2 “toa thuốc” cho nạn xe quá tải

Chỉ trong 10 ngày ra quân thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành mang mã số 201/KH-PC67-TTGT (gọi tắt là Kế hoạch 201), lực lượng chức năng TPHCM đã phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp xe quá tải, quá khổ
2 “toa thuốc” cho nạn xe quá tải

Chỉ trong 10 ngày ra quân thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành mang mã số 201/KH-PC67-TTGT (gọi tắt là Kế hoạch 201), lực lượng chức năng TPHCM đã phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp xe quá tải, quá khổ.

10 ngày, 113 trường hợp

Ngày 30-8-2013, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt ký chung bản Kế hoạch 201 với trọng tâm là tăng cường thực hiện kiểm tra, xử lý các phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến ra vào cụm cảng khu vực quận 4 và quận 7.

Các điểm nóng được Thanh tra GTVT và CSGT “chăm sóc” đặc biệt lần này bao gồm tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Tất Thành, quốc lộ 1, quốc lộ 22… Cụ thể hơn, trên các tuyến đường Nguyễn Văn Linh và Huỳnh Tấn Phát, lực lượng chức năng linh hoạt lựa chọn vị trí thích hợp để tổ chức chốt chặn hoặc tuần tra cơ động nhằm kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm chở hàng quá tải lưu thông từ các cảng trong khu vực ra các hướng. Có một điều đáng lưu ý là ở cụm điểm nóng này, mặt hàng thường được các phương tiện chở quá tải chủ yếu là hàng rời như sắt, thép, gỗ… Trong khi đó, trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành - quận 4, địa điểm chốt chặn là khu vực giao lộ Nguyễn Tất Thành - Hoàng Diệu bởi nút giao này tập trung một lượng lớn các phương tiện chở hàng quá tải lưu thông trên trục đường Nguyễn Tất Thành hướng từ Huỳnh Tấn Phát, cầu Tân Thuận 1 ra đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Sài Gòn.

Thanh tra giao thông kiểm tra xe chở quá tải, quá khổ chạy trên quốc lộ 1A. Ảnh: Cao Minh

Thanh tra giao thông kiểm tra xe chở quá tải, quá khổ chạy trên quốc lộ 1A. Ảnh: Cao Minh

Trong tất cả các vị trí, điểm nóng được tuần tra kiểm soát, lực lượng Thanh tra GTVT và CSGT đều không quên mang theo hoặc chuẩn bị sẵn các phương tiện tác nghiệp như các cân tải trọng di động, xe tải cẩu để hỗ trợ hạ tải hàng rời chở quá khối lượng cho phép của phương tiện, máy quay phim để ghi hình làm tư liệu phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ.

Biện pháp chính được lực lượng chức năng áp dụng là kiểm tra, xử lý kết hợp giữa chốt chặn và tuần tra kiểm soát công khai. Tất cả các trường hợp vi phạm được kiểm tra đều sẽ phải cân tải trọng và lực lượng chức năng sẽ kiên quyết hạ tải tại chỗ hoặc buộc các phương tiện vi phạm quay về nơi nhận hàng để hạ tải đúng quy định nếu muốn tiếp tục lưu thông.

2 “toa thuốc” đặc trị

Có ra hiện trường tuần tra, xử lý mới thấy hết những khó khăn của lực lượng chức năng khi ngăn chặn xe quá khổ, quá tải. Một trong những khó khăn đầu tiên là lực lượng kiểm tra quá mỏng trong khi địa bàn kiểm tra rộng vì thế bao quát được hết và xuyên suốt các điểm nóng xe quá khổ, quá tải là một bài toán không đơn giản. Bằng kinh nghiệm thực tế, Đội trưởng Đội 1 Thanh tra GTVT Đàm Phan Phát nhận xét rằng cũng có những khi một bộ phận doanh nghiệp vận tải lợi dụng khoảng trống về thời gian, về lực lượng để chở hàng không đúng quy định, tức quá khổ hoặc quá tải. Thậm chí, đã từng xảy ra chuyện theo dõi ngược cơ quan chức năng khi phía doanh nghiệp vận tải cho người theo dõi chính lực lượng kiểm tra liên ngành: khi có lực lượng trực chốt thì doanh nghiệp vận tải ém xe không lưu thông, đợi cho đến khi lực lượng chức năng rút đi thì họ mới cho xe ra chở hàng.

Có một điểm chung khác mà các cơ quan chức năng gặp phải khi xử lý xe quá tải đó là khó khăn trong khâu dừng xe kiểm tra tải trọng và khâu hạ tải khi phát hiện xe quá tải. Trên thực tế, thành phố hiện đang thiếu cả phương tiện hạ tải lẫn bến bãi tập kết để tiếp nhận hàng hóa hạ tải đó là chưa kể việc dừng xe kiểm tra tải trọng cũng phải thực hiện thận trọng để tránh gây ra ùn tắc giao thông. Điển hình là khu vực quận 7, nơi tập trung nhiều kho cảng, xe tải nặng, xe container vào ra tấp nập nhưng nếu muốn yêu cầu một xe tải tình nghi quá tải dừng lại để kiểm tra, đòi hỏi thanh tra viên phải cân nhắc, không thể tuýt còi dừng xe ở ngay cổng cảng.

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, ông Lê Hồng Việt, một trong những biện pháp hữu hiệu và khả thi giải quyết tình trạng xe quá tải là bắt đầu từ bên trong nội bộ và quy trình các cảng. Nói cách khác, ngăn chặn chất hàng quá tải ngay tại các cảng, nhà kho, bến bãi thực chất là ngăn chặn từ gốc rễ vấn đề, bởi vì suy cho cùng, Thanh tra GTVT và Cảnh sát giao thông cũng chỉ là lực lượng xử lý bên ngoài, xử lý phần ngọn.

Cũng có ý kiến cho rằng sẽ tốt hơn nữa một khi Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan thông báo kịp thời và yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp hoạt động sản xuất hàng hóa, xếp dỡ hàng hóa trên địa bàn thành phố không được xếp hàng hóa vượt quá tải trọng của xe; tại những khu tập kết hàng hóa, nhà máy, cơ sở sản xuất, bến cảng… cần kiểm tra tải trọng xe trước khi cho xe vận chuyển trên đường. Nói cách khác, cần phải có biện pháp chế tài đối với đối tượng là chủ doanh nghiệp, chủ hàng hóa và chủ xe tải, thay vì lâu nay chỉ dừng lại ở động tác phạt tài xế, bởi suy cho cùng, tài xế xe tải thường chỉ là người làm công cho chủ.

Đội trưởng Đội 1 Thanh tra GTVT, ông Đàm Phan Phát, cho biết chỉ trong 10 ngày đầu tiên ra quân triển khai thực hiện Kế hoạch 201, từ ngày 5 đến 15-9, lực lượng chức năng thành phố đã phát hiện, xử lý 113 trường hợp xe quá khổ quá tải, tổng số tiền phạt thu về hơn 263 triệu đồng, trong đó có 45 trường hợp bị tước giấy phép lái xe trong 30 ngày, 47 trường hợp bị tước giấy phép lái xe 60 ngày và giam xe 10 ngày một trường hợp.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục