
Tiến ra biển để tìm kiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, thực phẩm và không gian sống chính là xu thế tất yếu có tính toàn cầu trong tương lai của các quốc gia có biển. Chính vì vậy, nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển để quản lý một cách hiệu quả phải được xem là một sự nghiệp lâu dài. Đó là khẳng định được nêu ra tại Hội nghị triển khai Quyết định số 47/2006 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Theo “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cứ khoảng 1km2 đất liền ở Việt Nam thì có 3km2 vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế; cứ 100km2 đất liền có 1km chiều dài bờ biển; tỷ lệ này gấp 1,6 lần tỷ lệ bình quân của thế giới. Diện tích của 28 tỉnh và thành phố ven biển chiếm 51% tổng diện tích và dân số cũng chiếm một nửa dân số cả nước. Hàng năm kinh tế biển đóng góp khoảng 12% GDP và 50% giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, tài nguyên-môi trường biển Việt Nam hiện đang phải đối diện với những thách thức lớn lao. Chất lượng môi trường biển và vùng ven bờ bị suy giảm đáng kể; hàm lượng hóa chất và chất rắn lơ lửng đều cao hơn mức cho phép, đa dạng sinh học suy thoái, đặc biệt đối với động vật đáy ở ven biển miền Bắc và thực vật nổi ở vùng biển miền Trung.
Dưới sức ép của các hoạt động phát triển và ảnh hưởng của thiên tai, các hệ sinh thái và nơi sinh cư ở biển và ven biển đang bị phá hoại nghiêm trọng... Trong khi đó, công tác điều tra cơ bản và quản lý trong thời gian qua còn chồng chéo, phân tán, manh mún và lãng phí.
Các kết quả điều tra chưa đủ độ chi tiết, nặng về mô tả, ít định lượng. Vùng biển Việt Nam lại thay đổi nhanh theo không gian và thời gian, nên các số liệu điều tra cần được cập nhật kịp thời.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực khẳng định: “Một khi đề án hoàn thành, chúng ta sẽ có được hệ thống cơ sở dữ liệu tin cậy về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vùng biển và ven biển nước ta, giúp xây dựng các chiến lược về an ninh quốc phòng, quy hoạch phát triển cho các ngành kinh tế... Tuy nhiên, điều tra trên đất liền đã khó, điều tra trên biển, dưới đáy biển để tìm ra các quy luật của biển lại càng khó hơn. Đề án chỉ có thể thành công nếu được đầu tư xứng đáng cả về nhân lực và tài chính”.
Ông cho biết, do tầm quan trọng của đề án, đây là một trong số ít đề án điều tra cơ bản được Chính phủ phê duyệt cụ thể tổng kinh phí thực hiện lên đến 2.916 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư lớn, đòi hỏi có sự lồng ghép giữa các lĩnh vực (môi trường, địa chất khoáng sản...), đa dạng hóa nguồn vốn (vốn ngân sách trung ương, địa phương, vốn ODA, kết hợp với vốn từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế – dịch vụ biển...). Phương thức tổ chức hoạt động điều tra phải tinh gọn, chú trọng đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, đồng thời đào tạo cán bộ nghiên cứu trình độ cao.
Mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2010 là xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp, đảm bảo nguồn vốn đầu tư, hoàn thành về cơ bản hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế quản lý, khai thác dữ liệu; tổ chức thực hiện các mô hình thí điểm, các chương trình phối hợp giữa các bộ ngành và địa phương có biển. Giai đoạn từ 2010 đến 2020 sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống tổ chức, quản lý và đội ngũ cán bộ đạt trung bình khá trong khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, bên cạnh yêu cầu đầu tư đúng tầm, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về biển, đảo còn khẳng định: “Phạm vi tổ chức điều tra cũng như việc công bố và khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu về biển là một vấn đề khá nhạy cảm, vì thế công tác này luôn phải bám sát các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, phải được tiến hành thật thận trọng và chính xác”.
ANH THƯ