Sáng 29-12, tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã diễn ra Hội nghị Tổng kết hoạt động chương trình chống Lao năm 2017 của TPHCM.
Phát biểu tại Hội nghị, theo bác sĩ Đặng Minh Đường, Phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết, năm 2017, tổng số bệnh nhân lao các thể được thu nhận điều trị của toàn thành phố là 16.452 người, vượt 3,5% kế hoạch năm.
Tính trung bình, tỷ lệ mắc bệnh lao của TPHCM là 196 người/100.000 dân, cao hơn rất nhiều so với bình quân cả nước là 110 người/100.000 dân.
Năm 2017, TP cũng ghi nhận có 712 bệnh nhân mắc lao kháng thuốc và kháng đa thuốc, chiếm 24%, trong khi cả nước chỉ có khoảng 3.000 bệnh nhân mắc lao kháng thuốc.
Như vậy, tại TPHCM, trung bình cứ 4 bệnh nhân nhiễm lao thì có một người bị kháng thuốc hoặc kháng đa thuốc.
Lý giải về nguyên nhân lao kháng thuốc, bác sĩ Đặng Minh Đường cho rằng, bệnh lao không phải là bệnh cấp tính, phải mất từ 3-6 tháng mới bộc phát nên nhiều người chủ quan, thường xuyên bỏ trị giữa chừng khiến bệnh trở nặng và kháng thuốc. Mặt khác, trong tư tưởng của nhiều người dân, chỉ những người nghèo, không có sức đề kháng mới mắc bệnh lao.
"Do chủ quan nên nhiều người dân không phòng ngừa, thậm chí là đang điều trị nhưng lại bỏ khiến tỷ lệ kháng thuốc ngày càng tăng. Điều này hết sức nguy hiểm bởi một khi vi khuẩn lao kháng thuốc lây lan ra cộng đồng sẽ biến đổi thành siêu kháng thuốc, lúc đó việc điều trị sẽ khó khăn gấp bội”, bác sĩ Đặng Minh Đường cho biết.
Đặc biệt, năm 2017, TPHCM cũng đã tiếp nhận và điều trị cho 282 trẻ em mắc bệnh lao, trong đó có 47 trẻ dương tính với lao phổi, tăng 74% so với năm 2016. Trẻ mắc bệnh lao nếu không điều trị kịp thời thường sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như mù lòa, liệt, thậm chí là tử vong.
Do vậy, bác sỹ Đặng Minh Đường khuyến cáo, nếu trẻ sống trong gia đình có người bệnh lao có các biểu hiện như sốt, ho, đứng cân trong thời gian dài thì cần được đưa đi xét nghiệm, điều trị kịp thời.