Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có gần 10 nhà máy tái chế rác đang được xây dựng và một số trong đó sẽ đi vào hoạt động ngay trong năm sau.
Theo đó, nhà máy chế biến phân compost công suất 500 tấn/ngày của Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009 và đi vào hoạt động trong năm 2010. Một nhà máy chế biến phân compost khác, công suất giai đoạn 1 là 600 tấn/ngày của Công ty Vietstar đã cam kết nhận rác trong năm 2009 để vận hành thử và sẽ chính thức đi vào hoạt động ổn định trong năm 2010. Bên cạnh những nhà máy sẽ sản xuất từ năm 2010, còn có không ít nhà máy khác sẽ đi vào hoạt động vào các năm sau nữa.
Đó là nhà máy chế biến phân hữu cơ vi sinh công suất 1.000 tấn/ngày của Công ty TNHH Tâm Sinh Nghĩa dự kiến sẽ vận hành từ năm 2011. Nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn công suất 500 tấn/ngày theo công nghệ Seraphin của Công ty Thành Công dự kiến sẽ vận hành từ năm 2012.
Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Keppel Seghers Engineering (dự án đốt rác thành điện đầu tiên của thành phố), dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2014. Nhà máy này có công suất xử lý 1.000 - 2.000 tấn rác/ngày. Nhà máy xử lý rác công suất 500 tấn/ngày, theo công nghệ TBS - Trung Quốc đang trong quá trình hoàn thiện báo cáo đầu tư nhưng theo chủ đầu tư là Công ty Môi trường Đô thị TPHCM thì dự kiến nhà máy sẽ đi vào vận hành từ năm 2012.
Nhà máy cuối cùng có công suất xử lý 1.000 - 2.000 tấn rác/ngày là của Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Quốc tế (IEE Corp). Nhà máy này sẽ sử dụng công nghệ hóa khí, sử dụng chất thải rắn sinh hoạt như nguồn nguyên liệu tạo khí phát điện. IEE Corp đang tiến hành lập các hồ sơ cần thiết để triển khai thực hiện. Dự kiến đến năm 2015 - 2016, nhà máy sẽ đi vào hoạt động.
Như vậy, với số các nhà máy tái chế rác nêu trên, toàn bộ lượng rác đang thải ra mỗi ngày ở TPHCM: khoảng 6.000 tấn/ngày có nhiều khả năng sẽ được tái chế hết.
S.L.