10 sự kiện Công nghệ thông tin – Viễn thông (ICT) tiêu biểu năm 2011

Chiều nay, 28-12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) đã công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu ở Việt Nam năm 2011. Đây là năm thứ 10 Vietnam ICT Press Club tổ chức hoạt động này.

(SGGPO).- Chiều nay, 28-12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) đã công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu ở Việt Nam năm 2011. Đây là năm thứ 10 Vietnam ICT Press Club tổ chức hoạt động này.

1. Ầm ỹ thương vụ EVN Telecom. Ngày 6-4-2011, Hội đồng quản trị FPT thông qua nghị quyết rút khỏi thương vụ mua cổ phần của EVN Telecom.  FPT đã đưa ra lý lẽ rút lui vì không đạt được thỏa thuận mua 60% cổ phần của EVN Telecom. Thế nhưng, việc FPT thoái khỏi thương vụ mua cổ phần của EVN Telecom gần như không liên quan nhiều đến việc họ có mua được 60% cổ phần của EVN Telecom hay không mà đây là động thái “chống sa lầy” vào thương vụ này trong cuộc chơi tốn kém cả tỷ USD. 

EVN khẳng định, nếu một trong hai phía phá bỏ hợp đồng thì sẽ phải đền bù số tiền đặt cọc đang nằm trong ngân hàng là 708 tỷ đồng. Sau khi thông tin này được đưa ra tháng 10-2011, Hanoi Telecom đã lên tiếng về việc sáp nhập này bởi EVN và Hanoi Telecom cùng chung một giấy phép 3G. Nếu EVN Telecom nhập vào Viettel thì Hanoi Telecom sẽ ở cảnh “có giấy phép 3G cũng như không”. Vì vậy, Hanoi Telecom đã bất ngờ trình Thủ tướng Chính phủ phương án mua lại băng tần 3G của EVN Telecom.

Đến thời điểm này, quá trình chuyển toàn bộ EVN Telecom về Viettel đã được khởi động, bởi Chính phủ đã quyết định bàn giao nguyên trạng EVN Telecom sang Viettel từ 1-1-2012. Điều đó có nghĩa là Viettel cũng sẽ phải gánh khoản nợ cho EVN Telecom.

2. Bắt buộc VNPT không được sở hữu hai mạng di động. Tháng 4-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông quy định một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông. Sở dĩ cần phải quy định các điều khoản này để tránh việc doanh nghiệp câu kết, chèn ép các đối thủ khác và thống lĩnh thị trường để cạnh tranh không lành mạnh. Hiện VNPT đang sở hữu 100% vốn tại hai mạng di động lớn là VinaPhone và MobiFone.

Như vậy, theo Nghị định này VNPT sẽ không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần một trong hai mạng di động này. Quy định này sẽ buộc VNPT phải tính toán mô hình nào phù hợp cho mình.  Thứ nhất, VNPT sẽ buộc phải cổ phần một trong hai mạng di động của mình, nhưng cũng không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần tại mạng di động đã được cổ phần. Thứ hai, VNPT sẽ buộc phải tính toán hợp nhất hai mạng di động của mình để trở thành một mạng. 

 3. Hàng loạt tên miền .gov.vn bị tấn công. Tính đến tháng 12-2011, có 329 website tên miền .gov.vn (website của các cơ quan chính phủ) bị tấn công. Các website Việt Nam (.vn), trong đó có các website của các cơ quan chính phủ đã chịu đợt tấn công lớn nhất vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2011.

Theo ghi nhận của Cty bảo mật CMC Infosec, thời gian này, có ít nhất 300 website lớn với tên miền .org.vn (tổ chức) và .gov.vn (cơ quan chính phủ) bị tấn công.

