã thiết lập trong suốt lịch sử 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam với 2 lần chạm tới vào năm 2007 và năm 2018. Sau khi VN-Index vượt qua đỉnh lịch sử, thị trường tiếp tục thăng hoa và đạt đến đỉnh cao mới quanh 1.500 điểm.
Mặc dù thị trường liên tiếp đạt đỉnh cao lịch sử mới nhưng mức định giá lại liên tục giảm, do kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết cũng tăng trưởng vượt bậc. Giai đoạn VN-Index đạt đỉnh 1.200 điểm năm 2007, hệ số P/E của thị trường đạt 34 lần, giai đoạn đỉnh 1.200 điểm năm 2018, P/E đạt 22 lần nhưng hiện tại VN-Index quanh 1.500 điểm, P/E chỉ hơn 17 lần.
9. 25 năm Ngày truyền thống Ngành Chứng khoán và ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Ngày 28-11-2021, ngành Chứng khoán Việt Nam chính thức tròn 25 năm xây dựng và phát triển (28-11-1996 – 28-11-2021). Ngành chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào - khẳng định chủ trương xây dựng thị trường chứng khoán là rất đúng đắn.
10. Dấu ấn pháp lý của thị trường
Đầu năm 2021, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi và các nghị định hướng dẫn Luật cùng có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
Ở cấp thi hành, Thông tư số 57/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính chọn ngày 20-7-2021 - ngày thị trường chứng khoán Việt Nam tròn 21 năm khai mở - làm ngày công bố lộ trình sắp xếp lại các thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo lộ trình, chậm nhất đến hết ngày 31-12-2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thống nhất tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh.
Với Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, chậm nhất đến hết ngày 30-6-2025, phải thống nhất tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm niêm yết, thị trường giao dịch cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch.