100 năm đám cưới Việt Nam qua ảnh

100 năm đám cưới Việt Nam qua ảnh

Có lẽ ít triển lãm trong nước nào lại thu hút đông đảo người xem như “100 năm đám cưới Việt Nam qua ảnh” vừa khai mạc cuối tuần qua tại Bảo tàng Dân tộc học VN (Hà Nội) và sẽ kéo dài đến hết tháng 2-2006.

  • Toàn cảnh đám cưới Việt
100 năm đám cưới Việt Nam qua ảnh ảnh 1

Cô dâu Vũ Thị San (áo trắng) cùng bạn bè trong ngày cưới tại Hà Nội năm 1936.

Hơn 100 bức ảnh và hiện vật (chọn từ trên 600 ảnh và hiện vật nhận được từ cuộc vận động trong 2 năm qua) được xếp theo thứ tự thời gian. Hình ảnh duy nhất về đám cưới diễn ra vào khoảng 30 năm đầu thế kỷ 20 là tấm bưu thiếp về đám cưới vua Hàm Nghi năm 1904, tổ chức ở nước ngoài.

Từ năm 1930 trở đi, văn hóa phương Tây du nhập vào VN nên tại các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn, nếp cưới xin truyền thống (thể hiện qua y phục, tập tục hôn nhân sắp đặt, sự mai mối, thách cưới, tổ chức phù dâu, phù rể, nghi thức xin dâu...) được kết hợp với những nét “tân thời” tiếp thu từ văn hóa phương Tây (âu phục, hoa cưới, thiếp cưới, ô tô đón dâu có trang trí hoa, tuần trăng mật...).

Hình thức đám cưới “Đời sống mới” được phát động từ cuối những năm 1940, đầu những năm 1950, với lễ nghi đơn giản, cô dâu chú rể ăn mặc giản dị do cơ quan, đoàn thể đứng ra tổ chức. Thời kỳ này, vì hoàn cảnh chiến tranh, nhiều đám cưới được tổ chức ngay tại doanh trại bộ đội, buồng tân hôn dựng ngay giữa rừng...

Từ năm 1975-1990, các đám cưới thời “bao cấp” diễn ra trong điều kiện đời sống khó khăn, thiếu thốn, quà mừng là những đồ dùng thiết yếu như nồi nhôm, chậu men, bát ăn cơm..., được bọc trong giấy đỏ. Bạn bè góp vui bằng lời ca, tiếng hát. Đám cưới hồn nhiên, vui vẻ, có lạc rang, kẹo vừng, kẹo lạc, chè lam,... Pháo đốt tưng bừng khi nhà trai đến đón dâu cũng như khi đưa dâu về nhà trai.

Từ 1990 đến nay, xã hội ngày càng phát triển, trang phục cô dâu, chú rể ngày một đẹp lên và đa dạng hơn. Cuộc trưng bày đã phản ánh rõ sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống được gìn giữ với các yếu tố văn hóa mới.

  • Chuyện kể quanh những bức ảnh
100 năm đám cưới Việt Nam qua ảnh ảnh 2

Ông Huỳnh Bá Cần và bà Lê Thị Ngọc Hồng trong lễ cưới năm 1967.

Bên bức ảnh cưới của chính mình cách đây gần 40 năm, bà Lê Thị Ngọc Hồng nhớ lại, mặc dù gia cảnh hai bên đều “thường thường bậc trung” nhưng nhà trai đã tổ chức một đám cưới chu đáo, đúng nghi thức đám cưới của người Huế ở thành nội với đám trẻ con đi đầu, trong đó có hai cậu bé đi song song ôm hai chú ngỗng trắng tượng trưng cho đôi uyên ương hạnh phúc.

Tiếp đó, kiệu hoa do 4 người khiêng, trên bày mâm xôi, gà luộc… cùng với 4 lọng vàng theo sau. Chồng bà, ông Huỳnh Bá Cần, rạng ngời hạnh phúc. Hai ông bà đứng cạnh nhau, cười móm mém suốt hôm khai mạc triển lãm, dù họ vừa đi hơn ngàn cây số từ Đồng Nai ra Hà Nội.

Ông Lê Trung Phúc (Hà Nội) gửi đến cuộc trưng bày những bức ảnh cưới của người thân và nhiều hiện vật quý. Đáng chú ý là giấy hôn thú năm 1932 của ông nội ông là cụ Lê Trung Châu, một trong những kiến trúc sư đầu tiên tham gia các công trình của Hà Nội. Cụ Châu đăng ký kết hôn với 2 cụ bà, là hai chị em ruột, cùng một ngày. Lần kết hôn thứ nhất, cụ ông chưa kịp làm giấy hôn thú nên khi kết hôn lần hai, cụ Châu “tiện thể” làm hai giấy, đều bằng 3 thứ tiếng (Hán, Việt và Pháp)...

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, tâm sự: “Ảnh cưới tuy của riêng mỗi người, mỗi gia đình nhưng đằng sau mỗi bức ảnh là những ký ức sâu nặng. Đó là nguồn tư liệu chứa đựng giá trị di sản văn hóa, mang nhiều thông tin quý báu cho chúng ta và các thế hệ mai sau. Cuộc trưng bày này sẽ tiếp tục được tổ chức ở nhiều nơi trong cả nước”.

HOÀNG GIANG
 

Tin cùng chuyên mục