Ngoài ra, sau những đợt tấn công lớn năm 2010, trong năm 2011, báo điện tử VietnamNet tiếp tục bị tấn công kéo dài dẫn đến hệ quả website bị “chập chờn” trong thời gian rất dài và vào nhiều thời điểm bị tê liệt hoàn toàn. Hình thức tấn công phổ biến của các đợt tấn công này là tấn công từ chối dịch vụ (DDOS). Đây là kiểu tấn công “dễ đánh, khó chống” vì tin tặc huy động hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn máy tính thây ma (máy bị nhiễm mã độc) đồng thời truy vấn vào máy chủ của nạn nhân khiến dịch vụ bị đình trệ.

Điều đáng nói là tình trạng bảo mật nói chung của website của Việt Nam là yếu và kiểu tấn công DDOS thường giúp tin tặc tiếp tục khai thác được những lỗ hổng bảo mật tiếp theo của các website này.

4. Beeline “trở lại thị trường” với gói cước tỷ phú bị “thổi còi”. Tháng 6-2011, Tập đoàn Vimpelcom của Nga đã quyết định “thay tướng” và “bơm” tiền vào thị trường Việt Nam cho mạng Beeline Việt Nam sau hơn 1 năm “án binh bất động”. Sự thay đổi này nằm trong chiến lược đưa Beeline trở thành một đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông lớn thứ tư tại Việt Nam. Chiêu thức đầu tiên được Beeline tung ra vào tháng 9-2011 đánh dấu sự trở lại thị trường Việt Nam là gói cước “sát thủ” có tên gọi “Tỷ phú”. Các thuê bao nạp thẻ tối thiểu 20.000 đồng để nhận 1 tỷ đồng trong vòng 10 năm và gọi nội mạng miễn phí trong 30 ngày đầu tiên. 

Cùng với đó, Beeline tung ra điện thoại siêu rẻ chỉ với 149.000 đồng. Gói cước sốc và điện thoại siêu rẻ của Beeline ngay lập tức đã khuấy đảo thị trường viễn thông. Lần đầu tiên Sim tỷ phú và điện thoại siêu rẻ của Beeline đã gây cơn sốt trên thị trường và các đại lý đã đẩy giá sim và giá điện thoại lên gấp đôi. Tuy nhiên, Bộ Truyền thông-Thông tin cho rằng gói cước nêu trên của Beeline có dấu hiệu phá giá cước di động khi gần như cho không  cước phí nội mạng cho khách hàng trong 10 năm sử dụng dịch vụ điện thoại di động. Vì vậy, Bộ Truyền thông-Thông tin đã có văn bản yêu cầu Beeline phải giải trình cụ thể về chương trình khuyến mãi “gây sốc” thị trường và phải ngừng triển khai gói cước tỷ phú này.

5.  AVG chính thức tham gia thị trường truyền hình trả tiền.  Ngày 11-11-2011, Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG - Truyền hình An Viên) chính thức phát sóng truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số vệ tinh (DTH), ghi nhận sự tham gia của một công ty tư nhân đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực truyền dẫn, phát sóng. Trước đó, tháng 8-2011, AVG đã khánh thành Trung tâm giám sát điều độ vận hành mạng từ xa (NCC) có khả năng kiểm soát và đảm bảo chất lượng dịch vụ truyền hình.

Dù tới 1-1-2012, AVG mới cung cấp dịch vụ trên diện rộng nhưng những động thái đầu tư và ứng dụng công nghệ được đánh giá là "bạo chi" và "dài hạn": Công nghệ truyền hình mà AVG ứng dụng được Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương (ABU) đánh giá là "thuộc hàng tiên tiến nhất thế giới"; Trung tâm NCC mà AVG đầu tư đến 150 tỉ đồng cũng chỉ để "chăm sóc khách hàng" (như lời của ông Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ). Đó là chưa kể tới việc ứng dụng giải pháp của CRM.com  trong việc quản lý thuê bao và tính cước.

Theo tiết lộ từ AVG, đơn vị này sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 3 gói cước 33 - 66 - 88 nghìn đồng/tháng. Đến thời điểm này thì đây cũng là gói cước “mềm” nhất trên thị trường.

