* TPHCM kiến nghị xử lý hình sự đối tượng đua xe trái phép
(SGGP). – Ngày 28-11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị triển khai công tác trật tự an toàn giao thông năm 2012. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc, điều này thể hiện sự cấp bách của vấn đề an toàn giao thông hiện nay và mức độ quan tâm của chính quyền tới vấn đề nóng bỏng này tại nhiều địa phương.
Theo báo cáo của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, 10 tháng đầu năm 2011, toàn quốc đã xảy ra hơn 11.000 vụ tai nạn giao thông làm chết 9.265 người, bị thương hơn 8.000 người, so với cùng kỳ các chỉ tiêu số vụ, số người chết có giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn còn rất cao và một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận.
Nguyên nhân của tình trạng mất an toàn giao thông đã được chỉ rõ, có tới 72% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe gắn máy, chủ yếu do chủ phương tiện không chấp hành quy tắc giao thông.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa quan tâm đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, công tác quản lý vận tải đường bộ còn nhiều tồn tại do Luật Doanh nghiệp và Luật Giao thông đường bộ còn chồng chéo, dẫn đến thực tế nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa ý thức rõ về trách nhiệm của mình với hành khách và xã hội, thiếu quan tâm đến chất lượng phương tiện và đạo đức nghề nghiệp của lái xe…
Điều đáng nói là những vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi” về tình trạng mất an toàn giao thông chỉ được lướt qua tại hội nghị này. Hàng loạt các giải pháp cùng mục tiêu giảm từ 5% - 10% số người chết vì tai nạn giao thông mà Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đưa ra mới là mối quan tâm chính của các đại biểu tham dự hội nghị bởi nó thể hiện quyết tâm lớn của ngành giao thông trong việc kiềm chế tai nạn giao thông thời gian tới.
Theo bộ trưởng, để ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông trong cả nước trước hết cần quy định trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức, viên chức và người thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và có hình thức xử lý thích đáng những cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, việc cưỡng chế thi hành pháp luật đối với các trường hợp vi phạm luật giao thông cần được tăng cường, đặc biệt phải áp dụng biện pháp mạnh đối với hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông như tịch thu phương tiện đua xe trái phép, áp mức xử phạt hành chính cao nhất. Trong năm 2012, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công an tập trung kiểm tra xe khách, container, xe tải nặng; đề xuất tịch thu những phương tiện tham gia giao thông không thực hiện sang tên đổi chủ, kể cả xe gắn máy; kiểm soát chặt các cơ sở đào tạo, cấp giấy phép lái xe trên toàn quốc, cương quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở, đơn vị vi phạm các quy định về đào tạo, sát hạch. Bộ trưởng cũng khẳng định, mỗi địa phương phải đăng ký cam kết giảm từ 5% - 10% số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông, 100% xã, phường phải ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông và duy trì liên tục cả 365 ngày.
Đại diện Hà Nội và TPHCM cùng nhất trí đề xuất Chính phủ chỉ đạo di dời khẩn trương hệ thống trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ra khỏi khu vực nội thành các thành phố lớn, không phát triển, mở rộng bệnh viện trong nội thành. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết không có bộ ngành nào di dời trụ sở để lại đất phục vụ giao thông mà chỉ chuyển công năng sử dụng. Như vậy, việc di dời khó thực sự mang lại hiệu quả giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Các đại biểu cũng nhất trí đề xuất Chính phủ giao các cơ quan xây dựng chính sách kiềm chế gia tăng dân số tại khu vực nội thành; cho phép áp dụng các giải pháp từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trên một số tuyến cụ thể hướng vào khu vực nội thành…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất của Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh về việc dành 100% tiền xử phạt vi phạm giao thông hỗ trợ lực lượng thi hành công vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thay mức đang áp dụng 70%. Hiện số tiền thu được từ xử phạt hành chính các vi phạm giao thông khoảng 200 tỷ đồng/năm.
* Sáng 28-11, đoàn kiểm tra của Bộ Công an do Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua về kết quả thực hiện Chỉ thị 22 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại TPHCM.
Theo báo cáo của Công an TPHCM, thời gian qua, số vụ tai nạn giao thông và số người chết do tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố được kéo giảm (mỗi năm 5%-15%); ùn tắc giao thông bước đầu được khắc phục, số vụ ùn tắc nghiêm trọng được kéo giảm…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TPHCM kiến nghị Chính phủ cân đối vốn để thành phố thực hiện các công trình giao thông, công trình chống ngập theo quy hoạch và kế hoạch đã được duyệt; bổ sung hình thức xử phạt vi phạm khác theo hướng tăng nặng nhằm tăng tính răn đe, đặc biệt là hành vi tụ tập, cổ vũ, lạng lách, biểu diễn, đua xe trái phép, chạy ô tô, mô tô hai bánh gây mất trật tự công cộng… Chính phủ xem xét có văn bản hướng dẫn xử lý hình sự, tăng gấp đôi hình thức phạt tiền, tước giấy phép lái xe không thời hạn, tạm giữ phương tiện 60 ngày trong lần vi phạm đầu tiên.
Trung tướng Đặng Văn Hiếu đề nghị trong thời gian tới, lãnh đạo TPHCM cần siết chặt kỷ cương trong quản lý nhà nước; xây dựng, củng cố, bồi dưỡng thêm nghiệp vụ và trang bị phương tiện cần thiết cho đội ngũ quản lý, xử lý giao thông; tăng cường kiểm tra phòng chống tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông…
BÍCH QUYÊN - ĐOÀN HIỆP