(SGGP).- Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Hà Phước Tài đã cho biết như vậy tại Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010) trong hoạt động quản lý hành chính trên địa bàn thành phố được tổ chức vào sáng qua 18-12.
Trong 3 năm qua, chỉ có 2 vụ việc có yêu cầu bồi thường, tuy nhiên kết quả giải quyết cuối cùng chỉ có 1 vụ việc phát sinh Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đó là vụ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực IV phải bồi thường thiệt hại do chậm giao hàng cho Công ty cổ phần Hưng Cơ với số tiền 203 triệu đồng (theo quyết định của bản án phúc thẩm).
Dù đã trích kinh phí để thi hành bản án, nhưng Cục Hải quan TPHCM xác định người thi hành công vụ đã làm đúng quy định nên có văn bản đề nghị Tổng Cục Hải quan xem xét trích kinh phí bồi thường và không xem xét trách nhiệm hoàn trả của các cá nhân liên quan.
Thực tiễn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại TPHCM cho thấy việc xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân gặp khó khăn. Nguyên nhân do hoạt động các cơ quan hành chính là chuỗi liên hoàn với sự tham gia của nhiều cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, khi có sai sót trong quá trình hoạt động dẫn đến quyết định của cơ quan nhà nước sai, phải thực hiện bồi thường thì việc xác định trách nhiệm cụ thể thuộc về cơ quan nào, cá nhân nào rất phức tạp và khó phân định được mức độ lỗi của từng cá nhân tham gia.
A. CHÂN