6. Thu hồi dự án công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam. Tháng 11-2011, UBND TPHCM đã chính thức quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Công viên Phần mềm Thủ Thiêm của chủ đầu tư là Công ty TNHH TA Associates Việt Nam. Sau lễ khởi công dự án hoành tráng vào ngày 19-7-2008, dự án công viên phần mềm được coi là lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 1,2 tỷ USD, dự kiến tạo việc làm cho 40.000 công nhân trong giai đoạn xây dựng và 70.000 chuyên viên, kỹ sư Công nghệ thông tin khi hoạt động từ năm 2012 đã gần như không nhúc nhích. Cho dù chính quyền TPHCM đã tạo điều kiện cho TA Associates Việt Nam thực hiện dự án trên song nhà đầu tư này vẫn kéo dài thời gian, không thực hiện cam kết đầu tư ban đầu, đồng thời đưa ra những kiến nghị không phù hợp với cam kết.

Quyết định thu hồi giấy phép đầu tư của UBND TPHCM là đúng đắn và cần thiết, đồng thời cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc và là bài học cho những doanh nghiệp muốn mượn những ưu đãi dành cho đầu tư công nghệ cao của Chính phủ vào những hoạt động không đúng mục đích đề ra. Đây cũng là câu chuyện buồn cho phần mềm Việt Nam vốn đã không có những tín hiệu vui trong năm 2011.

7.  Biến động nhân sự cấp cao trong ngành ICT. Năm 2011 cùng với sự biến động các nhân sự cấp cao ngành ICT trên thế giới, thì tại Việt Nam, cũng diễn ra nhiều thay đổi CEO của các doanh nghiệp Công nghệ Thông tin – Viễn thông lớn. Tháng 1, ông Lê Ngọc Minh đã thôi giữ chức Tổng giám đốc MobiFone, để giữ chức Chủ tịch MobiFone và Phó Tổng Giám đốc VNPT. Thay vào vị trí đó là ông Mai Văn Bình. MobiFone cũng bổ nhiệm một loạt lãnh đạo mới trẻ trung và năng động.

Tháng 2, FPT “thay ngựa giữa dòng” với việc bổ nhiệm ông Trương Đình Anh giữ chức Tổng Giám đốc FPT thay ông Nguyễn Thành Nam (người kế nhiệm của ông Trương Gia Bình đã xin từ chức sau hơn 2 năm ngồi ghế nóng). Tháng 10, Intel Việt Nam cũng bất ngờ thay đổi vị trí Tổng Giám đốc, bổ nhiệm ông Mai Sean Cang giữ vị trí này, thay cho ông Phạm Đỗ Tuấn, người kế nhiệm của ông Thân Trọng Phúc – Tổng giám đốc đã có công lớn trong việc tạo dựng thành công cho thương hiệu Intel trên thị trường Việt Nam từ năm 2010.

Cũng trong tháng 10, Cisco Việt Nam cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Trường Sinh ở cương vị tổng giám đốc thay ông Lee Chiang Toh, người đã điều hành hoạt động kinh doanh của Cisco Systems Việt Nam trong hơn 2 năm qua. Năm 2012 cũng đánh dấu sự thay đổi nhân sự lớn nhất của ngành ngành ICT Việt Nam tại cương vị người đứng đầu ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam. Ngày 10-8, đã diễn ra lễ bàn giao công việc giữa nguyên Bộ trưởng Bộ Truyền thông-Thông tin Lê Doãn Hợp và tân Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.

8. Khách hàng tố siêu phẩm Samsung Galaxy SII sản xuất tại Việt Nam dính nhiều lỗi. Tháng 7-2009, nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Vietnam bắt đầu đi vào hoạt động tại Bắc Ninh.  Samsung Electronics Vietnam khẳng định Samsung đã đặt quyết tâm đưa nhà máy sản xuất điện thoại Samsung Electronics Vietnam lên vị trí số 1 trong số các nhà máy của hãng này trên thế giới và đưa Bắc Ninh trở thành thánh địa sản xuất điện thoại.

