(SGGP).- Ngày 9-11, tại TP Hà Tĩnh, Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung (QMT) phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão, Bộ NN-PTNT tổ chức tọa đàm “Chủ động phòng tránh bão, lũ để giảm bớt thiệt hại cho dân”.
Theo ông Văn Phú Chính, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão, 2 đợt lũ tháng 9 đến đầu tháng 11-2009 do bão số 9 và số 11 gây ra đã khiến 302 người chết, 10 người mất tích, 1.287 người bị thương, hàng trăm ngàn ngôi nhà, phòng học, bệnh viện, công trình công cộng bị đổ sập, cuốn trôi và hư hại nặng nề. Ước tính thiệt hại khoảng 21.748 tỷ đồng. Riêng trong 2 đợt lũ trong tháng 10-2010, từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế đã có 144 người chết (đặc biệt tỉnh Hà Tĩnh có 51 người chết), 25 người mất tích, 181 người bị thương. Ước thiệt hại khoảng 8.021 tỷ đồng (riêng Hà Tĩnh 6.374 tỷ đồng).
Có 18 bản tham luận, ý kiến của đại biểu, nêu rõ nguyên nhân chủ yếu là do xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện làm mất đi hàng chục ngàn hécta rừng, thung lũng vốn là nơi tập trung nước và giữ nước mưa tạm thời của lưu vực trước khi chảy ra sông, phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế. Nhiều hồ chứa được xây dựng nhưng công tác quản lý, vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa bộc lộ nhiều bất hợp lý gây khó khăn ứng phó với lũ ở vùng hạ du như trường hợp các thủy điện ở tỉnh Quảng Nam, Tây Nguyên năm 2009 và thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) năm 2010…
Việc san lấp các vùng trũng để xây dựng nhà cửa, công trình lấn chiếm hành lang thoát lũ, khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản như vàng, cát sỏi… làm sạt lở, thay đổi nghiêm trọng dòng chảy, giảm khả năng thoát lũ của sông…
D.Quang