Bộ Công thương vừa cho biết, hiện còn 12 doanh nghiệp thuộc bộ quản lý chưa khắc phục triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sự việc này kéo dài hàng chục năm khiến người dân sống quanh khu vực những doanh nghiệp này phải sống chung với ô nhiễm không khí và nguồn nước. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng chậm trễ trên?
1.001 lý do chậm
Công ty cổ phần Hóa chất Vĩnh Thịnh trước đây có sản xuất nông dược và thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu công ty phải di chuyển hoạt động sản xuất trong giai đoạn 2003 – 2005. Tuy nhiên, sau đó, công ty đã cho ngưng hoạt động sản xuất nông dược từ năm 1991 và bàn giao lại phần khu đất trên cho UBND tỉnh Lạng Sơn. Điều đáng nói, trước khi bàn giao khu đất này, công ty phải khắc phục ô nhiễm nhưng đến nay công ty lấy lý do không có đủ kinh phí khắc phục ô nhiễm và đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn trích ngân sách để xử lý việc ô nhiễm này. Hiện Bộ Công thương đã chỉ đạo Công ty cổ phần Hóa chất Vĩnh Thịnh làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện khắc phục ô nhiễm. Dự kiến thời gian hoàn thành phải đến năm 2013.
Trường hợp Công ty cổ phần Dệt may Nam Định còn nghiêm trọng hơn. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, công ty phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm yêu cầu, công ty chỉ mới đầu tư hệ thống xử lý khí thải và thuê đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải rắn. Còn đối với nước thải, chưa thực hiện được do công ty chờ di dời ra KCN. Hiện công ty đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất 2.000m3/ngày đêm và khởi công xây dựng nhà máy nhuộm và nhà máy động lực tại KCN Hòa Xá, tỉnh Nam Định. Dự kiến đến năm 2012 mới có thể thực hiện di dời, thậm chí có thể trễ hơn do gặp khó khăn tài chính.
Kho xăng dầu Mỹ Khê, Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định, Công ty Thuốc lá Sài Gòn, Công ty cổ phần Đá mài Hải Dương, Công ty cổ phần Than Cọc Sáu, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Xí nghiệp Khai thác quặng sắt Nà Lũng (thuộc Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng), Công ty cổ phần Bột giấy Hòa Bình và Công ty cổ phần Dệt Vĩnh Phú cũng rất khó khắc phục triệt để tình trạng gây ô nhiễm nghiêm trọng trong một hai năm tới. Lý do phổ biến do khó khăn trong việc bố trí mặt bằng xây dựng hệ thống xử lý chất thải, thiếu vốn di dời; thủ tục thuê đất còn phiền hà và mất quá nhiều thời gian; thiếu công nghệ để xử lý chất thải hiệu quả; đầu tư xử lý môi trường làm đội giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của công ty...
Gắn trách nhiệm bộ, ngành chủ quản với doanh nghiệp gây ô nhiễm
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nguyên nhân việc chậm di dời hoặc khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm của 12 doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sắp xếp nguồn tài chính. Muốn đầu tư xử lý môi trường, các doanh nghiệp phải vay ngân hàng nhưng nhiều doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không vay được. Hoặc một số doanh nghiệp phải di dời nằm trong quy hoạch công cộng nên không thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tạo vốn di dời; những doanh nghiệp bố trí được vốn đầu tư như Công ty cổ phần Dệt Thắng Lợi, Thành Công, Nhà máy Bia Sài Gòn (Nguyễn Chí Thanh, quận 5 TPHCM)… nhưng lại thiếu diện tích nhà xưởng để xây dựng hệ thống xử lý chất thải… Ngoài ra, phải thừa nhận rằng hiện còn nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức về yêu cầu xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường nên dù có điều kiện vẫn đầu tư rất cầm chừng, mang tính đối phó.
Trong thời gian tới, để xử lý dứt điểm tình trạng trên, một mặt bộ sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế phù hợp tạo nguồn kinh phí hỗ trợ các cơ sở phải di dời; nghiên cứu, xây dựng mô hình công nghệ xử lý ô nhiễm để thực hiện tư vấn và chuyển giao cho các cơ sở để lựa chọn các mô hình công nghệ thích hợp. Từ đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án xử lý ô nhiễm. Mặt khác sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý doanh nghiệp cố tình không khắc phục ô nhiễm, tạo áp lực để các doanh nghiệp này thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường.
Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho biết, nên gắn trách nhiệm của bộ chủ quản với doanh nghiệp hơn. Đơn cử như nếu xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm thì nên có hình thức phê bình, khiển trách đối với bộ ngành chủ quản của doanh nghiệp đó. Có như vậy mới tạo nên sự đồng thuận trong trách nhiệm và tình trạng gây ô nhiễm môi trường cũng nhờ đó mà được cải thiện hiệu quả hơn.
ÁI VÂN