Chiếc điện thoại mà SamSung truyền thông là siêu phẩm có điểm 10/10 - Samsung Galaxy SII được sản xuất tại đây. Giữa tháng 7-2011, Samsung Galaxy SII được ra mắt tại thị trường Việt Nam. Thế nhưng, danh tiếng chưa kịp lên thì hàng loạt người tiêu dùng Việt Nam đã “tố” SamSung “treo đầu dê bán thịt chó” khi siêu phẩm này lỗi rất nhiều như màn hình bị ám màu, lỗi hồng tâm… và đặc biệt là những chiếc điện thoại Galaxy SII của SamSung chính hãng bán tại Việt Nam có màn hình kém hơn và lỗi nhiều hơn so với hàng “xách tay”. Scandal này đã lập tức làm nóng các diễn đàn công nghệ như Tinhte, Voz... và nhiều tờ báo.

Thậm chí, các thành viên trên diễn đàn Tinhte đã tổ chức buổi offline để “mổ xẻ” vấn đề này và đi đến kết luận ban đầu là người dùng tố siêu phẩm bị lỗi là chính xác và chất lượng màn hình Galaxy SII sản xuất trong nước bị ám màu nặng hơn so với hàng “xách tay”.

Thế nhưng, Samsung Vina lại cho rằng, hiện tượng hồng tâm và ám màu trên Galaxy SII là hiện tượng phổ biến trên các smartphone hiện nay. Tuy nhiên, các hãng điện thoại khác lập tức lên tiếng phản đối về ý kiến này và cho rằng, đó là do lỗi của nhà sản xuất Samsung.

9. Tập đoàn công nghệ FPT nổi danh nhờ showbiz. Năm 2011 là một năm trầm lắng của thị trường Công nghệ thông tin Việt Nam, hầu như không có sự kiện kinh doanh hay công nghệ nào được coi là đình đám, tốn nhiều giấy mực của báo chí. Tập đoàn Công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam là FPT cũng nằm trong xu hướng này, tuy nhiên trên một bình diện khác, FPT nổi danh tại lĩnh vực showbiz với sự xuất hiện tần suất lớn của một số cá nhân FPT, trong đó nổi bật là giáo sư Cù Trọng Xoay, Giám đốc FPT media Mai Thu Huyền, vua hài Phạm Quang Thọ đang lọt vào chung kết Vua hài đất Việt...

Vậy là, thay vì tốn giấy mực của các nhà báo ICT, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam FPT lại làm tốn giấy mực của các nhà báo văn hóa, giải trí. Quan trọng hơn cả, là thương hiệu FPT đã vượt ra khỏi Internet, phần cứng, phần mềm để lấn sang showbiz và cũng nổi như cồn.

10. Viettel bước chân vào lĩnh vực sản xuất điện thoại, máy tính. Tháng 10-2011, Viettel tuyên bố vừa vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông có khả năng sản xuất nhiều chủng loại như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính All-in-one, thiết bị hạ tầng mạng, thiết bị thông tin quân sự... Như vậy, Viettel là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đầu tư dây chuyền sản xuất điện thoại, máy tính chứ không đi theo kiểu “xác ta, hồn tàu” như nhiều sản phẩm điện thoại máy tính thương hiệu Việt khác.

Dây chuyền này có công suất thiết kế đạt tới 5 triệu USB 3G/năm, hoặc 3 triệu máy ĐTDĐ/năm hoặc 900 ngàn máy tính/năm, phục vụ cho nhu cầu thị trường của Viettel, bao gồm cả những thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư. Đây được xem là bước đi đầu tiên, tạo tiền đề xây dựng các dây chuyền tiếp theo trong chiến lược sản xuất thiết bị điện tử viễn thông của Viettel. 

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục